Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Nghiên Cứu Khoa Học

Chuyển dịch chất xám: Không thể cản

Cập nhật 08/12/2014 - 11:55:06 AM (GMT+7)

Thực tế cho thấy những nơi không nuôi dưỡng được nhân tài sẽ thua cuộc hoàn toàn. Bởi lẽ ngày nay, sự dịch chuyển xuyên biên giới của trí tuệ và của giới hàn lâm là không gì cản được

Giáo dục ĐH đang mở rộng quy mô tăng trưởng trên phạm vi toàn thế giới với một tốc độ chưa từng có nhưng ấn tượng nhất là ở châu Á. Từ năm 1998 đến nay, số sinh viên ở Trung Quốc đã tăng từ 6 triệu lên đến 29 triệu - là hệ thống lớn nhất thế giới. Ấn Độ có 11 triệu sinh viên, lớn thứ ba trên thế giới. Ở Việt Nam, mức tăng cũng không kém ấn tượng: từ 160.000 sinh viên năm 1993 tăng đến 2.177.299 năm 2013, tức 14 lần trong vòng 20 năm.

Thách thức dữ dội

Cùng với mức tăng trưởng chóng mặt ấy, những quan ngại về chất lượng cũng ngày càng lớn. Tuy sự đóng góp của nghiên cứu khoa học (NCKH) và đổi mới công nghệ trong sự phát triển chung của nền kinh tế và của xã hội là điều đã rõ ràng nhưng vai trò của trường ĐH trong việc đào tạo lực lượng nghiên cứu và lao động kỹ năng cao cho nền kinh tế tri thức lại dường như đang bị thách thức dữ dội. Đặc biệt là ở những nước đang phát triển, nơi mà kỳ vọng của cả nhà nước và người dân đặt ra cho giáo dục ĐH là rất cao, trong khi năng lực của nhà trường nhằm đáp ứng những kỳ vọng ấy thì khá hạn chế.

 

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo Langkawi
 

Tại hội thảo “Mở rộng và nâng cao giáo dục ĐH nhằm kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội: một lịch trình nghiên cứu đang hình thành cho châu Á - Thái Bình Dương” (còn gọi hội thảo Langkawi) vừa được tổ chức tại Malaysia, 35 thành viên của 11 quốc gia - bao gồm Úc, Nhật Bản, Nam Phi, Uganda, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam - đã thảo luận về những vấn đề nổi bật đang được các nước quan tâm, về khả năng xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững trong NCKH và giáo dục ĐH trong khu vực.

Ba vấn đề được đặc biệt chú ý là: quản lý chất lượng trong bối cảnh mở rộng, quốc tế hóa và đào tạo tiến sĩ. Thật ngạc nhiên là mặc dù bối cảnh kinh tế và đặc điểm văn hóa của các nước trong vùng hết sức đa dạng, ta có thể thấy rất nhiều điểm chung giữa các nước. Hầu như các nước này đều đang phải đương đầu với những vấn đề rất giống nhau, từ tăng trưởng nóng dẫn đến chất lượng không theo kịp; thái độ học vì bằng cấp, giá trị của tấm bằng và sự trân trọng đối với học vấn ĐH. Tuy vậy, mỗi nước có những kinh nghiệm và đáp ứng khác nhau với những thách thức đó.

Đào tạo tiến sĩ là một nội dung quan trọng của việc xây dựng năng lực nghiên cứu quốc gia. GS Seeram, ĐH Quốc gia Singapore, hình dung một viễn cảnh mới về đào tạo tiến sĩ trong thế kỷ XXI từ bức tranh thực tế ngày nay: 200 triệu sinh viên đang học trong hơn 20.000 trường ĐH trên thế giới, trong đó khoảng 5-10 triệu đang học thạc sĩ và tiến sĩ. Ngày nay, Thomson Reuters đang lưu giữ khoảng 58 triệu bài báo khoa học được tạo ra chủ yếu trong vài thập kỷ gần đây. Ông cho rằng đào tạo sau ĐH rất quan trọng là vì các trường ĐH cần có giảng viên giỏi; doanh nghiệp và khu vực sản xuất cần có các chuyên gia; hoạt động NCKH, đổi mới và sáng tạo cần có lực lượng kế thừa, dẫn dắt mọi sáng kiến cải cách.

Thua cuộc nếu không biết nuôi dưỡng nhân tài

Trong lúc đó, môi trường đào tạo, làm việc của các tiến sĩ ngày càng phức tạp và đòi hỏi cao. Họ phải có nền tảng khoa học vững vàng, thành thạo các công cụ và kỹ năng nghiên cứu, có khả năng làm việc nhóm và hợp tác đa văn hóa, có kỹ năng truyền đạt và công bố kết quả nghiên cứu với giới hàn lâm cũng như với những đối tượng đa dạng hơn ngoài xã hội.

GS Seeram cho rằng nếu như đào tạo tiến sĩ trước đây là một hoạt động đơn ngành, có trọng tâm chuyên sâu rất hẹp và thực hiện ở phạm vi từng trường, từng nước; thì ngày nay, trái lại, nó phải nhấn mạnh những cách tiếp cận liên ngành, đặt trọng tâm vào hợp tác quốc tế, chú ý tư duy doanh nghiệp và tạo ra tác động thực tế.

Theo nghiên cứu sinh Ranjit Gajendra (Ấn Độ), để hoạt động NCKH có thể góp phần giải quyết những vấn nạn chủ yếu trong xã hội, kinh tế, kỹ thuật và môi trường thì sự hợp tác xuyên quốc gia giữa các nhà nghiên cứu với nhau, giữa giới học thuật với các nhà chuyên môn đang thực thi vai trò chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành, với các nhà làm chính sách và với giới lãnh đạo doanh nghiệp, điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

“Bên cạnh sứ mạng truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu, vai trò của trường ĐH trong việc gắn kết với nhu cầu của cộng đồng xã hội, trong đó có chuyển giao công nghệ và phát triển chính sách, đang được kỳ vọng sẽ trở thành một dòng chủ lưu” - ông Rajit nói.

Bởi lẽ đó, việc dịch chuyển của giới hàn lâm là một xu hướng quan trọng được nhiều người đề cập. GS Lynn Meek, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Lãnh đạo và Quản lý giáo dục ĐH Martin (Úc), nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy những nước không nuôi dưỡng được nhân tài của mình sẽ là những kẻ thua cuộc hoàn toàn. Bởi lẽ ngày nay, sự dịch chuyển xuyên biên giới của trí tuệ và của giới hàn lâm là không gì cản được. Tài năng sẽ thu hút tài năng, không khác nào nước chảy chỗ trũng, khiến nạn chảy máu chất xám của các nước nghèo càng thêm trầm trọng”.

Tuy vậy, GS Lynn Meek nhận định ngày nay, tiến bộ của công nghệ truyền thông đã tạo ra một xu hướng mới: hiện tượng chuyển dịch chất xám, tức sự tham gia của các học giả quốc tế vào hoạt động NCKH của nước khác qua hợp tác nghiên cứu, trao đổi giảng viên và sự hình thành các mạng lưới nghiên cứu quốc tế. Điều cần thiết là làm cách nào để thúc đẩy hoạt động của những mạng lưới nghiên cứu quốc tế đó theo cách các bên đều có lợi, thay vì chỉ khai thác chất xám từ những nước nghèo.

 

Hình thành mạng lưới chung

Các tổ chức, mạng lưới liên quốc gia trong khu vực hoặc có sự tham gia tích cực của các nước trong khu vực hiện rất phong phú. Phân loại theo cách tiếp cận chức năng, chúng ta có các tổ chức thúc đẩy giao lưu sinh viên như UMAP (thành lập 1993), CAMPUS ASIA (2010); thúc đẩy kiểm định chất lượng như AUN (1992), APAIE (2006)... Tuy thế, vẫn đang có một khoảng trống về một mạng lưới những người nghiên cứu về quản lý giáo dục ĐH và hoạt động NCKH trong khu vực.

Hội thảo Langkawi đạt đến sự đồng thuận cao khi hình dung về những giá trị riêng của mạng lưới này cũng như tương lai của nó. Nó sẽ là một mạng lưới bao gồm không chỉ những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ĐH, NCKH với tư cách nhà quản lý hay giới học thuật, mà còn là các bên liên quan khác như giới doanh nghiệp, viên chức chính phủ, người làm chính sách, các tổ chức tài trợ cho NCKH nhằm trao đổi ý tưởng cũng như đóng góp vào việc xác định những vấn đề cần đưa vào nghị trình chính sách để thúc đẩy sự phát triển giáo dục ĐH khu vực.

(Theo nld.com.vn)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật