Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

"Tiêu cực thi cử nói mãi không hết và gần như không có thuốc chữa"

Cập nhật 06/06/2013 - 04:56:38 PM (GMT+7)

Hậu kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Với 49 thí sinh vi phạm và 2 giám thị bị đình chỉ, sau mỗi môn thi, nhất là những môn tự luận vẫn có nhiều tài liệu vứt rải rác. Nhận định về điều này, thầy Đỗ Việt Khoa, người tiên phong trong chống tiêu cực thi cử cho biết, con số đó không phản ánh được kỳ thi có nghiêm túc hay không nghiêm túc.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi ngắn với thầy Đỗ Việt Khoa về vấn đề trên.

PV: Thưa thầy Đỗ Việt Khoa, là một trong những người tiên phong chống tiêu cực trong thi cử, thầy đánh giá như thế nào về tính nghiêm túc trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. 

Sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, trong khi báo chí vẫn phản nhiều Hội đồng thi trong cả nước vẫn có tài liêu?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Phải thừa nhận là kỳ thi năm nay nghiêm túc hơn nhiều so với năm trước. Tuy nhiên phao thi vẫn còn. Trước khi thi các cửa hàng phô tô vẫn bày bán phao thi và đã bán hết sạch. Trong khi thi phao thi vẫn được mang vào phòng rồi thi xong được ném rải rác.  

Trong khi thi tôi vẫn nhận được tin về việc gian lận thi kiểu như Đồi Ngô năm trước (năm 2012). Trước khi thi vẫn có trường hợp vi phạm như thu tiền hỗ trợ thi, tổ chức thi thử thu tiền trái quy định như ở một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp năm 2013 cả nước có 49 thí sinh vi phạm quy chế, tăng hơn năm 2012  15 trường hợp (2012 là 35 thí sinh). Theo thầy, đây là một tín hiệu nên vui hay buồn, vì thực tế nếu kỳ thi nghiêm túc với một cách thi cử của chúng ta là học gì thi nấy thì có nhiều thí sinh bị bắt đồng nghĩa với việc giám thị coi thi đã nghiêm khắc hơn?

Để nâng cao trách nhiệm của thí sinh cũng như giám thị tại mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo thầy Đỗ Việt Khoa là rất khó vì Bộ GD&ĐT không đủ thực quyền để xử lý triệt để sai phạm.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Hiện tượng này gần như là tất yếu ko thể chấm dứt được, mà chỉ có thể hạn chế dần thôi. Nếu giám thị chúng tôi mà thẳng tay thì không phải chỉ 49 thí sinh bị đình chỉ, mà sẽ gấp nhiều lần con số đó. Bởi vì còn rất nhiều thí sinh mang phao thi vào phòng thi mà đa số giám thị chỉ dừng ở mức ngăn chặn ngay, chứ không lập biên bản đình chỉ thi. Dẫu biết đó là sai quy chế, nhưng giám thị không muốn làm.
 
Như thế, chuyện nhiều hay ít hơn con số 49 ở trên không đủ để phản ánh được tính chất nghiêm hay không.
 
PV: Năm nay, quy chế thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT có bổ sung thêm phương tiện chống tiêu cực, đó là những thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng xem lại, chức năng phát sóng, wifi, bluotooth. Theo thầy, mặc dù khuyến khích thí sinh phát hiện tiêu cực nhưng qua kỳ thi chưa thấy thí sinh sử dụng? Phải chăng, tại mỗi địa phương vẫn có quy định “ngầm”  với các thí sinh về việc này?
 
Thầy Đỗ Việt Khoa: Trước khi thi, hàng loạt tỉnh có biện pháp ngầm để "vô hiệu hóa" quy chế đó của Bộ GD&ĐT. Tôi nhận được tin từ người dân Bắc Giang phản ánh là Sở GD&ĐT bắt học sinh ký cam kết. Trong cam kết có 2 ô mà thí sinh lựa chọn là quay clip hay không quay clip. Đã có100% học sinh chọn vào ô không quay. 

Tôi đưa lên facebook của mình thì có báo bảo là thầy Khoa đưa "hoang tin". Sau đó Bộ GD&ĐT chỉ đạo các tỉnh phải hủy việc ký cam kết. Nhưng cuối cùng thì đa số giám thị và thí sinh vẫn không biết việc hủy cam kết này. Cá biệt có Hội đồng thi tỉnh H* vẫn yêu cầu thí sinh thực hiện như cam kết mà phớt lờ chỉ đạo của Bộ. Như vậy các địa phương đã  thành công của trong việc làm cho thí sinh khiếp sợ không dám quay clip. 
 
Theo tôi, nhiệm vụ chính của thí sinh vẫn là thi cho tốt. Nhiệm vụ chống tiêu cực thi cử là của thanh tra các cấp, của người lớn. Thí sinh nào dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm xã hội thì hãy quay clip và chỉ quay khi có gian lận thôi. Thực tế những tấm gương chống tiêu cực bị trù dập khắp nơi đủ để làm run sợ những thí sinh muốn chống tiêu cực.
 
PV: Theo thầy, để nâng cao trách nhiệm của thí sinh cũng như giám thị tại mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT Bộ cần làm một động thái nào?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Khó lắm. Bộ GD&ĐT không đủ thực quyền để xử lý triệt để sai phạm. Tất cả phụ thuộc lãnh đạo tỉnh. Tỉnh không muốn làm nghiêm thì Bộ cũng không thể làm được. Hãy lấy ví dụ vụ Đồi Ngô năm ngoái: Tôi có ảnh chụp tường trình của lãnh đạo hội đồng thi thừa nhận việc tổ chức sắp xếp cho giáo viên nhân viên đi ném bài. Vậy nhưng cuối cùng thì 5 giáo viên thừa hành bị buộc thôi việc, người "chủ mưu" thì an toàn. Bộ GD&ĐT có can thiệp được không?

Những năm trước, tôi không ủng hộ việc bỏ kỳ thi này, thì nay, sau khi ngẫm nghĩ rất kỹ, tôi thấy nên bỏ kỳ thi này (tốt nghiệp THPT). Bỏ sớm năm nào hay năm đó. Bậc học THPT là bậc học mà học sinh tốn tiền nhiều nhất, tốn hơn cả học đại học. Tiêu cực thi cử nói mãi không hết và gần như không có thuốc chữa. Người ta vẫn báo cáo hay. Vậy thì nên bỏ kỳ thi này đi.
 
PV: Thầy có nhận xét gì về cách ra đề năm nay khi tính mở được Bộ GD&ĐT sử dụng triệt để để khơi dậy tính sáng tạo của thí sinh?
 
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi không dạy Văn, nhưng tôi thấy đề văn có câu hỏi mở về tấm gương dũng cảm Nguyễn Văn Nam. Nhưng câu này chỉ 3 điểm, mà đáp án không mở cho những thí sinh nào dám viết trái ý Bộ dẫu cho lập luận hay. Câu 5 điểm về tâm trạng của Mị… thì lại có phao thi trúng tủ. 
 
PV: Vừa qua có  ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tiến hành thi Đại học quanh năm để tránh mất cơ hội học tập cho học sinh, cũng như giảm tốn kém cho gia đình học sinh sau khi thi xong tốt nghiệp THPT, ông có ý kiến gì không?
 
Thầy Đỗ Việt Khoa: Về ý kiến có thể thi đại học quanh năm, tôi thấy cũng bình thường. Nếu giao toàn quyền tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ thì đúng là họ có thể tuyển sinh quanh năm.
 
Nhưng bài học từng có rồi. Trước 2002, các trường tự ra đề. Thế là bùng nổ chuyện thí sinh ùn ùn kéo đến các trường mình thi để ôn thi với những giáo viên dạy là người của trường. Vì vậy, chỉ cần Bộ buông ra là lập tức sẽ có cảnh trăm hoa đua nở.
(Theo GDVN)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật