Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Từ "gia sư" trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Cập nhật 11/05/2011 - 09:23:27 AM (GMT+7)
(Dân trí) - Ước mơ trở thành bác sĩ; đã từng làm gia sư dạy toán… rồi bước ngoặt đã đưa bà Nguyễn Thị Bình đến với hoạt động cách mạng, trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Phó Chủ tịch nước.
Tại hội thảo “Bí quyết thành công của những phụ nữ Việt Nam thành đạt trong lĩnh vực giáo dục và hoạt động xã hội” do Liên minh Vì giáo dục cho mọi người vừa tổ chức tại Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã chia sẻ bí quyết thành công của mình một cách giản dị đời thường.
 Ước mơ trở thành bác sĩ

Tâm sự về bước ngoặt đưa mình đến con đường hoạt động chính trị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Mẹ tôi mất sớm, ba tôi nói rằng: Con cố gắng học vì bản thân con có tới 5 em cần con giúp đỡ. Nếu con học tốt, con có vị trí trong xã hội, nếu ba đi rồi con có thể lo được cho các em”.

Ngày đó, tôi có ước mơ làm bác sĩ vì tôi thấy mẹ tôi ốm, mời bác sĩ khó khăn lắm, lúc mời được, lúc không. Tôi nghĩ người ốm cần phải có bác sĩ tốt. Cho nên tôi dự định học trở thành bác sĩ.

Đến năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra thì tất cả đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến. Cũng vì nhờ trình độ về văn hóa nhất định (hết tú tài) nên đi vào kháng chiến tôi có ý thức học những điều mình chưa biết như về cách mạng, về duy vật biện chứng… nhờ vậy trình độ chính trị được nâng cao. Năm 20 tuổi tôi đã là Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ cứu quốc của thành phố Sài Gòn - Chợ lớn. Lúc đó, phong trào Phụ nữ cứu quốc hoạt động rất mạnh nhưng trong bí mật, sau đó tôi làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ.

Vì tôi vừa có trình độ văn hóa nhất định và biết tiếng Pháp, tiếng Anh lúc đó còn bập bẹ. Nhờ tiếng Pháp đó mà tôi rất thuận lợi trong công việc. Lúc bây giờ, cách mạng cần một người có bản lĩnh chính trị, có trình độ văn hóa, ngoại ngữ để làm đối ngoại và tôi đã được lựa chọn đi làm trưởng đoàn đàm phán của Hội nghị Paris.

Không lâu sau, tôi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, khi ấy còn trẻ mới 41 tuổi, nhưng lúc đó do yêu cầu công việc. Tuy còn trẻ nhưng tôi tự tin mình có thể làm được. Thực tế, ngay bản thân tôi luôn ý thức học tập và đặt ra nhiệm vụ: hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua.

Tôi nghĩ, không biết trong điều kiện bình thường tôi có may mắn đó không (làm các nhiệm vụ quan trọng - PV) nhưng thực tế, tôi có may mắn và thực sự tôi có năng lực nhất định để đảm đương nhiệm vụ. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khá nặng nề nhưng rất vinh quang ở Hội nghị Paris.


Con đường trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Nói về “duyên” trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình tâm sự: “Trước đây, khi hoạt động ở Sài Gòn - Chợ Lớn tôi cũng có đi dạy học. Mặc dù không học sư phạm nhưng do học giỏi Toán nên tôi chuyên về dạy môn Toán, đi kèm cặp học sinh mà bây giờ gọi là "gia sư".

Sau khi làm ngoại giao về nước, các đồng chí bảo tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Lúc đó, các đồng chí nói: “Cô đã đi làm cô giáo rồi cho nên làm giáo dục chắc được”. Giai đoạn đó làm giáo dục quan trọng lắm. Tôi cũng lo nhưng các đồng chí thuyết phục, tín nhiệm thì tôi cố gắng làm.

Khi về làm Bộ Giáo dục, người ta nói ở Bộ này có nhiều cây đa, cây đề, nhiều giáo sư, trong khi đó tôi không phải là giáo sư. Tôi nghĩ rằng, mình có bản lĩnh của mình và xác định quan điểm làm việc rõ ràng: “Tôi sẽ lắng nghe tất cả các đồng chí sau đó tôi sẽ quyết định, tôi mong các đồng chí ủng hộ”.

Trong thời gian 10 năm tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục được sự ủng hộ anh em trong cơ quan nên 10 năm tôi có sự đóng góp nhất định.

Đến năm tôi 60 tuổi, do hoàn cảnh nhất định, các đồng chí nói cần Phó Chủ tịch nước và nói tôi có thể làm được. Tôi tiếp tục cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. 10 năm tôi làm Phó Chủ tịch nước, tôi cố gắng đóng góp vào sự nghiệp chung, trong đó luôn quan tâm tới vấn đề phụ nữ và giáo dục.

Sau khi chia sẻ trải nghiệm về sự nghiệp của mình, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: “Phải có trình độ giáo dục nhất định thì mới làm được nhiệm vụ. So với các đồng chí lúc đó thì tôi được học nhiều nhưng so với thời điểm bây giờ phải nói các chị em học hơn tôi rất nhiều. Trình độ văn hóa hết sức quan trọng nhưng cũng còn cần ý chí phấn đấu để đóng góp cho đất nước một cách xứng đáng hơn. Với ý thức như vậy nên tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong tất cả các nhiệm vụ được giao. Năm nay tôi 85 tuổi, tiếp tục nghiên cứu đề tài giáo dục”.

 

Phụ nữ phải có tinh thần tiến thủ

Nói về sự tiến bộ của phụ nữ thời nay, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận định: “Phụ nữ không tiến bộ chính là bản thân phụ nữ chưa có tinh thần tiến thủ. Hiện có một số phụ nữ thành đạt do họ có tinh thần tiến thủ. Theo tôi, trước hết phải có trình độ về mặt văn hóa, kiến thức cơ bản nhưng phải có trình độ nghề nghiệp.

Hiện nay trình độ văn hóa chung chung không có ý nghĩa gì mà phải có nghề nghiệp thực sự đóng góp cho xã hội. Tất cả đòi hỏi bản lĩnh của người phụ nữ cần phải phấn đấu để có vị trí trong gia đình, trong xã hội như thế nào. Tuy nhiên, phụ nữ trong mọi trường hợp không thể không làm nhiệm vụ làm mẹ. Làm sao để vấn đề này không là gánh nặng mà nó hài hòa trong cuộc sống của mình. Như vậy, phụ nữ vừa có hạnh phúc, vừa có công danh”.

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật