Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Đào tạo ngành y: Nhốn nháo chẳng giống ai

Cập nhật 16/09/2013 - 09:43:16 AM (GMT+7)

Khi nhu cầu xã hội tăng cao, hàng loạt trường đại học và cao đẳng liền “nhảy” vào đào tạo ở lĩnh vực ngành y, kéo theo đó cũng là hệ lụy về chất lượng giảng dạy kém, đầu ra nhốn nháo. Tình trạng này phần nào lý giải nghề thầy thuốc cao quý giờ đang bị hoen ố vì những sự cố và scandal y tế diễn ra liên tiếp thời gian gần đây.

Đua nhau “nhảy” vào ngành y

Ngành y đang trở thành một trong những ngành hot và được ưa chuộng nhất hiện nay. Chẳng thế mà các trường đua nhau tăng quy mô đào tạo, triển khai nhiều loại mô hình và phương thức đào tạo khác nhau.

Thậm chí cả các trường dân lập cũng nhảy vào mảnh đất màu mỡ này và nhanh chóng nhập cuộc.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Dẫu phình to về mặt quy mô nhưng đây không được đánh giá là tín hiệu “đáng mừng hay khởi sắc” nhằm cải thiện tình trạng thiếu nhân lực của ngành y. Bởi thực tế khó lòng phủ nhận, chất lượng đội ngũ y bác sĩ ra trường đang ngày càng đi xuống, tỷ lệ nghịch với số lượng.

Vốn dĩ ngành y không giống các ngành học khác mà đòi hỏi nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, điều kiện thực hành cùng sự hướng dẫn về mặt chuyên môn và định hướng y đức từ đội ngũ giáo viên, thầy thuốc dày dặn kinh nghiệm.

Thế nhưng, tất cả những yếu tố đó giờ chỉ còn tồn tại về mặt hình thức còn thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Một số trường ngoài công lập đa ngành mở thêm ngành y, chất lượng đầu vào thấp (chỉ vừa bằng điểm sàn) nhưng trong quá trình đào tạo bộc lộ nhiều điểm bất cập.

Số lượng giảng viên ít dẫn tới việc hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên không được đảm bảo. Đấy là chưa kể tình trạng thiếu cơ sở thực hành hoặc cơ sở thực hành không đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu.

Sở dĩ xảy ra tình trạng trên theo ông Nguyễn Minh Lợi, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, là do các quy định hiện hành về việc mở mã ngành đào tạo, trong đó không cần có sự tham gia thẩm định của các chuyên gia y tế, nên khó tránh khỏi hiện tượng có trường không đảm bảo điều kiện giảng dạy vẫn “nhẹ nhàng” lấy được phiếu ủng hộ.

Bên cạnh đó, Bộ GD & ĐT chỉ kiểm soát chỉ tiêu chung của toàn trường dựa trên tổng số giáo viên cơ hữu và diện tích trường rồi để mặc trường tự phân chỉ tiêu cho từng ngành. Đây cũng chính là một trong những kẽ hở giúp các trường đào tạo đa ngành, lách luật đào tạo sinh viên ngành y quá lớn so với năng lực thực tế.

Đào tạo “chẳng giống ai”

Chương trình đào tạo, hệ thống thi cử của ngành này còn nặng về lý thuyết mà thiếu đi yếu tố thực hành.

PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong buổi tọa đàm khoa học Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo các trường y, dược Việt Nam ngày 10/9 phải thừa nhận thực tế sinh viên học 6 năm trong trường y tốt nghiệp nhưng chưa chắc đã làm được việc, thậm chí còn ngơ ngác phải nhiều năm mới thành thục. Nguyên nhân chính xuất phát từ nội dung đào tạo với nội hàm kiến thức lỗi thời cách đây hàng chục năm, hạn chế các vấn đề thực tiễn và thực hành lâm sàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP. HCM, nước ta đang có chương trình đào tạo ngành y “chẳng giống ai”.

Cụ thể, nếu ở Mỹ muốn trở thành bác sĩ, người học phải trải qua một quá trình vất vả, phải hoàn thành 4 năm cử nhân khoa học với số điểm trung bình theo yêu cầu mới đủ điều kiện nộp đơn thi vào trường y khoa. Sau đó, họ lại phải tiếp tục theo đuổi 4 năm để lấy bằng bác sĩ đa khoa và 3-7 năm học chuyên khoa bắt buộc. Còn tại các nước Châu Âu không có chuyện tuyển sinh và đào tạo ồ ạt, mỗi trường y khoa hàng năm chỉ tuyển tối đa 100 sinh viên để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trong khi đó, ở Việt Nam, giảng dạy bác sĩ đang bị đánh đồng với giảng dạy các ngành nghề khác. Các trường nắm bắt được xu hướng của xã hội, ồ ạt mở thêm mã ngành, tuyển sinh viên một cách vô tội vạ (dưới điểm chuẩn cũng tuyển, thậm chí chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3 cũng tuyển) chạy theo lợi nhuận.

Đã vậy, đến thời điểm này, vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất về đầu ra, hiện đều do các trường tự kiểm định và công bố, mà chẳng ai muốn “tự vạch áo cho người xem lưng” nên ắt hẳn sẽ tốt hết, đạt chất lượng hết.

Tuy nhiên, khi đội ngũ sinh viên này tốt nghiệp về các cơ sở y tế công tác, do chuyên môn kém để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân thì chẳng mấy khi các cơ sở đào tạo bị truy cứu trách nhiệm liên quan. Và Bộ chủ quản cũng chẳng mấy đoái hoài.

Theo Hiền Mai (Sống Mới)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật