Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Bộ Giáo dục rút đề xuất 2 năm trung học phổ thông

Cập nhật 29/08/2014 - 12:16:41 PM (GMT+7)

Bộ GD&ĐT xin rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục, tức là giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.

Sáng 28/8, tại hội thảo tham vấn các chuyên gia về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay gồm 9 năm giáo dục cơ bản (5 năm tiểu học, 4 năm THCS) và 3 năm THPT

Theo thứ trưởng Hiển, trước đó có nhiều ý kiến đề nghị tăng một năm THCS, giảm một năm THPT như đề xuất của Bộ đã công bố xin ý kiến. Tuy nhiên, qua phiên họp của Ủy ban quốc gia về đổi mới GD&ĐT, Hội đồng phát triển giáo dục và nhân lực cũng như nhiều ý kiến khác, Bộ quyết định giữ nguyên số năm học các cấp như hiện hành.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đề xuất thay đổi số năm học THCS Bộ Giáo dục đã rút, nhưng qua đó Bộ phải rút kinh nghiệm, trước khi đề xuất một phương án phải tính rất kỹ càng. Chẳng hạn việc định thêm một năm ở THCS phải tính trường lớp, giáo viên thay đổi như thế nào. "Những sáng kiến đó rất bất ngờ, chưa có báo cáo đánh giá tác động. Đề ra rồi rút là hết sức đáng trách", GS Thuyết nói.

Đề án đổi mới Bộ Giáo dục trình lần này cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Theo đó, hai phương án được Bộ đưa ra là sau khi biên soạn chương trình chuẩn, Bộ Giáo dục sẽ biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn. Phương án 2 là Bộ chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn. So với những lần đổi mới trước, Bộ Giáo dục chủ trương áp dụng SGK mới đồng loạt ở tất cả các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12 để tiết kiệm thời gian.

PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng, ủng hộ phương án Bộ Giáo dục viết một bộ SGK, nhưng vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác biên soạn. Khi có nhiều bộ SGK thì Bộ cần đối xử công bằng, không phân biệt và việc chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học. "Phương án thứ 2 để cho các tổ chức cá nhân biên soạn SGK, Bộ không tham gia biên soạn có nhiều rủi ro vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này", PGS Đan nói.

PGS Văn Như Cương cũng tán thành phương án một chương trình, nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng để thực hiện được không hề đơn giản. Bộ Giáo dục phải có bộ SGK của mình vì việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân viết SGK trong những năm đầu còn khó khăn. Mặt khác, không phải ai cũng làm được SGK vì phải có chuyên môn.

Theo PGS Cương, khi có chương trình chắc chắn thì mới viết SGK đồng loạt. Lộ trình Bộ đề ra có thể hoàn thành được nếu bắt đầu viết ngay từ đầu năm 2015. Nếu viết theo kiểu cuốn chiếu sẽ rất mất thời gian, trong nhiều năm liền. Nhưng để thực hiện thành công thì Bộ phải có hướng dẫn kỹ để những người thực hiện không bị lúng túng.

Đánh giá về báo cáo tác động của đề án, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, hầu hết là tưởng tượng của người viết vì không có thực tiễn, không có dữ liệu chứng minh. Theo ông Thuyết, ai bảo đảm có chương trình, SGK mới thì giảm tải được chương trình, giáo viên chủ động, sáng tạo hơn, thi cử sẽ trung thực hơn?

Việc tác động đến ngân sách nhà nước ra sao cũng chưa có. Quốc hội chỉ quan tâm 2 vấn đề là tốn bao nhiêu tiền và có làm phiền dân không?. "Chương trình mới là phát triển năng lực học sinh, nghe thì hay nhưng tôi xin cảnh báo là đang bị ru ngủ vì câu chữ. Vì chương trình hiện nay cũng đã đề cập đến vấn đề đó. Điển hình là đối với môn ngữ văn, hiện cũng hướng đến năng lực học sinh, nhưng không làm được. Nên đừng vì một chữ năng lực mà làm đảo lộn tất cả", GS Thuyết cảnh báo.

Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng, Bộ Giáo dục đang đi theo hướng xóa đi làm lại từ đầu nên có thể có phương án khác. Những gì cần thay ngay thì thay, những gì có thể từ từ thì từ từ, để tránh tốn kém. Nên thực hiện 3 bước: Điều chỉnh chương trình trước, sau đó yêu cầu giáo viên điều chỉnh phương pháp, trong thời gian đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Cách làm đó hay hơn nhiều so với đồng loạt thay hết SGK.

"Tôi ủng hộ Bộ nên có bộ SGK nòng cốt, nhưng chỉ làm một số bộ SGK khoa học xã hội (địa lý, lịch sử..), còn các môn khác thì xã hội hóa, hoặc có thể dịch SGK nước ngoài để đỡ tốn tiền. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là nhà nước viết SGK tiểu học và khoa học xã hội", ông Thuyết nêu ý kiến.

(Theo VnExpress)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật