Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

6 cơ sở ĐH được tuyển sinh riêng

Cập nhật 17/12/2010 - 09:18:26 AM (GMT+7)
Đã có ít nhất sáu ĐH và trường ĐH bất ngờ được Bộ GD-ĐT chọn để thí điểm chủ trương mới về thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Nếu thực hiện, các ĐH và trường ĐH này sẽ tổ chức tuyển sinh riêng, không theo phương thức “ba chung”, ngay trong năm 2011.

Sáu cơ sở đào tạo nhận được công văn của Bộ GD-ĐT đề nghị gánh vác sứ mệnh thí điểm cho chủ trương mới trong tuyển sinh gồm hai ĐHQG Hà Nội và TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương.

Trong công văn gửi tới các trường này, Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT dự kiến trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 giao một số trường ĐH trọng điểm, đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý tốt thực hiện chịu trách nhiệm toàn diện tất cả các khâu của công tác tuyển sinh: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển và giải quyết các khiếu nại tố cáo có liên quan”.

Để có căn cứ giao nhiệm vụ, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường này “xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh, trong đó làm rõ thời gian, địa điểm, các điều kiện đảm bảo cho việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi ĐH của thí sinh để xét tuyển...”.

Âm thầm thí điểm

Trao đổi với chúng tôi, đại diện nhiều trường ĐH tỏ ra rất bất ngờ với chủ trương và cách làm của Bộ GD-ĐT trong việc thí điểm giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo kể trên. Theo các cán bộ quản lý của nhiều trường ĐH, đại diện các trường ở cả phía Bắc và phía Nam đã được bộ lần lượt mời góp ý cho các nội dung sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong 10 nội dung dự kiến sửa đổi của quy chế cũng như định hướng chung về tuyển sinh 2011 được Bộ GD-ĐT thông báo tại các cuộc họp này không có điểm nào liên quan đến thí điểm tự chủ trong tuyển sinh từ năm 2011.

 

Đề xuất có quy định công nhận kết quả

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về quyền lợi xét tuyển NV2, NV3 của thí sinh dự thi đề thi riêng của trường nếu không trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tĩnh cho biết trường đã đề xuất với bộ phải có quy định về việc công nhận kết quả của các trường tự ra đề và tổ chức thi riêng. Mặt khác, trường cũng xác định nếu được tự ra đề thi, trường sẽ cố gắng ra đề ở mức độ tương đương các đề thi của bộ để bảo đảm mặt bằng chất lượng chung trong tuyển chọn.

Phương án thi “ba chung” vẫn được bộ khẳng định sẽ duy trì trong kỳ thi năm tới, những thay đổi chủ yếu mang tính kỹ thuật, liên quan đến các quy định cụ thể. Không chỉ tỏ ra bất ngờ, đại diện các trường cũng bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về các trường được bộ lựa chọn để thí điểm.

“Hai ĐHQG thì chúng tôi có thể hiểu được vì là hai mô hình đặc thù, vốn đã có nhiều quyền tự chủ trong quản lý và đào tạo, có nhiều đơn vị thành viên... Nhưng còn các trường ĐH khác bộ lựa chọn trên những tiêu chí gì, sao lại không công khai?”- hiệu trưởng một trường ĐH lớn ở Hà Nội thắc mắc.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH khác cho rằng có thể tại hội nghị tuyển sinh, những nội dung liên quan đến việc cho các trường được tự chủ trong tuyển sinh, tự tổ chức kỳ thi, lựa chọn phương thức thi và xét tuyển... sẽ được đưa ra để bàn thảo.

Tuy nhiên, “đó là những vấn đề thay đổi lớn, dù ở quy mô thí điểm, rất nhạy cảm, liên quan đến thí sinh, không thể đưa ra chủ trương quá sát nút như vậy. Nếu có định thí điểm, bộ nên công khai rộng rãi về chủ trương này để có ý kiến đóng góp từ các trường, từ các chuyên gia và xã hội, để các trường có quyền tự chủ trong việc có tham gia thí điểm hay không.

Theo tôi được biết, thông thường những chủ trương về tuyển sinh, liên quan đến thí sinh phải được thông báo trước một năm, bộ và các trường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực hiện, chứ không thể đột ngột và thông tin trong phạm vi hẹp như thế này” - trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH phía Nam nhìn nhận.

Trường nào thi riêng?

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - khẳng định ĐHQG TP.HCM vẫn thực hiện thi tuyển sinh theo “ba chung”, chưa có thay đổi gì trong kỳ thi tuyển sinh 2011. Ông Nghĩa cho biết: “ĐHQG TP.HCM sẽ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh để trình Bộ GD-ĐT nhưng thời hạn thực hiện những đổi mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ sớm nhất là năm 2012. “Ba chung” đã áp dụng gần mười năm, nay muốn thay đổi, tự chủ các trường cần có thời gian để chuẩn bị và thích ứng”. Tương tự, ĐHQG Hà Nội cho biết vẫn tổ chức thi theo phương thức “ba chung” trong năm 2011 và sẽ chuẩn bị phương án đổi mới, tự chủ tuyển sinh từ năm 2012.

TS Nguyễn Hội Nghĩa, trưởng ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Định hướng trong tự chủ tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM là hướng tới cơ chế tuyển sinh linh hoạt hơn, có thể nhiều hơn một đợt tuyển sinh/năm, có phương thức phù hợp để thí sinh có thể chuyển đổi giữa các ngành học, các trường thành viên khi đăng ký xét tuyển...”.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng những thay đổi trong tuyển sinh cần thận trọng vì liên quan đến số đông thí sinh và tâm lý xã hội, phải có thời gian để các cơ sở đào tạo chuẩn bị phương án đầy đủ, hợp lý và thí sinh có sự chuẩn bị cho phương thức thi cử mới. Vì thế quan điểm của ĐHQG TP.HCM phải chậm mà chắc, sẽ xây dựng đề án cụ thể, tính toán các vấn đề liên quan đến xét tuyển... để phương án tuyển sinh tự chủ mới của ĐHQG TP.HCM thật sự đem lại hiệu quả cho các đơn vị thành viên, tuyển chọn được thí sinh có chất lượng cao nhất.

Ông Nguyễn Văn Nhã - trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho biết ĐHQG Hà Nội cũng đã bàn bạc nhưng thấy rằng muốn thực hiện tự chủ tuyển sinh phải có lộ trình, có sự chuẩn bị chu đáo, cũng như phải được sự đồng thuận của xã hội khi có sự thay đổi lớn. “Hơn nữa, việc tự ra đề thi cần phải có một đội ngũ chuyên gia để có thể hình thành được ngân hàng đề thi. Việc này nếu làm vội vã sẽ khó thành công”- ông Nhã nhìn nhận. Trường ĐH Ngoại thương khẳng định năm 2011 trường vẫn tuyển sinh theo phương thức “ba chung”. Tương tự, Trường ĐH Y Hà Nội cũng sẽ giữ nguyên phương thức tuyển sinh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tĩnh - hiệu phó Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - khẳng định trường đang xây dựng phương án cụ thể thực hiện tự chủ tuyển sinh, nếu Bộ GD-ĐT cho phép, trường sẽ tuyển sinh riêng trong năm 2011. Theo bà Tĩnh, về cơ bản tự chủ trong tuyển sinh sẽ giống như cách các trường tự tổ chức thi từ năm 2002 trở về trước.

Trường ĐH Sư phạm, với đội ngũ giảng viên các ngành khoa học cơ bản của mình, hoàn toàn có đủ năng lực để tự ra đề thi. Về ngày thi, có thể trường sẽ tổ chức thi chung ngày với các đợt thi của bộ, vì nếu tổ chức sớm hơn sẽ sát ngày thi tốt nghiệp THPT quá, thí sinh chưa có kết quả thi tốt nghiệp. Còn nếu tổ chức muộn hơn sẽ phức tạp và có nhiều bất lợi.

Ông Nguyễn Cảnh Lương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết sẽ làm thí điểm trong năm 2011 nếu được bộ phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh của bộ.

(Theo Tuổi Trẻ Online)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật