Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Thắp sáng ước mơ nghề báo

Cập nhật 21/06/2011 - 09:03:15 AM (GMT+7)
Nhà báo kỳ cựu Hữu Thọ và cây bút phóng sự Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ kinh nghiệm nghề báo và truyền lửa cho các nhà báo tương lai tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tối 18/6 Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức buổi giao lưu nghệ thuật “Thắp sáng ước mơ nghề báo”.

Tại buổi giao lưu, những kỷ niệm gắn bó với nghề báo, những bài học thực tiễn cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu, được đúc kết từ chính cuộc đời cầm bút đã được các nhà báo chia sẻ, tâm sự cùng các sinh viên.

Nghề chọn người và người chọn nghề

Nhà báo của Hữu Thọ và thế hệ Đỗ Doãn Hoàng đều là những người đến với nghề hoàn toàn là tình cờ và ngẫu hứng. Thế nhưng sau này, họ đã yêu nghề và say nghề thực sự. Từ những năm tháng chập chững làm báo đến khi lành nghề, say nghề và gắn bó với nghề là cả một quá trình gian khó. Nghề báo đã chọn họ và họ đã hết mình vì nghề.


Nhà báo Hữu Thọ - người hơn nửa thế kỷ cầm bút, chia sẻ: “Nghề báo là nghề cần phải có năng khiếu và lòng say nghề, những ai muốn nhàn hạ thì đừng bước chân vào”. Đã từng vấp phải những chông gai nghề báo, bản thân nhà báo Hữu Thọ từng có ý định bỏ nghề. Thế nhưng, những gắn bó với nghề, sự say mê nghề nghiệp thực sự đã níu chân ông ở lại với nghề báo cho đến tận bây giờ.

So với nhà báo Hữu Thọ, tuổi nghề của Đỗ Doãn Hoàng chưa được bao lâu, nhưng Đỗ Doãn Hoàng cũng tự hào khẳng định: “Tôi đã đi hết đất nước này, đến từng tỉnh, huyện và dự định của tôi là sẽ đi tới từng bản làng”. Với anh, nghề báo là nghề đi nhiều và trải nghiệm nhiều, được gặp gỡ và tiếp xúc với những mảnh đời khác nhau. Đó là thú vui, là niềm đam mê của anh và anh sẽ tiếp tục niềm đam mê đó.

Cả nhà báo Hữu Thọ và Đỗ Doãn Hoàng đều rất trăn trở trước hiện tượng một số nhà báo đã bị tha hóa. Họ dù có tài nhưng vì đồng tiền mà quên đi trách nhiệm xã hội cao cả của người làm báo.

Nghề báo và người trẻ

Hiện nay giới trẻ tìm đến với nghề báo không ít. Với họ, nghề báo là nghề được đi nhiều, có cuộc sống phong phú và sôi động. Tuy nhiên, thực tế nghề báo là vô cùng khó khăn, gian khổ và chỉ chọn những người có bản lĩnh thực sự. Nhà báo Hữu Thọ khẳng định: “Ai cũng có thể thích nhưng không phải ai cũng có thể làm báo được”.

Hai nhà báo kỷ cựu cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các sinh viên trường báo về chủ đề: Học và thực hành như thế nào để thành công với nghề? Trong nghề báo, sự chênh lệch về lý thuyết và thực tế là rất lớn, kỹ năng và kinh nghiệm chỉ có được khi người làm báo lăn lộn thực tế để viết bài.


Nói về vai trò của người làm báo trong giai đoạn hiện nay, nhà báo Hữu Thọ cho rằng: “Đó là người phát hiện cái mới, thích ứng hoặc phản biện với cái mới”. Lời khuyên của ông dành cho tất cả các nhà báo tương lai: “Phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và phải có bản lĩnh để giữ vữngđịnh hướng đó”. Mỗi nhà báo, khi cầm bút phải ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình và: “Khi trong lòng còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự”.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, các nhà báo tương lai phải rèn luyện kỹ năng làm báo đồng thời phải tạo được bản sắc, phong cách riêng cho mình. Anh chia sẻ: “Người viết, người kể phải làm sao cho câu chuyện của mình sinh động và có duyên, phải tìm được những góc độ mới mà người khác chưa đề cập”.

Những chia sẻ của hai nhà báo kỳ cựu đã giúp các sinh viên - nhà báo tương lai có được những bài học thú vị. Con đường họ sẽ đi còn rất nhiều thách thức đang đợi phía trước, nhưng nhờ có những thế hệ đi trước tiếp lửa, tin rằng họ sẽ có những bước đi vững vàng.

(Theo Báo Người Lao Động)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật