1,3 triệu công nhân điện tử hiện nay chủ yếu gia công, lắp ráp linh kiện, tham gia vào khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng.
Ngành điện tử hiện chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, hơn 108 tỷ USD năm 2021 và thu hút 1,3 triệu lao động. Tại hội thảo ngày 15/7, bà Trần Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá đây vẫn là ngành có "nhân công giá rẻ", làm công việc giản đơn, cần sự tỉ mẩn.
"Khoảng 5% doanh nghiệp cho rằng lao động không đáp ứng được yêu cầu tay nghề, chưa kể kỹ năng chuyên môn khác", bà dẫn khảo sát 44 doanh nghiệp điện tử năm 2021 của VCCI thực hiện cùng Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp được hỏi đánh giá thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức "từ trung bình đến nghiêm trọng" và hơn 50% doanh nghiệp coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát, quản lý là "thách thức lớn".
Bà Liên phân chia lao động điện tử thành ba phần. Nhóm tay nghề thấp và bộ phận kỹ thuật cao nằm ở hai đầu, chiếm phần nhỏ. Còn lại là lao động chuyên môn ở mức trung bình, làm việc ở bộ phận lắp ráp giản đơn. Song điện tử vẫn là ngành thu hút công nhân phổ thông khi thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng vào năm 2021, cao hơn dệt may, cơ khí. Hầu hết công nhân điện tử có hợp đồng và tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Tường, Cục phó Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết ngành điện tử tuyển dụng lao động lớn nhất nước, chiếm 8,66% tổ ng số việc là m năm 2021. Hơn một nửa công nhân điện tử làm việc trên 48 giờ mỗi tuần. Đây cũng là ngành có số giờ làm thêm cao. Chính sách nới trần làm thêm tối đa lên 60 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm cũng nhằm tạo điều kiện cho ngành điện tử phục hồi sau đại dịch.
"Thời gian làm việc nhiều khiến công nhân điện tử không có thời gian đào tạo nâng cao tay nghề lẫn giải trí" ông Tường nói, thêm rằng chưa có tổ chức đại diện ngành nên thương lượng tập thể trong lĩnh vực điện tử còn yếu. Ông khuyến nghị doanh nghiệp thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc để chia sẻ khó khăn với lao động.
Các chuyên gia cũng nhận định cơ hội cho lao động ngành này vẫn cao khi nhu cầu thiết bị điện tử của quốc tế gia tăng
Các công ty đa quốc gia đổ vốn đầu tư vào Việt Nam sau dịch. Doanh nghiệp điện tử Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc "di cư công nghệ này", phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Trần Thị Hồng Liên khuyến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành điện tử, đặc biệt là liên kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để đào tạo lao động tay nghề cao. Công đoàn cần hỗ trợ mạnh hơn trong thương lượng tập thể để đảm bảo quyền lợi cho lao động, nhất là phúc lợi, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, nhận định xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc sang các nước tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút FDI. Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, lao động từ đó cũng được đào tạo thêm; thu hút dòng vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao, có sức lan tỏa với thị trường, ngăn chặn dòng vốn đầu tư chất lượng thấp.
(Nguồn: https://vnexpress.net/)