Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Tôi ủng hộ học vì kiến thức

Cập nhật 02/06/2011 - 09:50:07 AM (GMT+7)
SGTT.VN - Học trong tự học là một khái niệm rất rộng, là suốt đời. Nhưng đấy là một khái niệm rất chặt chẽ. Mỗi người từ lúc sinh ra, lớn lên, dù ở nhà hay đến trường tuỳ hoàn cảnh và điều kiện đều phải liên tục học, tự học để nên người.

Trong quá trình ấy, ở nhà trường, dù dạy hay, dạy kỹ đến mấy thì cuối cùng học sinh vẫn phải tự học để thu nhận những điều nhà trường, xã hội, gia đình muốn truyền đạt. Hiện nay học sinh có nhiều điều kiện để tiếp cận thông tin, tri thức, tiếp nhận cái mới nhưng điều đó cũng đặt ra nhiều rào cản, thách thức tinh thần tự học, tự tích luỹ kiến thức của mỗi cá nhân. Cụ thể, trong trường học vẫn còn tình trạng học nhồi nhét, các lớp học thêm quá nhiều, nếu quan niệm học vì điểm số vẫn tồn tại thì thành ra giữa người thầy truyền đạt với người trò tự học tỷ lệ không cân đối, không thích hợp. Môn làm văn chẳng hạn, ngay từ cấp THCS, nhiều khi người ta ra các bài mẫu là để học sinh tham khảo. Thế nhưng, ứng xử không khéo lại vô tình tước đoạt tính tự học, thay vào đó là thái độ ỷ lại. Học trò học thuộc, nhớ những ý chính, vào thi gặp một đầu đề tương tự thì cứ thế viết ra. Trong khi ở các kỳ thi giáo viên cũng chấm bài văn theo các thang điểm có chuẩn nhất định. Nếu học thuộc lòng để đi thi thì học lúc đó chỉ có ý nghĩa trả bài; còn chấm một bài văn lại đếm các đơn vị kiến thức theo thang điểm có sẵn sẽ không nhìn ra được những tư duy, sáng tạo, cảm thụ, suy nghĩ riêng của học trò, không phát huy được tinh thần tìm tòi tự học. Vì vậy, nếu hiểu đúng tinh thần tự học thì cuối cùng học sinh phải rút ra những bài học gì, kiến thức phải vào đầu chứ không chỉ đi thi...

Nói về tự học, vẫn không thể phủ nhận vai trò của giáo viên. Trong quá trình tự học ấy của mỗi cá nhân, người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc đặt ra nền móng, lối suy nghĩ tích cực. Tuỳ từng lứa tuổi, từng lớp và từng cấp học mà vai trò của người thầy để lại những dấu ấn khác nhau. Người thầy có vai trò là người hướng dẫn để người học chủ động, phải tự mình đi đến những kiến thức, phải chứng minh hoặc cảm nhận… Phương pháp dạy học có những yêu cầu tối thiểu mà trong khoa sư phạm, người ta đã có hướng dẫn, phải tuỳ từng bài, từng bộ môn, từng lớp, từng cấp, nhưng đại thể thì phải dành cho học sinh một quyền chủ động nhất định và kết quả học tập cuối cùng phải do học sinh quyết định. Tự học suy cho cùng là quá trình tích luỹ tri thức theo khả năng, sự ham thích của cá nhân và một người thầy giỏi là khơi gợi cho người học niềm hứng thú, say mê những ham thích đó. Dạy phải đi liền với việc học. Trong tâm lý học giáo dục Việt Nam cũng đặt ra việc dạy – học, thầy – trò cùng là chủ thể nhưng chủ thể của thầy là chủ thể hướng dẫn, chủ thể của trò là chủ thể quyết định cuối cùng. Vẫn phải dạy, nhưng dạy sao để học sinh tiếp nối và tự đi đến những điều hiểu biết cần thiết. Việc dạy phải đi liền xem người học có tiếp thu không, có lĩnh hội không, động cơ học tập tích cực hay tiêu cực? Từ động cơ học tập ấy, nếu người học thực sự ý thức được cái gì cần học thì họ học được. Học được thì nhớ được. Nhớ được thì vận dụng được. Nếu chỉ học đi thi thì có khi thi xong về là quên ngay. Tuy nhiên hai quan niệm học để đi thi, để điểm cao cùng song song tồn tại với quan điểm học để thu nhận kiến thức. Nhưng học thực sự để thành người hữu ích và thành người tài thì phải có một động cơ đúng đắn là học vì hiểu biết, vì cuộc sống. Đối với chúng tôi, học để thu nhận kiến thức là chính, còn điểm số thi cử chỉ là một hình thức đánh giá.

Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy muốn thành công thì đầu tiên phải ham thích học hỏi, đam mê với lĩnh vực và quan trọng là phải có mục tiêu rõ rệt. Như đối với tôi, tôi đã thực hiện điều đó đến độ tuổi này, làm được một số việc nhất định là nhờ những đức tính đã được rèn luyện trong gia đình, nhà trường, xã hội… Và đến nay tôi vẫn đang học và tiếp tục học.

GS Phạm Minh Hạc (chủ tịch hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo)

(Theo SGTT)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật