Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Học sinh sẽ được học chuyên sâu về Tin học từ bậc tiểu học

Cập nhật 04/01/2016 - 09:42:29 AM (GMT+7)

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tin học sẽ trở thành một môn tự chọn. Điều này góp phần giảm các môn học bắt buộc, tăng các môn học và chuyên đề học tập tự chọn theo nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh. Theo đó, học sinh tiểu học sẽ được trang bị nhiều kiến thức về môn học này.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp Tiểu học và THCS, môn Tin học là môn tự chọn 3. Ở cấp THPT, môn Tin học (cùng với một số môn học khác) là môn tự chọn 2, dành cho những học sinh có sở thích và khả năng muốn theo ngành, nghề thuộc lĩnh vực ICT tự chọn. Điều này góp phần giảm các môn học bắt buộc, tăng các môn học và chuyên đề học tập tự chọn theo nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh, đáp ứng yêu cầu giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, trường ĐH Công nghệ - ĐH QGHN cho biết, môn Tin học giúp cho học sinh hình thành và phát triển năng lực ứng dụng CNTT-TT như là một công cụ để mở rộng khả năng tiếp nhận tri thức và sáng tạo trong bối cảnh bùng nổ thông tin, đáp ứng yêu cầu của thời đại số hóa và toàn cầu hóa, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Có 03 nhóm mục tiêu chính tương ứng theo các định hướng: học vấn số hóa phổ thông (DL), ứng dụng CNTT –TT (ICT) và Khoa học máy tính (CS).

Bậc tiểu học: Biết soạn thảo văn bản ở mức tối thiểu

Đối với bậc học này, học sinh sẽ được học và biết: Sử dụng chuột và các thiết bị ngoại vi khác phục vụ khai thác thông tin; Kỹ năng gõ phím bằng 10 ngón, mức cơ bản; Tìm kiếm, phân loại, tổ chức và trình bày thông tin; Kỹ năng soạn thảo văn bản, mức tối thiểu; Sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi. Phân biệt được thông tin nên và không nên xem.

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm cho biết, học sinh sẽ phân biệt, nhận biết được một số thiết bị CNTT đơn giản, phổ thông, biết được một số chức năng của chúng. Vận hành mức đơn giản một số thiết bị CNTT, mở, đóng phần mềm và thiết bị. Sử dụng các thiết bị CNTT phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin. Biết sử dụng CNTT, phần mềm, Internet để tự tạo lập được các nội dung thông tin theo yêu cầu của người khác hoặc tự sáng tạo theo trí tưởng tượng của mình…

Bên cạnh đó, mục tiêu của môn tin học giúp học sinh, bước đầu tìm hiểu và biết được các bài toán giải quyết vấn đề bằng cách thực hiện các bước. Hiểu được ý nghĩa của thuật toán và các bước thực hiện của thuật toán để giải quyết vấn đề. Sử dụng một số công cụ, phần mềm để tự thiết lập một thuật toán đơn giản giải quyết vấn đề. Biết cách tìm lỗi, sửa lỗi của một thuật toán đơn giản. Đồng thời, biết và hiểu được ý nghĩa của các số 0, 1 trong cách biểu diễn và lưu trữ thông tin.

Bậc THCS: Có khả năng lựa chọn, sử dụng được các thiết bị và phần mềm phần mềm thông dụng

Với bậc học này, học sinh hiểu vai trò của Máy tính và Khoa học máy tính đối với sự phát triển một xã hội hiện đại; có khả năng lựa chọn, sử dụng được các thiết bị và phần mềm phần mềm thông dụng; biết ứng xử phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với đạo đức văn hóa khi tham gia xã hội số hóa.

Ngoài ra, các em hiểu cấu trúc máy tính ở mức cơ bản, phân biệt được các loại phần mềm; có khả năng vận hành được các hệ thống máy tính thông dụng, tổ chức và quản lý được nguồn tài nguyên đa phương tiện; có khả năng sử dụng các phương tiện (thiết bị và phần mềm) ICT để tạo ra các sản phẩm đơn giản phục vụ học tập và cuộc sống.

Đồng thời, học sinh có khả năng sử dụng các bước giải quyết vấn đề khi giải quyết vấn đề có sự trợ giúp của máy tính; có khả năng chuyển giao thuật toán cho máy tính thực hiện thông qua một số công cụ lập trình trực quan hoặc ngôn ngữ lập trình đơn giản.

Bậc THPT: Biết dùng phần mềm khai thác thông tin hỗ trợ học tập

Đối với cấp THPT, học sinh biết dùng các dịch vụ có sẵn để thực hiện các công việc thông dụng. Biết dùng phần mềm khai thác thông tin hỗ trợ học tập, biết và tuân thủ các quy định pháp luật cơ bản trong khai thác thông tin. Tuân thủ các quy định về bảo vệ sức khỏe trong khai thác và sử dụng các thiết bị CNTT-TT. Phân biệt, nhận biết được các nhóm ngành cơ bản trong lĩnh vực CNTT-TT.

Bên cạnh đó, học sinh được trang bị kiến thức cấu trúc máy tính và cách vận hành hệ thống máy tính thông dụng; Tổ chức và lưu trữ dữ liệu, tổ chức và quản lý các nguồn tài nguyên đa phương tiện, các nguồn tài nguyên số hóa. Sử dụng các thiết bị và phần mềm để tạo ra các sản phẩm đơn giản phục vụ học tập và đời sống: xử lý ảnh, làm phim, chế bản, hiệu ứng âm thanh, vẽ kỹ thuật…Sửa chữa và bảo trì một hệ thống máy tính.

Mục tiêu của môn học này giúp học sinh, hiểu quá trình giải quyết vấn đề trong máy tính: Từ bài toán thực tế tới chương trình; Cách biểu diễn thông tin trong máy tính; Khả năng hiểu và mô hình hóa bài toán; Xây dựng và đánh giá tính hiệu quả của lời giải; Chuyển giao lời giải cho máy tính; Kiểm thử, bảo trì và nâng cấp lời giải; Sử dụng tối thiểu một ngôn ngữ lập trình và một công cụ lập trình.

Hồng Hạnh (ghi)

Theo Báo Dân Trí


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật