Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Chuyện cuộc sống đi vào đề văn

Cập nhật 14/12/2011 - 04:07:20 PM (GMT+7)
Thái độ vô cảm của thanh niên có nickname “Kẹo mút chơi bời” trên mạng xã hội Facebook và tấm gương về một “trái tim không tật nguyền” của anh Trần Đỗ Huy trên báo Tuổi Trẻ đã đi vào đề kiểm tra văn học kỳ I của học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) vào sáng 13-12.

Cả học trò lẫn giáo viên đã đón nhận đề văn này với nhiều cảm xúc: Nhắc lại thái độ vô cảm của nickname “Kẹo mút chơi bời” về cái chết của một nạn nhân tai nạn giao thông. Và hình ảnh của anh Trần Đỗ Huy - người chỉ còn duy nhất ngón tay út cử động được nhưng đã dành tất cả sức lực, của trái tim còn lành lặn của mình để giúp đỡ cho những số phận tật nguyền khác (Tuổi Trẻ ngày 30-11). Và yêu cầu của đề thi là điều rất mới: “Hai câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về lối sống của một trái tim không tật nguyền?...”.

Đề kiểm tra nhiều cảm xúc

Ra đề văn này là cô Trương Thị Mỹ Phượng, một giáo viên có gần 30 năm dạy văn ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cô Phượng nói hai câu chuyện cô chọn đưa vào đề thi vì lý do đầu tiên là những câu chuyện đó đã mang lại nhiều cảm xúc trong cô, dù trái ngược nhau khi đọc. Và cô Phượng tin học trò cũng có cùng những cảm xúc ấy như mình. Sự khẳng định ấy đến từ một niềm tin lớn hơn.

Cô Phượng chia sẻ: “Tôi đọc những dòng vô cảm, lạnh lùng của “Kẹo mút chơi bời”, rất giận. Nhưng tôi tin đó chỉ là thiểu số, chỉ là những giây phút điên khùng chứ không phải là mẫu số chung của nhân tâm các bạn trẻ, của những học trò như tôi đang dạy”.

Còn câu chuyện của anh Trần Đỗ Huy, người chỉ còn mỗi ngón tay út lành lặn và nói với mẹ mình rằng sẽ dùng trái tim lành lặn để làm người tử tế, thì: “Tôi muốn khơi gợi trong các em rằng có rất nhiều ngả đường để làm người tốt, đó là cách để các em nuôi dưỡng trái tim mình, không bao giờ để nó tật nguyền - như anh Huy đã làm”.

Và niềm tin ấy của cô Phượng với các học trò đã không đặt nhầm chỗ. Đề thi yêu cầu chỉ viết trong 400 chữ và barem chỉ là 3 điểm nhưng không ít học trò đã dành nhiều thời gian thi để viết kín hai trang giấy kẻ ngang (giấy thi). Em Lý Nguyên Phi - học sinh lớp 12 chuyên Anh, một trong những học sinh đã viết kín hai trang giấy thi - bày tỏ: “Em đã dành hết nửa thời gian thi (120 phút) để làm câu này bởi câu hỏi rất gần gũi. Chưa bao giờ em làm một đề thi mà lại gặp những chuyện trên Facebook, trên những website của tuổi teen, được viết những suy nghĩ của mình”.

Tương tự, Kiều Vy, học sinh lớp 12 chuyên song ngữ, nói: “Trước đây tụi em cũng từng được làm những đề văn nghị luận về lối sống vô cảm, về đạo lý nhưng đều phải gò vào những khuôn mẫu có sẵn, chứ không phải được viết theo suy nghĩ của mình như lần này”.

Những gì được viết trong bài kiểm tra văn học kỳ I của học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn phải đợi các giáo viên chấm bài. Nhưng chỉ sau khi kết thúc buổi kiểm tra vài giờ, nhiều trang Facebook và Twitter của các học sinh vừa làm bài đã tràn ngập những dòng cảm xúc về đề văn này.

Có rất nhiều dòng cảm xúc từ đề kiểm tra văn được các học sinh đưa lên. Và nói như nickname Facebook - Kyoteuk Elf, một học sinh lớp 12 chuyên song ngữ, thì: “Giống như vừa xem một bộ phim mà mình thích ở nhà, giờ lại gặp bộ phim ấy ngay trong đề kiểm tra”.

“Điểm số của các em trong đề kiểm tra này còn phải chờ chấm bài. Nhưng tôi tin đề văn chính là một cuộc trắc nghiệm chính xác về thái độ của học sinh trước sự vô cảm. Và cách các em làm bài, cách các em thổ lộ trên mạng xã hội sau khi làm bài giúp chúng tôi có thể đặt nhiều niềm tin vào các học trò của mình” - cô Triệu Thị Huệ, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Lê Hồng Phong, chia sẻ.

Sẽ còn nhiều đề kiểm tra như vậy

Đây là khẳng định của thầy Võ Anh Dũng - hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong - sau đề kiểm tra văn học kỳ I lớp 12 sáng qua. Thầy Dũng nhìn nhận: “Trước đây, chúng ta thường ra đề gần giống với đề thi đại học, cao đẳng để giúp các em làm quen dần. Nhưng nay đề thi gần gũi với cuộc sống mới quan trọng, thoát khỏi sự gò bó, sự sáng tạo của các em được bày tỏ nhiều hơn. Và chắc chắn sắp tới ở Trường THPT Lê Hồng Phong sẽ còn nhiều đề kiểm tra như vậy”.

Không chỉ học trò mà nhiều đồng nghiệp cùng trường của cô Trương Thị Mỹ Phượng cũng bày tỏ sự đồng cảm và cảm xúc của mình trước đề kiểm tra văn này. Cô giáo Nguyễn Thanh Hà, giáo viên cùng tổ văn với cô Phượng, nhận xét: “Cách cô Phượng dùng một sự việc gần gũi với các học trò để các em bày tỏ suy nghĩ về đạo lý đã thoát khỏi những khuôn mẫu vốn có trong việc dạy văn. Sự đón nhận của học trò với đề kiểm tra này là một kinh nghiệm quý với các giáo viên trẻ như tôi”.

Cô Triệu Thị Huệ - người đã quyết định chọn đề kiểm tra này trong nhiều đề được gửi lên - đánh giá: “Đề kiểm tra này không những gắn với thực tiễn mà có cái hay là vừa quen lại vừa lạ. Quen về vấn đề yêu cầu với học sinh nhưng rất mới về hiện tượng, sự kiện, giúp các em hào hứng, có nhiều cảm xúc khi làm bài”.

Đó là điều mà theo cô Huệ, sự sáng tạo của người ra đề được thể hiện rất rõ. “Nếu không có đủ thực tiễn, không bắt được mạch suy nghĩ của học trò, giáo viên dù chuyên môn giỏi cũng không có được đề kiểm tra để học trò bày tỏ được cảm xúc như thế” - cô Huệ nhận xét.

Trân trọng cách suy nghĩ

Cô giáo Trượng Thị Mỹ Phượng năm nay 52 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 1984 và công tác tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ đó đến nay. Trước khi đến với nghề giáo, cô Phượng từng là một người lính quân y và thông tin tại chiến trường Campuchia, đóng quân ở Sisiphone (Battambang) từ năm 1977-1980.

Cô Phượng nổi tiếng là một giáo viên nghiêm khắc, từng cho điểm rất thấp với nhiều bài văn nhưng cũng từng cho không ít điểm 10 mà theo cô Phượng: “Những bài văn điểm 10 tôi chấm không phải dành cho sự hoàn hảo về cách hành văn mà là sự trân trọng dành cho các em trước một thái độ, một cách suy nghĩ”.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật