Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Sinh viên ra trường thất nghiệp cũng giống cảnh dưa hấu được mùa mất giá

Cập nhật 25/04/2015 - 09:28:37 AM (GMT+7)

Sáng ngày 24/4, Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Vũ Luận, trong giai đoạn năm 2011 – 2014, trung bình mỗi năm có khoảng trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Trong đó số thất nghiệp năm 2014 so với năm 2010 tăng gần gấp đôi.

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp được ông Luận lý giải là do kinh tế suy thoái, việc làm mới không có. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa chủ động dầu tư, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành, theo tiêu chuẩn mà xã hội cần. Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học- công nghệ. Bên cạnh đó, học phí thấp dẫn đến suất đầu tư trên mỗi sinh viên thấp khiến cho các trường không đủ nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Sinh viên ra trường thất nghiệp cũng giống cảnh dưa hấu được mùa mất giá
Nhiều báo cáo, thống kê gần đây đưa ra con số tới hơn 60% sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Đề cập đến thực trạng này, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, đào tạo nghề ở Việt Nam gần giống nền sản xuất nông nghiệp, bao năm vẫn loay hoay với cảnh “được mùa mất giá”, đào tạo thì cứ mạnh ai nấy làm, còn khâu tiêu thụ, giải quyết việc làm thì không kiểm soát được bao nhiêu.

Ông Trường băn khoăn, cứ khái quát nguyên nhân là đào tạo không chuẩn nhưng cái gì dẫn đến sự thiếu chuẩn đó, sao chuyện mãi loay hoay không gỡ được?

Chung ý kiến này, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, việc thiếu đồng bộ giữa giáo dục và giải quyết việc làm dẫn đến hệ quả, sinh viên ra trường không có việc làm nhưng khâu đào tạo vẫn tiếp tục cho ra lò những sản phẩm xã hội không có nhu cầu.

“Trách nhiệm của Bộ Tài chính của các bộ đến đâu khi mà sản xuất, đào tạo ra mà không tiêu thụ được, không giải quyết việc làm được mà cứ cấp ngân sách cho đào tạo?” - bà Minh bức xúc.

Phân trần trước những chất vấn nêu ra, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thanh Hòa lật lại vấn đề. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa kể chuyện lần gặp cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông đã chỉ rõ, Việt Nam luôn nói chuyện giải quyết việc làm ra sao nhưng nhà nước làm sao làm hết được, vấn đề phải là tạo được tính chủ động cho sinh viên. Nếu đào tạo tốt, mỗi sinh viên không những giải quyết việc làm cho mình mà còn giải quyết được việc làm cho người khác.

Thứ trưởng Hòa cho rằng, Bộ LĐ,TB&XH chỉ có chức năng tham mưu, xây dựng chính sách, ban hành văn bản cho thị trường lao động vận hành, chứ không có chức năng giải quyết việc làm. Ông Hòa cũng hứa sẽ cố gắng dự báo dài hạn hơn về thị trường lao động để định hướng cho hoạt động đào tạo.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ, vấn đề giải quyết việc làm, chỉ Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ,TB&XH không thể làm được. Cần phải thay đổi nhận thức là việc làm cứ phải ở đơn vị nhà nước vì thực tế khu vực công đang giảm biên chế rất là nhiều, không tăng số tuyển dụng… Nhận thức của xã hội về giải quyết việc làm cần phải thay đổi.

Không đồng tình với những trả lời trên, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh lập luận, trách nhiệm của các bộ, ngành khi cung cấp tài chính thì cơ quan đào tạo phải xác định đầu ra, chứ không chỉ là tính đến đầu vào. Đơn vị đào tạo phải kết nối với các đơn vị cung cấp việc làm. Nghịch lý của thị trường lao động lâu nay chính là đào tạo mà không gắn với việc làm.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường cũng đặt dấu hỏi, cơ chế phối hợp với các bộ như thế nào, nếu không có dự báo về nhu cầu nhân lực không có thì Bộ GD-ĐT làm sao xây dựng chương trình cho nó phù hợp với thực tế. Muốn đào tạo được thì phải chú ý đến nhu cầu xã hội.

“Vừa qua dưa hấu ế, cộng đồng cố gắng mua để động viên người nông dân. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tinh thần chứ toàn dân sao ăn dưa hấu mãi được. Giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cũng phải như thế, phải giải quyết từ gốc chứ không phải là ngọn” – đại biểu Trường nói.

(Theo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật