Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Mù mờ tác quyền trong trường ĐH

Cập nhật 17/06/2011 - 03:02:03 PM (GMT+7)
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các trường ĐH đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu các quy định chi tiết về quyền sở hữu của nhà trường đối với các tài sản trí tuệ phát sinh

Hội thảo Thực thi Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong trường ĐH do Trường ĐH Kinh tế TPHCM phối hợp với Cục Bản quyền tác giả tổ chức đã diễn ra sáng 16-6, tại TPHCM

Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết không ít đề tài mà ông tham gia phản biện phải làm lại từ cấp cơ sở do bị phát hiện sao chép không trích dẫn. “Có một đề tài cấp bộ do một nữ giảng viên thực hiện có khoảng 300 trang thì tôi phát hiện có gần 200 trang sao chép sách của tôi đã xuất bản, giảng viên này sau đó buộc phải làm lại hoàn toàn”- ông Chu dẫn chứng.

Tiến sĩ Lê Văn Hưng, Trưởng Khoa Luật Kinh tế của Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng vấn đề tác quyền gắn chặt với các trường ĐH và là lĩnh vực rất phức tạp. Ví như các đề tài nghiên cứu khoa học sau khi ký hợp đồng và hoàn thành, việc xác định các vấn đề liên quan đến bản quyền giữa nhà trường và tác giả chưa rõ. Do vậy, đã xảy ra tình trạng có đề tài sau khi được nghiệm thu, tác giả tự in thành sách và xuất bản mà không thể hiện rõ “hình hài” của một công trình nghiên cứu khoa học trong trường.

Tương tự, các sách hoặc giáo trình sau khi thẩm định và đưa vào sử dụng, khai thác cũng còn lấn cấn về tác quyền. Có những giáo trình không thương mại hóa được thì giáo viên ký hợp đồng với trường thể hiện giáo trình thuộc quyền của nhà trường. Nhưng có những giáo trình thương mại hóa được thì giáo viên không ký hợp đồng, tự xuất bản và bán nhưng bìa sách lại ghi giảng viên của trường hoặc đề tên trường để tạo thêm giá trị thương mại. Thậm chí có trường hợp giảng viên mang tài liệu này đi giảng dạy ở trường khác rồi chỉnh sửa chút đỉnh và in thành sách, thế là cuốn sách đó trở thành tài liệu của trường khác.

Từ những thực tế này, các đại biểu nhận định thực trạng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các trường ĐH hiện gặp phải nhiều khó khăn là do thiếu các quy định chi tiết về quyền sở hữu của nhà trường đối với các tài sản trí tuệ phát sinh trong quá trình nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên tại trường; thiếu một đơn vị chuyên trách để giải quyết các vấn đề về bảo hộ quyền trí tuệ phát sinh ngay tại các trường; các trang thiết bị, đặc biệt là thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm kiểm soát và khống chế hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế….


Do vậy, các đại biểu cho rằng nhiệm vụ cấp bách của các trường là cần xây dựng cơ chế quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường ĐH một cách hiệu quả hơn. Trước mắt, các trường cần sớm thành lập tổ chuyên trách để xây dựng rõ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường ĐH dựa trên các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Có một thực tế là sinh viên hiện nay ưa dùng sách, giáo trình photocopy hơn là sách, giáo trình chính bản do giá rẻ hơn. Điều này cũng giúp các tiệm photocopy ăn nên làm ra từ chính việc vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Các trường cần có cơ chế hỗ trợ để sinh viên có thể mua được sách chính bản giá thấp hơn so với thị trường. Ngoài ra, cần tăng cường các đầu sách trong thư viện để sinh viên có điều kiện học tập, nghiên cứu tốt hơn.

(Theo báo Người Lao Động)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật