Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Phương án thi 2017: Tăng thời gian và câu hỏi của bài thi tổ hợp

Cập nhật 29/09/2016 - 09:49:35 AM (GMT+7)

“Nhằm tăng độ phân hoá, thuận lợi cho việc sử dụng kết quả thì vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa giúp các trường có căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ, Bộ GD&ĐT quyết định nâng số câu hỏi và thời gian làm bài thi tổ hợp, từ 60 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút/bài thi như dự thảo tăng lên thành 120 câu hỏi với thời gian làm bài là 150 phút”.

Thông tin được TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT chia sẻ trong phần giải đáp thắc mắc của phóng viên tại buổi họp báo công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017 chiều ngày 28/9.

Tăng lên thành 120 câu/150 phút

Năm 2017, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia sẽ xuất hiện 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Ông Mai Văn Trinh cho hay, để đảm bảo sự công bằng với những thí sinh sử dụng các tổ hợp khác nhau trong xét tuyển ĐH, Bộ quy định rõ thời gian làm bài từng môn trong môn tổ hợp và theo đó, hết thời gian làm bài mỗi môn (50 phút), thí sinh phải chuyển sang làm bài môn khác, đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Nhằm tăng độ phân hoá, thuận lợi cho việc sử dụng kết quả thì vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa giúp các trường có căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ, Bộ cũng quyết định nâng số câu hỏi và thời gian làm bài thi tổ hợp, từ 60 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút/bài thi như dự thảo tăng lên thành 120 câu hỏi với thời gian làm bài là 150 phút.

Đặc biệt, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, đổi mới kỳ thi THPT quốc gia với sự xuất hiện của bài thi tổ hợp là nằm trong lộ trình đổi mới thi những năm tiếp theo.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì buổi họp báo chiều 28/9 (ảnh Mai Châm)

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì buổi họp báo chiều 28/9

“Năm nay, bài thi tổ hợp đang ở mức độ sơ khai, cơ bản nhất. Còn trong lộ trình đổi mới chương trình phổ thông, đặt biệt là thiết kế chương trình SGK mới, bài thi tổ hợp sẽ biến đổi dần từ “tổ hợp” thành “tổng hợp” và cuối cùng là “tích hợp”. Khi đó, kì thi của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn và tích kết dính, liên môn thể hiện rõ ràng hơn. Việc này cũng cần có sự chuẩn bị cho phù hợp với chương trình đổi mới phổ thông”, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục giải thích.

Không công bố đề thi trắc nghiệm sau thi

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về mức độ tin cậy khi kỳ thi được giao cho các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ điều động giảng viên từ các trường đại học, cộng thêm sự chuẩn bị kỹ về công nghệ kỹ thuật. Mặc khác, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, không thể quay cop được. Kết quả chấm bằng quét, cho nên hạn chế sai số xảy ra trong chấm thi. Từ đó, đảm bảo tính công bằng, khách quan, tin cậy cho kỳ thi lớn của đất nước.

Kết quả thi THPT sẽ được sử dụng để các trường ĐH-CĐ trong cả nước tuyển sinh. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định vẫn sử dụng phần mềm tuyển sinh như kỳ thi năm 2015-2016, có nhiều phân hệ, bao gồm đăng ký xét tuyển, lưu giữ thông tin của thí sinh... Ngoài ra, phần mềm còn có phân hệ đưa ra danh sách thí sinh trúng tuyển, chống thí sinh "ảo" đã chạy thử nhiều năm để các trường kiểm soát được thí sinh của trường mình.

 

Với phương án thi trắc nghiệm khách quan năm nay, mỗi thí sinh trong phòng thi đều có một đề thi/ mã đề riêng. Câu hỏi được đặt ra là, kiến thức/nội dung trong các mã đề của mỗi thí sinh có giống nhau?

Theo ông Mai Văn Trinh, trong những năm qua chúng ta đã có ngân hàng tương đối lớn. Đặc biệt ngay sau khi công bố phương án, Bộ sẽ tính toán tập hợp lực lượng chuyên gia đủ lớn để từ nay tới tháng 5 tập hợp xây dựng ngân hàng đủ lớn nhưng vẫn đảm bảo quy trình, chất lượng để mỗi học sinh có một đề thi khác nhau với khoảng tỉ lệ chỉ 20% nội dung câu hỏi giống nhau.

“Tỷ lệ trùng hợp câu hỏi trong các đề trong cùng một phòng thi chỉ khoảng 20%. Việc đổi mới thi THPT sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, phản biện trái nhiều nhưng với trí lực của Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng để có một kỳ thi hợp lí nhất, chất lượng nhất”, ông Trinh khẳng định.

Sẽ không có trung tâm luyện thi trắc nghiệm

Tại cuộc họp báo, một số ý kiến cho rằng, việc áp dụng phương án thi trắc nghiệm 100% sẽ khiến “nở rộ” các trung tâm ôn, luyện mẹo thi trắc nghiệm, gây tốn kém, mệt mỏi, áp lực kỳ thi cho học sinh. Giải đáp băn khoăn này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, các trung tâm luyện thi trước đến nay vẫn tồn tại dù thi theo hình thức tự luận hay trắc nghiệm.

“Tuy nhiên, nếu thi theo hình thức trắc nghiệm, tôi tin rằng, dần dần các trung tâm luyện thi sẽ không còn nữa do câu hỏi nằm trong kiến thức chương trình học rất rõ ràng”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay. Cũng theoThứ trưởng, hiện trên mạng internet có nhiều phần mềm thi trôi nổi, các em học sinh không nên tin tưởng vào vì đó không phải phần mềm của Bộ GD&ĐT. Vào đầu tháng 10 tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa để giáo viên, học sinh yên tâm chuẩn bị kiến thức tốt nhất để bước vào kỳ thi.

(Theo Báo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật