Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Chiến thuật làm bài thi THPT quốc gia

Cập nhật 08/09/2015 - 08:49:42 PM (GMT+7)

Lời khuyên của các thầy cô giúp thí sinh tự tin và làm bài tốt hơn trong kỳ thi THPT sắp diễn ra.

Chiến thuật làm bài thi THPT quốc gia

Thầy trò lớp 12 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) trong một buổi ôn thi môn toán

Môn ngữ văn: Trước hết là viết đúng
Theo thầy Nguyễn Đức Hùng (Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, TP.HCM), khi làm bài nghị luận xã hội tránh trường hợp giải thích sai vì khi đã giải thích sai thì mọi lập luận hoặc mô tả sau đó đều đi sai hướng. Đối với câu nghị luận xã hội cần nhất là thực hiện đúng các bước, các thao tác. Trước hết là giải thích vấn đề (hoặc khái niệm), sau đó là phân tích mở rộng, nâng cao, liên hệ thực tế. Bên cạnh lý lẽ phải có dẫn chứng hay, phù hợp. Ngoài ra, từ nhận thức và trải nghiệm riêng thí sinh còn phải bộc lộ ý kiến riêng của mình.
Với bài nghị luận văn học, đối với câu hỏi văn xuôi, xác định đề bài hỏi về vấn đề gì thì tập trung trả lời thẳng vào vấn đề cụ thể đó. Đối với câu hỏi về thơ thì cần chú ý phân tích các yếu tố nghệ thuật như cách dùng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, hình thức... và chỉ ra giá trị, ý nghĩa của hình thức nghệ thuật trong chuyển tải nội dung. Những bài làm được điểm cao ở câu này là những bài có vốn kiến thức văn học, có kỹ năng làm bài tốt và có tư duy khái quát, tổng hợp vấn đề. Ngoài ra thí sinh cũng cần có những cảm xúc về nét đẹp trong văn học.
Điều trước tiên là các em cần có một bài văn viết đúng. Song, để đạt điểm cao cần viết hay. Chung quy, một bài văn hay các em cần đảm bảo ba mặt: kiến thức, cảm thụ và tư duy.
 
Môn toán: Không nản lòng câu khó, không chủ quan câu dễ
Thầy Trần Văn Toàn (Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie, TP.HCM), khuyên khi làm bài, thí sinh cần trình bày lời giải đủ ý, rõ ràng và lập luận chặt chẽ. Thí sinh thường có tâm lý sợ hết giờ nên làm nhanh dẫn đến trình bày cẩu thả và sai số. Không được bỏ qua các bước trung gian khi tính toán, vì có hai điều lợi: Tránh sai đáp số và khi cần kiểm tra cũng dễ dàng phát hiện những sai lầm và thiếu sót có thể có. Không để mất điểm những câu hỏi dễ. Nhóm những câu hỏi dễ và quen thuộc thì làm luôn vào giấy thi và phải tính toán cẩn thận, lập luận chính xác trong từng bước giải. Kiểm tra kết quả ngay trong quá trình làm bài. Chỉ cần để mất 0,25 điểm trong nhóm câu hỏi này thì sự cạnh tranh vào ĐH sẽ trở nên khắc nghiệt hơn nhiều. Ngược lại câu hỏi khó nếu mất 0,25 điểm thì hy vọng vào ĐH vẫn còn nhiều. Nhiều học sinh có thói quen làm nháp cho đến đáp số rồi mới viết vào bài làm.
Như vậy chắc chắn không thể đáp ứng được thời gian cho phép. Giấy nháp chỉ có mục đích tìm hướng giải cho những câu hỏi chưa làm được. Để đạt điểm trên trung bình môn toán là không khó, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, làm tới đâu chắc tới đó, tránh gạch xóa nhiều trong bài làm. Với những thí sinh có học lực khá - giỏi, phải tận dụng hết 180 phút làm bài, không nản lòng đối với câu hỏi khó và không chủ quan đối với câu hỏi dễ, rà soát ngay trong quá trình làm bài, xem xét các biến đổi, các lập luận.
 
Môn tiếng Anh: Tuyệt đối không bỏ trống phần viết
Đề thi môn tiếng Anh có thêm phần viết bao gồm chuyển đổi cấu trúc câu và viết đoạn văn. Theo thầy Phạm Hùng (Trường THPT Marie Curie, TP.HCM), để làm bài có kết quả tốt, đầu tiên với phần trắc nghiệm, thí sinh cần chú ý kiến thức về dấu nhấn, phát âm có khoảng 6 câu (1 điểm). Phần từ vựng chú ý gia đình từ (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ), từ đồng nghĩa, trái nghĩa, cùng một loại từ. Ngoài ra, tất cả các điểm ngữ pháp đã học như: chia thì, hòa hợp chủ từ - động từ, thụ động cách, câu điều kiện, trực tiếp, gián tiếp, mệnh đề quan hệ… Và một số cấu trúc câu như mệnh đề trạng từ chỉ nguyên nhân chuyển sang mệnh đề trạng từ chỉ kết quả, từ mệnh đề chuyển sang cụm từ hoặc ngược lại.
Đối với phần viết, từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp là 2 yếu tố rất cần cho kỹ năng viết. Lời khuyên cho phần này là không tham lam viết nhiều nhưng cũng đừng quá ít. Ví dụ đề yêu cầu viết đoạn văn 140 từ thì nên viết 12 đến 16 dòng (khi chấm bài, giáo viên thường ước lượng số dòng chứ không đếm từng từ cho đủ số lượng). Trong đoạn văn viết để đạt điểm đầu tiên cần phải có câu chủ đề và câu kết luận. Phần viết đoạn văn này chính là phần “cứu” thí sinh. Vấn đế ít hay nhiều điểm là do kỹ năng viết, tuyệt đối không bỏ trống.
 
Môn lịch sử: Đọc kỹ và hiểu chính xác đề
Với môn lịch sử, yếu tố quan trọng số một là thí sinh phải đọc kỹ để hiểu đề một cách chính xác. Vì hiểu đề thi là đã giúp nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời. Nếu chưa nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời thì sẽ dễ dẫn đến lạc đề. Vì vậy học sinh cần hiểu rõ những điểm then chốt, hiểu sâu tất cả những khái niệm, nội dung được sử dụng trong sách giáo khoa; phải ngầm biết rằng một sự kiện, vấn đề lịch sử có thể được hỏi bằng nhiều cách khác nhau. Đối với đề thi gồm nhiều câu hỏi như hiện nay, thí sinh không cần làm nhập đề và kết luận, mà trả lời thẳng vào từng câu hỏi. Văn phong cần rõ ràng, mạch lạc, chính xác,
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong khi thi là khả năng phân bố và làm chủ thời gian quy định. Cách sử dụng hợp lý quỹ thời gian này có thể theo phương án sau: Dành 10 phút để phân tích đề, 20 phút để làm đề cương ra giấy nháp. Dành 130 phút để thể hiện đề cương thành bài viết;20 phút còn lại dùng để đọc lại, sữa chữa lỗi văn phạm và sai sót về nội dung.
Nguyễn Văn Tiến 
(Trường ĐH Thủ Dầu Một)
 
Môn địa lý: 5 bước làm bài
Thí sinh nên làm bài theo 6 bước sau: Bước 1, nên đọc kỹ đề ít là 3 lần và gạch chân ý chính. Bước 2, lập dàn bài tổng quát để bài làm đầy đủ không sót ý. Bước 3, ghi lại câu hỏi rõ ràng để giám khảo biết mình làm câu nào, ý ra sao. Bước 4, không viết tắt, không dùng các ký hiệu như mũi tên, vòng tròn, hoa thị... Bước 5, đọc lại bài trước khi nộp, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo 1 nét, tránh tô, xóa. Nếu thấy thiếu thì đừng viết chen vào vì nhiều khi chữ nhỏ quá hoặc các dòng chèn vào nhau san sát làm bài khó đọc mà giám khảo không đọc được thì coi như không có điểm. Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ tiếp theo.
Về cách vẽ biểu đồ, cần xác định đúng biểu đồ đề yêu cầu. Biểu đồ có 3 yêu cầu là đúng, đủ và đẹp.
Trần Văn Quang
(Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa)
 
Môn lý: Chuẩn xác - nhanh - hoàn thiện
Với môn lý, trước hết nên đọc đề từ đầu đến cuối và làm ngay những câu được cho là chắc chắn sẽ làm đúng. Các em không nên dừng lại quá lâu ở một câu trắc nghiệm, sẽ mất cơ hội ở những câu dễ hơn mà điểm lại bằng nhau. Có thể các em sẽ gặp một vài câu mà bản thân còn phân vân chưa biết phương án nào chắc chắn đúng. Khi đó, các em có thể sử dụng phương pháp loại trừ để có được phương án trả lời phù hợp với yêu cầu của đề.
Khi làm bài, cần đặt câu hỏi và đạt được các mục tiêu sau đây: Chuẩn xác (cách giải/hướng đi/phán đoán đúng) - Nhanh (hoàn thành từng câu trong thời gian ngắn nhất) - Hoàn thiện.
Võ Lý Văn Long
(Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)
 
Môn hóa học: Mỗi bài toán giải không quá 2 phút
Các bài toán gồm có: dạng toán cơ bản, mức độ giải quyết khoảng 1 phút/ câu ( khoảng 20% số lượng bài toán), bài toán có suy luận (khoảng 50%) và dạng toán khó (khoảng 30%). Để giải tốt các bài toán, các em phải biết cách giải theo phương trình phản ứng hóa học và giải theo các định luật (định luật thành phần không đổi, định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn mol nguyên tố, bảo toàn mol elctron,...). Những bài toán khó thường là những bài kết hợp nhiều vấn đề về phương trình phản ứng hóa học, sử dụng nhiều định luật để giải.
Học sinh cần lưu ý các bài toán chỉ được giải trong khoảng thời gian không quá hai phút, nên cách giải mất nhiều thời gian sẽ không phù hợp. Cũng có một số bài toán có thể dùng các công thức tính nhanh. Các em có thể dùng các công thức đó để tiết kiệm thời gian.
Bùi Văn Thơm
(Tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)
 
Môn sinh học: Cẩn thận với dạng câu hỏi phủ định
Các em cẩn thận với dạng câu hỏi phủ định “Tìm câu không đúng”, rất nhiều thí sinh chọn câu “đúng” vì đọc không kỹ, hoặc tâm lý không được tốt lắm.
Đối với dạng câu hỏi sắp xếp các giai đoạn hay diễn biến theo thứ tự của một quá trình hay một kỹ thuật sinh học nào đó, sau khi đặt vấn đề là các phương án trả lời, mỗi phương án gồm một sự kiện đi kèm nhiều dữ kiện có liên quan, thí sinh phải cân nhắc để lựa chọn.
Đối với dạng câu hỏi cần biện luận hay tính toán (vận dụng nâng cao), thí sinh có thể lợi dụng đáp án có sẵn để thử.
Phạm Thị Thu Hằng
(Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM)

(Theo Báo Thanh Niên)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật