Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Cải tiến tuyển sinh

Cập nhật 30/11/2011 - 09:59:41 AM (GMT+7)
 Bổ sung các khối thi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào và cho phép một số trường ĐH thực hiện phương án tuyển sinh riêng - đó là chỉ thị của bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của các trường ĐH-CĐ vừa công bố.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về vấn đề này.

* Bộ chủ trương mở rộng khối thi thế nào? Như vậy, các khối thi truyền thống sẽ có sự xáo trộn phải không, thưa thứ trưởng?

- Việc này phải chờ đến sau hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ dự kiến tổ chức ngày 14-1-2012 mới quyết định. Nhưng theo chỉ thị của bộ trưởng, trong kỳ thi tuyển sinh tới, bên cạnh việc giữ nguyên các khối thi truyền thống là A, B, C, D... theo đề nghị của các trường, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét việc tổ hợp các môn thi khác nhau phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường.

Ví dụ Bộ Thông tin - truyền thông đề nghị với bộ cho phép tuyển sinh ngành công nghệ thông tin theo ba môn thi toán, lý, ngoại ngữ. Một số trường khối kinh tế muốn tuyển sinh theo các môn toán, lý, văn hoặc toán, lý, ngoại ngữ. Những trường năng khiếu cũng có những đề nghị được điều chỉnh khối thi phù hợp với ngành năng khiếu. Ví dụ có trường đề nghị tuyển sinh khối âm nhạc các môn văn và năng khiếu. Bộ GD-ĐT sẽ tập hợp các đề nghị này, thảo luận và có quyết định chính thức sau hội nghị tuyển sinh tới đây. Sau khi có quyết định chính thức, các trường có thể tùy theo yêu cầu của mình mà lựa chọn tổ hợp môn thi mới hoặc cùng lúc vừa tuyển sinh theo khối thi truyền thống vừa tuyển theo tổ hợp môn thi mới.

 

Thí sinh dự thi môn năng khiếu vào trường ĐH Văn hóa TP.HCM năm 2011. Tuyển sinh 2012, các trường năng khiếu đề nghị được tuyển sinh môn văn và năng khiếu cho ngành âm nhạc- Ảnh: NHƯ HÙNG

* Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để cho phép các trường bổ sung khối thi? Thí sinh dự thi theo tổ hợp môn thi mới sẽ phải thi đợt thi khác các đợt thi truyền thống hay có thể cùng lúc dự thi khối thi truyền thống và tổ hợp môn thi mới được không?

- Các tổ hợp môn thi mới do các trường đề xuất đều nhằm tuyển sinh sát với yêu cầu của ngành đào tạo hơn. Ngành công nghệ thông tin sẽ cần tuyển thí sinh biết ngoại ngữ chứ không cần đến thí sinh giỏi hóa. Tương tự, các ngành kinh tế cũng không cần đến kiến thức hóa học nhưng lại cần thí sinh có kiến thức văn học hoặc ngoại ngữ. Bộ ủng hộ các đề nghị phù hợp với yêu cầu thực tế của mỗi trường, tạo sự linh hoạt trong việc xét tuyển và cũng để tăng thêm cơ hội cho thí sinh.

Việc đổi mới sẽ cố gắng không gây xáo trộn cho thí sinh. Thí sinh thi vào chuyên ngành công nghệ thông tin chẳng hạn vẫn có thể thi khối A gồm ba môn toán, lý, hóa như trước đây, nhưng có thể lựa chọn thi theo tổ hợp môn thi mới là toán, lý, ngoại ngữ phù hợp với chủ trương tuyển sinh và đào tạo của nhà trường.

 

Các trường ĐH tự chủ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong chỉ thị “Về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2011-2012” ban hành ngày 29-11. Theo đó, căn cứ các tiêu chí quy định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 phù hợp với các điều kiện bảo đảm chất lượng (tỉ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng...).

Theo kế hoạch năm học mới, bộ điều chỉnh chỉ tiêu chính quy để giải quyết mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng, đồng thời tiếp tục giảm chỉ tiêu không chính quy để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, tinh thần của bộ là giữ ổn định theo giải pháp “ba chung”, nhưng điều chỉnh bổ sung một số khối thi, bổ sung chính sách tuyển thẳng ĐH, CĐ đối với học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định, các trường ĐH trọng điểm, ĐH thuộc khối năng khiếu - nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh riêng.

Sau khi việc mở rộng khối thi được quyết định, các trường có trách nhiệm thông báo công khai yêu cầu tuyển sinh bao gồm ngành đào tạo, khối thi, chỉ tiêu. Theo đó, có thể cùng một ngành, tuyển sinh cả khối thi truyền thống và khối thi mới.

* Việc đổi mới này có gây khó khăn, phức tạp cho thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường không?

- Đương nhiên sự thay đổi này sẽ làm công tác tuyển sinh tại các trường mất thêm nhiều công đoạn hơn so với trước đây. Nhưng sự đổi mới này là hướng tới sự thuận tiện, giản đơn cho người học, tăng cơ hội đăng ký dự thi của các thí sinh và phục vụ sát với nhu cầu đào tạo nên có khó bộ cũng quyết làm. Những vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện sẽ được bàn kỹ quyết định tại hội nghị tuyển sinh.

* Trước đây, thứ trưởng từng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc tuyển sinh nhiều môn khác nhau trong một đợt thi. Chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT năm nay có nằm trong dự liệu này?

- Việc tổ chức thi theo tổ hợp môn thực tế chính là “bước đệm” cho việc tổ chức thi vào ĐH bằng nhiều môn trong tương lai. Theo đó, về lâu dài bộ chủ trương tổ chức nhiều môn thi ĐH, thí sinh thi vào trường có yêu cầu thi tuyển các môn thi nào sẽ chủ động thi các môn đó để xét tuyển chứ không thi theo khối thi nữa.

Còn kỳ tuyển sinh năm 2012, thí sinh vẫn học theo các khối thi nên sẽ không có thay đổi gì làm xáo trộn kế hoạch học tập của các em. Nếu bộ quyết định việc thi ĐH nhiều môn thì phải có trách nhiệm thông báo trước cho thí sinh ít nhất ba năm để các em bắt đầu vào lớp 10 là có thể chuẩn bị kế hoạch học tập hợp lý, không rơi vào thế bị động. Ví dụ nếu thực hiện vào năm 2013-2014 thì từ bây giờ đã phải thông báo rồi.

* Trong định hướng đổi mới tuyển sinh, Bộ GD-ĐT sẽ giao dần tự chủ cho các trường trong việc lựa chọn phương án tuyển sinh. Hiện nay đã có những trường nào trình bộ về phương án tuyển sinh riêng?

- Về phương án tự chủ tuyển sinh, bộ đang khuyến khích các trường ĐH trọng điểm như ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH ngoại thương, ĐH bách khoa, ĐH sư phạm và các trường năng khiếu thực hiện thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm tuyển sinh. Bộ trưởng đã chỉ thị các trường có phương án tuyển sinh riêng phải bảo đảm ba điều kiện: không để tái diễn luyện thi, tổ chức tuyển sinh nghiêm túc và có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội kiểm tra, giám sát.

Đến thời điểm này, các trường ĐH này chưa trình phương án tuyển sinh riêng lên bộ. Việc thực hiện phương án tuyển sinh riêng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc gọn nhẹ, hiệu quả. Các trường được tự chủ chỉ tổ chức tuyển sinh cho riêng trường mình.

(Theo Tuổi Trẻ)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật