Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Các trường ngoài công lập lại kiến nghị gửi Thủ tướng

Cập nhật 14/12/2013 - 03:57:05 PM (GMT+7)

Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có công văn xin đề xuất với Thủ tướng những giải pháp cụ thể nhằm “tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng các trường ngoài công lập, về chính sách học phí và sự công bằng về cơ hội học tập của sinh viên”.

Trong công văn, Hiệp hội gửi Thủ tướng những giải pháp cụ thể nhằm “tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng các trường ngoài công lập, về chính sách học phí và sự công bằng về cơ hội học tập của sinh viên” 3 vấn đề. Cụ thể, tiếp tục khẳng định và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đào tạo đại học; Tăng tỉ lệ sinh viên ngoài ngoài công lập; cho thí điểm loại hình cơ sở giáo dục cộng đồng đầu tư theo tinh thần Nghị quyết TW 8 (Khóa XI).

Tập trung chỉ đạo đổi mới một số chính sách, cơ chế tài chính đảm bảo sự công bằng xã hội cho giáo dục đại học ngoài công lập và người học; Giáo dục đại học ngoài công lập hình thành và phát triển trên cơ sở hành lang pháp lý đã được ban hành trong 20 năm qua. Tuy nhiên một số những nội dung bất cập của một số văn bản đã ít nhiều hạn chế sự phát triển cũng như hiệu quả đóng góp của khối trường này.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội cho biết, hiện tại, “cái áo tư thục” không thể khoác chung cho tất cả các trường đại học ngoài công lập. Đã đến lúc cần tổng kết kỹ lưỡng 20 năm giáo dục đại học ngoài công lập. Điều lệ trường đại học phải làm rõ có các hình thức huy động vốn (góp vốn, cổ phần, hay vay vốn...), phát sinh chênh lệch thu chi, xác định các hình thức sở hữu (phân biệt giữa sở hữu chung hợp nhất và sở hữu chung hỗn hợp từ nguồn đầu tư). Đồng thời bám sát chỉ đạo của Đảng (Văn kiện Đại hội XI, NQ TW 8) để hình thành mô hình giáo dục đại học ngoài công lập hợp lý, trong đó mô hình đại học cộng đồng đầu tư (theo hướng chỉ đạo của TW Đảng) cần được cụ thể hóa và thí điểm”.

Các trường ngoài công lập lại kiến nghị gửi Thủ tướng

Để tháo gỡ khó khăn hiện nay về tuyển sinh, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có phương án tuyển sinh riêng.


Xã hội xem thường sinh viên ngoài công lập

GS Quân chua xót nói: “Sự nhìn nhận của một số cán bộ ở các cơ quan quản lý TW, địa phương và của xã hội đối với trường ngoài công lập đã và đang còn có biểu hiện thiếu thiện cảm, dẫn đến đối xử chưa công bằng: xem nhà trường thuần túy như doanh nghiệp; không cho sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập được tham dự thi tuyển chọn vào cơ quan công quyền, một số cấp quản lý không thực sự quan tâm kịp thời giúp các trường tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Trong khi đó, sinh viên trường ngoài công lập phải trả 100% chi phí đào tạo, nên học phí cao hơn trường công. Quy chế tuyển sinh bất cập: xác định sai điểm sàn làm cạn nguồn tuyển sinh, cho phép trường đại học tuyển, đào tạo cả cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, không phân tầng trong tuyển sinh, đánh giá chất lượng đào tạo phiến diện, quá coi trọng đầu vào, xem nhẹ quá trình đào tạo và đầu ra, gây ra những bất lợi cho trường ngoài công lập. Thậm chí còn nhầm lẫn rằng 14% sinh viên ngoài công lập là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự yếu kém về chất lượng của giáo dục đại học của ta hiện nay.

GS Quân cho rằng, trong số hơn 80 trường hiện nay gần 30 trường ra đời trước năm 2000, với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của những người sáng lập, hầu hết các trường này đã trưởng thành và khẳng định được tên tuổi. Còn lại đa số là ra đời từ năm 2006 trở đi (53 trường). Với tuổi đời từ 2 đến 7 năm, các trường chưa thể nào có đủ điều kiện mọi mặt để đảm bảo có được chất lượng như mong muốn. Nhưng không phải vì thế mà cho rằng tất cả sinh viên (14%) học trường ngoài công lập đều là diện yếu kém và đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên cái yếu kém của chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

3 kiến nghị gửi Thủ tướng

Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng 3 vấn đề:

Thứ nhất, ban hành ngay các văn bản mới, không để tái diễn tình trạng Luật đã có hiệu lực mà vẫn bị ách tắc, không được thực thi được vì chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa mới được công bố và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013.

Thứ hai, song các trường còn phải tiếp tục chờ đợi các văn bản hướng thực hiện các điều khoản quan trọng khác của Luật giáo dục đại học, như về tuyển sinh, về thành lập tổ chức kiểm định độc lập và thực thi kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Thiếu các văn bản hướng dẫn đồng nghĩa với việc cản trở việc thực thi pháp luật (Luật Giáo dục đại học) đối với sự nghiệp đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời một số nội dung chưa phù hợp trong các văn bản đã ban hành. Tách bạch rõ ràng 2 loại hình trường ngoài công lập: vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Tương ứng với các loại hình trường này phải có các quy chế riêng biệt, nếu nhập 2 quy chế làm một không chỉ khó thực hiện mà còn có thêm những phức tạp khi cần điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế vận hành của loại hình trường.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: "Ngày 3/6/2013, Thủ tướng đã có công văn số 4436/VPCP-KGVX “giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hiệp hội và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết 20 phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập, nhất là đối với giáo dục đại học, trong quý III năm 2013.Hiệp hội chúng tôi đã chủ động liên hệ với Bộ để sẵn sàng đón nhận và hoàn thành tốt công việc được phối hợp. Hiệp hội được biết Bộ chưa thể tổ chức Hội nghị tổng kết trong quý III năm 2013, mà phải lui đến tháng 12/2013 và có thể lâu hơn”.

(Theo Báo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật