Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Học sinh đi bè vượt sông đến trường

Cập nhật 28/09/2011 - 09:16:11 AM (GMT+7)
Muốn đi học, hằng ngày học sinh ở các bản vùng sâu của xã Giao An, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) phải leo lên chiếc bè được ghép bằng những thân gỗ và dùng sức kéo bè qua sông.

Dòng sông Âm chia tách xã Giao An thành hai phía. Tả sông có 3 bản là Trô, Pắc Nặm và bản Ang với hơn 300 hộ dân sinh sống. Do trung tâm xã nằm bên hữu sông nên người dân 3 làng nói trên chỉ có cách duy nhất là vượt qua sông Âm mỗi khi muốn sang trung tâm xã.

Phương tiện duy nhất để chở người, phương tiện, hàng hóa qua sông là một cái mảng được ghép từ hơn chục cây luồng dài do bà con đóng góp. Vì không có điều kiện làm cột bê tông với ròng rọc dây cáp, dân bản đã tận dụng sợi cáp quang do một công ty viễn thông sau khi thi công để lại. Sợi dây to bằng ngón tay được buộc vào hai gốc cây mọc sát bờ sông.

Mảng ghép tạm bợ không hề có một chiếc phao cứu sinh, sợi dây cáp cũng chỉ được làm bằng dây cáp quang. Ảnh: Lê Hoàng.

Mỗi khi muốn vượt sông, người dân trong bản trèo lên mảng luồng rồi dùng tay ghì chặt lấy sợi dây cáp, sau đó vừa kéo vừa lợi dụng sức nước để đẩy bè sang sông. Từ nhiều năm nay, rất nhiều học sinh trường THCS Giao An đều phải qua sông đi học như thế. Vì không thể đưa xe đạp qua nên các em chỉ có cách đi bộ đến trường, có em nhà xa phải đi bộ cả 4-5 km đường rừng. Những ngày đi học, các em phải rời nhà từ tờ mờ sáng mới kịp giờ lên lớp.

Khi đến bờ sông, từng tốp 8-10 em làm thành một nhóm leo lên chiếc mảng và hò nhau lấy đà kéo bè. Anh chị lớn sẽ đứng ra kéo, các em nhỏ đứng vào giữa bè. Qua được bờ bên kia cũng là lúc hai lòng bàn tay các em đỏ rát, có em áo quần ướt sũng... Nếu là người lớn thì chỉ mất 10-15 phút là qua được bờ sông bên kia, nhưng sức học sinh phải mất chừng 20-30 phút, với điều kiện nước chảy nhẹ.

“Mỗi khi mùa lũ về, chúng em lại lo phải nghỉ học dài ngày vì nước sông dâng cao, chảy siết có thể làm lật bè, không thể sang sông. Biết là rất nguy hiểm, nhưng chúng em vẫn muốn được đến trường để học chữ”, Phạm Văn Chung, học sinh lớp 9, trường THCS Giao An chia sẻ.

Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng nơm nớp lo sợ. Chị Nguyễn Thị Vân, một phụ huynh ở bản Pắc Nặm, chia sẻ: “Mỗi ngày con đến trường là một ngày mẹ cha thấp thỏm, nhưng cũng không còn cách nào khác bởi còn phải bươn bả mưu sinh, sao có thể ngày mấy buổi đưa con qua sông".

Hiểm nguy luôn rình rập trên mỗi buổi đến trường của học sinh xã Giao An. Ảnh: Lê Hoàng.

Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu phó trường THCS Giao An cho biết, hiện tại trường có 119 học sinh, trong đó 58 em hàng ngày phải qua sông Âm. Vào mùa lũ, hầu như học sinh đều phải nghỉ học, có đợt nghỉ đến 2-3 tuần liền. Mấy hôm vừa rồi, trời mưa to quá, nước sông lại chảy xiết nên các em không dám đến trường. Một lớp học có 30 học sinh mà chỉ có 6 em đến được lớp vì thế các cô giáo phải cho cả lớp nghỉ học sau đó tổ chức dạy bù.

“Nhiều hôm nhìn học trò đến lớp với bộ quần áo và cặp sách ướt sũng, thương lắm. Có hôm, mưa lớn các em không thể trở về nhà sau buổi học, đành tá túc lại với thầy cô chờ nước rút. Những ngày học 2 buổi, các em phải mang theo cơm đùm, cơm nắm với cá khô để ở lại lớp. Nhiều cháu vì điều kiện đi lại khó khăn, nguy hiểm nên bố mẹ đã bắt thôi học...”, thầy Hà tâm sự.

Ông Phạm Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Giao An thông tin, cách đây ít ngày, mưa lớn lũ về, một tốp học sinh đang trên đường về nhà sau giờ tan lớp, khi bè đi đến giữa dòng, bất ngờ sợi dây được dùng làm cáp bị đứt. Tất cả nhóm học sinh chới với giữa dòng nước lũ, may mắn các em đều biết bơi nên không em nào gặp nạn.

“Người dân trong 3 làng tả sông Âm từng nhiều lần làm cầu tạm bằng luồng bắc qua khúc sông này, nhưng chỉ cần một trận mưa lớn là cầu lại bị nước lũ cuốn phăng. Một cây cầu kiên cố vẫn là ước mơ của người dân xã Giao An và bà con trong vùng”, ông Toàn tâm sự.

(Theo VnExpress)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật