Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

10 sự kiện khoa học thế giới năm 2010

Cập nhật 24/12/2010 - 09:32:46 AM (GMT+7)
Nhật thực hình khuyên dài nhất thiên niên kỷ đã xảy ra trong năm 2010. Đây cũng là năm mà các nhà khoa học mô phỏng thành công vụ nổ khai sinh vũ trụ và nhốt được thứ có thể hủy diệt mọi vật trên trái đất.

Tạo ra sự sống nhân tạo

Tiến sĩ
Tiến sĩ Craig Venter, người sáng lập Viện J. Craig Venter. Ảnh: New York Times.

Từ một số hóa chất, các nhà khoa học Mỹ tạo ra hàng triệu vi khuẩn Mycoplasma mycoides. Phát minh này có thể dẫn tới sự ra đời của hàng loạt ứng dụng trong công nghiệp. Tế bào nhân tạo sẽ giúp con người tạo ra nhiều phương pháp rẻ và hiệu quả hơn để sản xuất dược phẩm, vắc-xin, nhiên liệu sinh học và vô số thứ khác.

Trên thực tế, hãng ExxonMobil đã thử nghiệm công nghệ biến tảo thành nhiên liệu sinh học.

Hoàn tất chương trình thống kê sinh vật biển lớn nhất thế giới

Loài cua có râu dài được tìm thấy trong vùng nước nông ở phía động Canada trong chương trình Census of Marine Life. Ảnh: coml.org.

Census of Marine Life là chương trình quốc tế nhằm thống kê tất cả động vật trong các đại dương trong 10 năm (2000-2010) với sự tham gia của hơn 2.700 nhà khoa học từ 82 nước. Với camera chuyên dụng, máy phát sóng siêu âm, tàu ngầm và nhiều thiết bị tiên tiến bậc nhất, các nhà khoa học đã tiến hành hơn 540 cuộc thám hiểm với khoảng 9.000 ngày dưới đại dương, với gần 30 triệu lần quan sát. Họ thống kê được gần 250 nghìn loài, trong đó có hơn 6 nghìn loài mà con người chưa từng biết.

Con người đang dành nhiều công sức và tiền của cho các cuộc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ, song chúng ta lại chưa biết hết mọi sinh vật trên trái đất, đặc biệt là dưới đại dương. Trong khi đó, sinh vật biển cung cấp một nửa lượng oxy cho trái đất, vô số thức ăn cho loài người và còn giúp điều hòa khí hậu. Census of Marine Life là nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay trong hành trình tìm hiểu toàn bộ sự sống trên địa cầu của loài người.

Lần đầu tiên con người lấy được bụi thiên thạch

Hình minh họa tàu vũ trụ Hayabusa lấy mẫu đất trên thiên thạch Itokawa năm 2005. Ảnh: indyposted.

Với kích thước tương đương chiếc xe hơi, tàu vũ trụ Hayabusa của Nhật Bản được phóng lên thiên thạch mang tên Itokawa vào năm 2003. Hai năm sau nó đáp xuống Itokawa và bắn đạn xuống bề mặt thiên thạch để thu bụi.

Hayabusa trở về trái đất hôm 13/6 kết thúc cuộc hành trình dài gần 6 tỷ km. Các nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố họ thu được khoảng 1.500 hạt bụi từ phi thuyền, trong đó phần lớn được lấy từ thiên thạch Itokawa. Đây là lần đầu tiên con người thu được bụi từ "đá trời". Những hạt bụi tuy rất nhỏ, song chúng đóng vai trò to lớn trong nỗ lực giải mã nguồn gốc hệ Mặt Trời của giới khoa học.

Nhật thực hình khuyên dài nhất thiên niên kỷ

Cảnh nhật thực tại thành phố Nairobi, thủ đô Kenya hôm 15/1. Ảnh: AP.

Người dân ở phần lớn châu Á và châu Phi chiêm ngưỡng nhật thực hình khuyên dài nhất trong 1.000 năm vào ngày 15/1. Đường đi của nó bắt đầu tại khu vực Trung Phi và kéo dài qua Ấn Độ Dương, miền nam Ấn Độ, Đông Nam Á và kết thúc ở Trung Quốc. Khi nhật thực xảy ra, mặt trăng che khuất mặt trời trong 11 phút 8 giây.

Tại Việt Nam, nơi xem nhật thực với độ che phủ lớn nhất là ở Hà Giang, 73,8%. Nhật thực có thời gian dài tương tự sẽ xảy ra sau hơn nghìn năm nữa, vào ngày 23/12/3043.

Nhốt phản vật chất trong phòng thí nghiệm

Nhóm chuyên gia vật lý tạo ra phản nguyên tử hydro trong một vật hình ống được tạo nên bởi nam châm và các dây điện. Ảnh: BBC.

Mọi dạng vật chất trên trái đất và cả trong vũ trụ đều tan biến nếu gặp một thứ có tên "phản vật chất". Nhiều người ví von phản vật chất là "loài quỷ đáng sợ" có khả năng hủy diệt mọi thứ. Tìm hiểu phản vật chất là ước mơ của giới khoa học trong suốt nhiều thập kỷ qua, song nó không thể trở thành hiện thực bởi phản vật chất chỉ tồn tại trong vài phần triệu của giây. Các nhà khoa học từng tạo ra được phản nguyên tử hydro vào năm 2002 tại Mỹ nhưng không thể nghiên cứu chúng vì chúng tan biến ngay.

Nhưng mới đây, các nhà vật lý của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) đã tạo ra những hạt phản vật chất trong phòng thí nghiệm và duy trì chúng trong 17% giây bằng từ trường mạnh. Đối với các nhà khoa học vật lý, đó là khoảng thời gian khá dài. Thành công của họ mở ra cơ hội nghiên cứu nhiều bí ẩn trong vũ trụ.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về hổ

Ảnh:
Ảnh: holisticfuture.com.

Lãnh đạo của 13 nước có hổ trong môi trường hoang dã, trong đó có Việt Nam, gặp nhau tại thành phố Saint Petersburg của Nga tháng 11 để thảo luận về các biện pháp bảo vệ loài hổ. Hội nghị đã ra Tuyên bố Saint Petersburg. Theo nội dung văn kiện này, các nước tham gia hội nghị sẽ bảo vệ môi trường sống, ngăn chặn nạn săn bắt hổ và buôn bán các bộ phận của chúng, cung cấp tiền cho công tác bảo tồn để tăng gấp đôi số lượng hổ vào năm 2022.

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao nhất nhóm họp vì một loài đơn lẻ. Vì thế, các tổ chức bảo tồn coi hội nghị thượng đỉnh về hổ tại Nga là một sự kiện lịch sử. Hội nghị mở ra đường sống cho loài hổ, đồng thời mang đến hy vọng mới về việc bảo tồn sự đa dạng sinh thái của trái đất.

'Loài người nên rời bỏ trái đất'

Một sinh vật ngoài vũ trụ được Hawking mô tả trong phim tài liệu. Ảnh: sina.com.cn
Một sinh vật ngoài vũ trụ được Hawking mô tả trong phim tài liệu. Ảnh: SINA.

"Nhân loại phải tới các hành tinh khác nếu muốn tồn tại trong thế kỷ tới" là lời cảnh báo gây sốc mà Stephen Hawking, ông hoàng vật lý lý thuyết của thế giới, đưa ra hồi tháng 8, trong thời điểm thế giới hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên, từ lụt lội đến cháy rừng. Hawking nói các nguồn tài nguyên trên trái đất đang cạn kiệt theo cấp số nhân, trong khi số lượng hiểm họa đe dọa sự tồn vong của loài người ngày càng tăng. Những công nghệ mới của con người cũng có thể gây nên hiểm họa.

Sự đe dọa từ các sinh vật ngoài trái đất cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hawking, trong một cuốn phim tài liệu lần đầu công chiếu, đã mô tả sinh vật ngoài trái một cách đa dạng: chúng có 6 chân hoặc hai chân, chúng có thể ăn thịt. Ông hoàng vật lý khuyến cáo con người không nên cố liên lạc với sinh vật từ nền văn minh khác, vì với trình độ phát triển rất cao, sinh vật lạ có thể xâm lược địa cầu và đẩy loài người vào cảnh diệt vong.

Phi cơ đầu tiên bay nhờ ánh sáng mặt trời

Gần 12.000 tấm pin năng lượng mặt trời được gắn vào cánh và bộ phận thăng bằng phía sau của Solar Impulse. Ảnh: islandcrisis.net.

Solar Impulse, máy bay đầu tiên trên thế giới chỉ sử dụng năng lượng mặt trời, hoàn thành chuyến bay thử nghiệm vào đêm 8/7. Thử nghiệm chứng tỏ rằng Solar Impulse có lượng điện mà pin mặt trời tích trữ ban ngày đủ cung cấp cho phi cơ vào ban đêm. Phi cơ cũng được trang bị 4 động cơ điện và có vận tốc tối đa là 70 km/giờ.

Thành công của cuộc thử nghiệm đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình chế tạo phi cơ không dùng nhiên liệu của loài người, báo hiệu sự ra đời của một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực hàng không.

Titanic lần đầu hồi sinh trong thế giới số

Phần mũi tàu Titanic, nằm sâu 4.000 mét nước dưới đáy đại dương gần 100 năm qua. Ảnh: expeditiontittanic.

Hồi tháng 8, lần đầu tiên các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ sonar để ghi hình và phục dựng hình ảnh xác của một trong con tàu nổi tiếng nhất thế giới ở độ sâu 4.000 m dưới đại dương. Quá trình dựng bản đồ có thể kéo dài trong một năm. Sau khi bản đồ được dựng xong, con người có thể đeo kính 3D để tham quan con tàu.

Đây là cuộc thám hiểm duy nhất tại xác tàu Titanic trong vòng 6 năm qua. Cuộc thám hiểm không phải là sự kiện đặc biệt trong khoa học, song nó thu hút sự chú ý của công chúng trên toàn thế giới, bởi nó giúp hàng triệu người yêu mến con tàu định mệnh sống lại bi kịch huyền thoại cách đây gần một thế kỷ. Năm tới, một chuyến du hành lặp lại hành trình của Titanic sẽ được tổ chức để tưởng niệm những người đã ra đi.

Cỗ máy lớn nhất thế giới mô phỏng vụ nổ khai sinh vũ trụ

Vụ nổ được tạo ra bởi sự va chạm giữa các ion chì khiến nhiệt độ môi trường xung quanh tăng lên gấp hàng triệu lần so với lõi mặt trời. Ảnh: BBC.

Bằng cách cho các hạt ion chì va chạm trực diện với nhau trong máy gia tốc hạt lớn hôm 7/11, các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) tạo ra hàng loạt vụ nổ giống như sự kiện Big Bang (Vụ Nổ Lớn) thu nhỏ. Nhiệt độ mà các vụ nổ sinh ra cao gấp hàng triệu lần so với lõi mặt trời.

Kết quả phân tích những vụ nổ do hạt ion chì tạo ra có thể giúp con người hiểu rõ hơn sự tồn tại của vũ trụ ở dạng plasma sau khi Vụ Nổ Lớn diễn ra.

(Theo VnExpress)

 


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật