Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

3 yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng giáo dục đại học

Cập nhật 17/12/2011 - 09:44:29 AM (GMT+7)
Với kinh nghiệm nhiều năm làm hiệu trưởng tại các trường ĐH danh tiếng của Anh như ĐH Liverpool, ĐH Glasgow và ĐH London (UoL), và hiện là hiệu trưởng British University Vietnam (ĐH Anh Quốc VN - BUV), GS.TS Graeme John Davies chia sẻ 3 yếu tố đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH.

Không chỉ quản lý nhiều trường đại học danh tiếng, GS.TS Graeme John Davies còn là cựu Chủ tịch Hội đồng Hỗ trợ vốn cho các trường đại học ở Anh, được Nữ hoàng Anh phong tặng tước hiệu danh dự vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục bậc đại học và sau đại học của Anh.

Với nhiều năm kinh nghiệm, GS.TS Graeme chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo tôi cần 3 yếu tố quan trọng nhất, đó là giáo trình, giáo viên và kỹ năng nghề. Cụ thể, về giáo trình phải đảm bảo hướng dẫn cho học sinh từ kiến thức tới kỹ năng học áp dụng trong thực tế như thế nào với nền kinh tế nơi học sinh đang sống và phát triển. Đối với đội ngũ giáo viên phải đảm bảo về chất lượng giảng dạy. Ví dụ như trường ĐH London, giáo viên phải là người dạy tiếng Anh bản ngữ để đảm bảo đúng chất Anh. Về kỹ năng nghề phải linh hoạt và phát triển, không chỉ dạy những cái đã biết mà phải dạy những cái kỹ năng ngành nghề đó yêu cầu để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, khi phát triển khung cấu trúc chương trình thì phải tìm giá trị, nhu cầu mới để tái trúc lại chương trình cho phù hợp thực tế”.

Trong điều kiện giáo dục đại học Việt Nam hiện nay số lượng vượt xa chất lượng, theo ông để chọn một trong 3 yếu tố trên thì nên chọn yếu tố nào đầu tư trước?

Phải thực hiện đồng bộ cả 3 yếu tố vì các yếu tố này liên quan chặt chẽ đến nhau như cùng trên một trận chiến không thể tách rời. Ví dụ như ăn mặc đẹp nhưng đi đôi giày cũ sẽ làm lệch lạc hình ảnh.

Trong chương trình học ở Anh, các trường đại học có được tự chủ hoàn toàn hay cơ quan quản lý giáo dục như Chính phủ đưa ra quy định khung, và yêu cầu các trường áp dụng quy định khung đó vào giảng dạy?

Mỗi trường đại học được tự chủ xây dựng khung chương trình riêng và họ sẽ quyết định xây dựng nó như thế nào để làm thế mạnh riêng của mình. Ví dụ, ĐH London (UoL), có 19 trường ĐH con và 12 viện nghiên cứu và mỗi một trường có thế mạnh riêng về khung chương trình theo từng lĩnh vực đào tạo.

Ông có 5 năm tham gia Chính phủ Anh quản lý về giáo dục. Vậy theo ông, vai trò của Nhà nước quan trọng như thế nào tới sự phát triển giáo dục đại học?

Ở Anh có khoảng 140 trường ĐH, trường lớn có khoảng 25.000 - 30.000 sinh viên, trường nhỏ có từ 3.000 - 5.00 sinh viên theo học. Chính phủ không tham gia nhiều vào khối trường học, chính phủ chỉ hỗ trợ tài chính để các trường hoạt động.

Tuy nhiên, các trường được quản lý bởi một tổ chức của Chính phủ. Mỗi năm Chính phủ đưa cho tổ chức này khoảng 8 tỷ bảng Anh. Số tiền này chia cho các trường, chính phủ chỉ cần các trường cam kết thực hiện đúng số tiền theo cam kết là sử dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học chứ Chính phủ không quan tâm, không bảo các trường dạy môn nào, dạy cái gì. Các trường đại học tự quyết định dạy môn nào cho phù hợp và làm sao để cho việc dạy đó là tốt.

Vậy việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học Anh quốc được thực hiện như thế nào?

Ở Anh có một ban kiểm định chất lượng hoạt động độc lập, không thuộc tổ chức quản lý tiền của Chính phủ. Ban kiểm định này sẽ phụ trách về chất lượng giảng dạy của các trường. Chất lượng họ đo được là họ dựa trên chất lượng trải nghiệm của các trường đó và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường.

Thường để đánh giá đúng chất lượng của một trường đại học thì trường đó phải hoạt động khoảng 5 năm. Với trường ĐH London (UoL) thì Ban kiểm định này đánh giá cả hoạt động ngoài nước Anh và cả trong nước Anh. Cụ thể, họ giám sát cả về chất lượng bằng của sinh viên học tại Anh hay học tại Việt Nam sẽ phải tương đương nhau. Các chương trình của British University Vietnam (ĐH Anh Quốc VN - BUV) cũng được đánh giá và kiểm soát dựa trên hệ thống này.

Đối với các trường ĐH tư thục ở Anh quốc có được nhà nước hỗ trợ không, thưa ông?

Chính phủ chỉ hỗ trợ về phía sinh viên như là vay vốn để học tập. Còn ngoài ra không được hỗ trợ thêm bất cứ thứ gì vì trường tư thường không có nghiên cứu khoa học.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật