Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Nghiên cứu rồi... xếp xó

Cập nhật 11/01/2011 - 08:44:51 AM (GMT+7)
Có một lý do khó nói khiến không ít giảng viên dù có tâm huyết nghiên cứu khoa học cũng đành tạm gác niềm khát khao của mình, đó là việc “phân bổ” đề tài như “ban phát phúc lợi”
Đánh giá thực trạng nghiên cứu ở các trường ĐH hiện nay, PGS-TS Hoàng Dũng, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ - ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Nhìn cụ thể từng nơi, từng đơn vị và từng lĩnh vực, sẽ thấy sự khác nhau. Có những lĩnh vực phát triển rất tốt với nhiều kết quả nghiên cứu được đánh giá cao như các cảm biến sinh học, pin mặt trời, khoa học vật liệu... Song nhìn chung, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn về con người, cơ sở vật chất và cơ chế”.
 
6 hạn chế nổi cộm
Thạc sĩ Phan Kim Ngọc, Trưởng Phòng Thí nghiệm tế bào gốc - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), bày tỏ bức xúc về việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng hiện nay còn ít. Dù nhiều đề tài có kết quả tốt, có khả năng ứng dụng cao nhưng sau khi được nghiệm thu thì được đóng gói cẩn thận và... xếp vào góc tủ. Điều đó làm cho nhiều nhà khoa học tâm huyết mất dần hứng thú, triệt tiêu dần động lực.
 
Ngược lại, cũng có nhiều đề tài nghiên cứu xong phải xếp xó vì chẳng có tính ứng dụng thiết thực gì cho đời sống. Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trưởng Bộ môn Tài chính - Trường ĐH Kinh tế, Luật - ĐH Quốc gia TPHCM, hoạt động nghiên cứu khoa học trong các viện, các trường ĐH của VN còn nhiều hạn chế.
 
Một là, nguồn lực nghiên cứu khoa học chưa được phân bố và quản lý hiệu quả: Một chủ đề mà nhiều nơi thực hiện, các kết quả nghiên cứu không được đối chứng, thiếu công khai, minh bạch, phân bố tài chính thiếu công bằng.
 
Thứ hai, các đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp cơ sở trong các trường ĐH, thậm chí trong các viện nghiên cứu thường là do giảng viên, nghiên cứu viên tự đề xuất, các đơn vị thụ hưởng không rõ ràng và hầu như các nghiên cứu không có địa chỉ sử dụng, cùng lắm là chỉ phục vụ viết sách, tính điểm công trình nghiên cứu.
 
Thứ ba, do kinh phí đề tài cấp bộ, cấp cơ sở hạn chế, chỉ từ 20 triệu đến 70 triệu đồng/đề tài nên khó thực hiện được các nghiên cứu thực nghiệm dẫn đến chất lượng các đề tài nghiên cứu hạn chế trên cả về mặt lý thuyết lẫn về thực tiễn áp dụng.
 
Thứ tư, nhiều đề tài đưa ra những vấn đề nghiên cứu có phạm vi quá rộng nên nghiên cứu không sâu, cách tiếp cận chủ yếu là dựa trên tài liệu quá khứ, thiếu sự nghiên cứu khám phá tìm tòi mới.
 
Thứ năm, việc tổ chức, đánh giá nghiệm thu đề tài nhiều khi còn mang tính cả nể, ca ngợi nhiều hơn là bình luận phê phán, chưa tạo ra được thói quen xem các buổi nghiệm thu đề tài cũng là buổi trao đổi khoa học để có những tranh luận hữu ích mang tính xây dựng.
 
Thứ sáu, do thiếu liên kết giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu, thiếu mạng lưới thông tin, hội thảo trao đổi kết quả nghiên cứu... nên nhiều đề tài nghiên cứu, đặc biệt là các luận án tiến sĩ trùng lắp, sao chép mà thiếu cơ chế kiểm soát.
 
Phụ thuộc quan hệ cá nhân, chất lượng thấp
 
TS Lê Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý giáo dục, nhìn nhận các đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay được phân bổ từ trên xuống dưới theo hình thức đổ đồng cho các đơn vị như “phân phối” ăn chia. Theo bà Hạnh, khi đề tài khoa học công nghệ ở những cơ sở đào tạo còn ít việc làm thêm, quỹ phúc lợi chưa cao, có thể được phân bố một cách thiên lệch: khoa quản lý, giáo dục nhiều hơn; khoa công nghệ thông tin ở mức độ vừa; khoa các môn cơ bản là thấp nhất. Những đề tài “trọng điểm” có kinh phí hàng trăm triệu đồng trở lên được coi nghiễm nhiên thuộc về những người có học hàm học vị, chức sắc...
 
Một số đề tài đã được “gửi” xuống từ các đơn vị quản lý trực tiếp, các vụ, viện nghiên cứu hoặc cơ quan bộ mà chưa bao giờ được đưa đến các cơ sở như khoa hay tổ bộ môn. Trong trường hợp này, hợp đồng khoa học công nghệ được coi như một thứ “phúc lợi”, “quyền lợi” được ban phát từ trên xuống dưới và để đạt được, nhiều khi không phụ thuộc vào tính cấp thiết hay hữu dụng với đời sống thực tế của đề tài này mà phụ thuộc vào quan hệ giữa các cá nhân hay tập thể có bản quyền, bởi nó được quy định ngay trước khi công trình được sinh ra và nghiệm thu.
 
Việc đăng ký trước đề tài hằng năm và thời hạn hoàn thành đề tài theo hình thức quản lý khoa học trong truyền thống cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình thức chủ nghĩa, căn bệnh thành tích và thực tế kém chất lượng của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Người ta đăng ký vì đề tài có tính chất thời sự dễ được duyệt, vì có cơ hội có thêm thành tích ghi danh vào lý lịch khoa học và báo cáo thành tích cuối năm, vì có thêm một khoản kinh phí nào đó và vì đó là “phúc lợi” được ban xuống... Cứ đăng ký rồi để đấy, đề tài 2 năm thì chỉ cần vài tháng trước khi nghiệm thu mới bắt tay vào làm để kịp thời hạn, không phải trả lại kinh phí.
 

Kinh phí ít, ơn huệ nhiều
 
Đây là nhận xét của PGS Bùi Văn Miên, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và của nhiều cán bộ khoa học về tình hình nghiên cứu khoa học hiện nay. Ông Miên ngán ngẩm: “Không thể hiểu nổi, chỉ có mấy chục triệu đồng mà cũng nghiên cứu về gien, tế bào, trong khi các phòng thí nghiệm cho giảng dạy còn thiếu chứ chưa nói đến nghiên cứu khoa học”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trường ĐH Huế, nhận xét: Hội đồng Thẩm định giá trị của công trình nghiên cứu khoa học hầu hết đều không có chuyên môn liên quan trực tiếp đến công trình đang nghiệm thu, từ đó khó đánh giá đúng giá trị thực của đề tài.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Vọng, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nghiên cứu khoa học thực sự phải hội tụ 5 điều kiện: Người nghiên cứu phải thực sự có tri thức của ngành; phải có khả năng quan sát và đối diện sự thật; có dụng cụ, thiết bị nghiên cứu; có tài chính và Nhà nước phải kiên trì với chính sách hỗ trợ nghiên cứu. Tuy nhiên, phải rất lâu nữa chúng ta mới hội đủ được 5 điều kiện này.

(Theo NLD)

 

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật