Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

'Không nên cho rằng đã dư thừa cử nhân'

Cập nhật 20/12/2014 - 05:16:34 PM (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm như vậy tại đại hội thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2019 diễn ra sáng nay.

Không lo rằng đã thừa cử nhân

Ông Đam bắt đầu phần phát biểu của mình bằng việc nhắc tới khoảng cách của nền kinh tế Việt Nam với thế giới, và nhấn mạnh “chỉ có thể thu hẹp khoảng cách bằng nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao”.

Theo ông Đam, có nhiều báo cáo khác nhau về vấn đề này, nhưng đáng quan tâm là báo cáo phân tích tại sao năng suất lao động thấp, với nguyên nhân chính là nguồn nhân lực.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ vừa được thành lập

Khi phân nhân lực thành hai nhóm: quản lý gián tiếp, và chuyên môn trực tiếp, báo cáo này cho biết 80% nhân lực làm quản lý gián tiếp chưa đủ kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Con số này ở kỹ sư chuyên môn trực tiếp là 60%, và ở lao dộng giản đơn là hơn 40%. Như vậy, càng ở trình độ cao lao động Việt Nam càng không đủ kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.Hiệp hội các trường ĐH, CĐ vừa được thành lập

“Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng tất cả trách nhiệm không phải chỉ do ngành giáo dục, nhưng giáo dục cũng có một phần. Trên nguyên tắc, ngành giáo dục cần phải làm tốt nhất phần việc của mình”.

“Thứ hai, bây giờ hội nhập theo thế giới, từ phân công lap động tới cạnh tranh, thì giáo dục làm gì cũng phải theo thế giới, đào tạo theo chuẩn đầu ra của thế giới”.

“Phải khuyến khích các trường chủ động tham gia xếp hạng khu vực và thế giới” – ông Đam yêu cầu - “để biết mình đang ở đâu, mình như thế nào. Ngay trong nước, tới đây cũng tiến hành phân tầng, xếp hạng. Những tiêu chí đưa ra cũng phải theo thế giới”.

Ông Đam cho rằng cần phải”bình tĩnh xem xét” việc mà “nhiều người đã nói rất nhiều lần”, đó là tình trạng quá nhiều trường đại học đào tạo quá nhiều sinh viên dẫn đến tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Theo ông Đam, “tỉ lệ người đi học/số dân còn thấp, thấp ngay so với kế hoạch của chúng ta. Vì vậy, không nên cho rằng số lượng đào tạo ra đã dư thừa. Đào tạo nhiều mà chất lượng tốt sẽ khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sử dụng nhân lực do chúng ta đào tạo.

Chúng ta mới chỉ làm được công tác thống kê, còn dự báo không chính xác. Tinh thần cạnh tranh hiện nay phải theo hướng đào tạo nhiều nhân lực nhất có thể với chất lượng cao nhất có thể” - ông Đam nhấn mạnh.

Phải chấp nhận cơ chế đào thải

Vấn đề tiếp theo mà ông Đam đề cập tới là tự chủ. Theo ông Đam, cần phải phát động thi đua trong Hiệp hội, không thể lấy bấy kỳ lý do này khác để chậm trễ việc này.

“Ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục lo cho tất cả các trường. Chất lượng không thể cao được vì kinh phí đầu tư chỉ có vậy.

Khi nói đến tự chủ, mọi người hay nghĩ ngay đến tự chủ tài chính. Tự chủ tài chính là quan trọng, nhưng không có nghĩa là sẽ thả lỏng hết, không có đối tượng chính sách.

Thay vào đó, sẽ có cơ chế đặt hàng. Nhà nước đặt hàng trường hỗ trợ đối tượng chính sách, đặt hàng trường đào tạo… Còn lại, cơ bản các trường tự chủ tài chính và tiến tới hạch toán như doanh nghiệp. Cùng với đó là những chính sách khuyến tài.

Không chỉ tự chủ tài chính mà quan trọng nhất là tự chủ học thuật, quản lý...

“Các trường cạnh tranh lành mạnh, cùng khắc phục những khiếm khuyết, nhưng cũng phải chấp nhận cơ chế đào thải” - ông Đam nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa mà ông Đam đặc biệt lưu ý là các trường đại học nhất định phải gắn với nghiên cứu khoa học, tập trung làm nghiên cứu khoa học. Theo ông Đam, đây là việc rất khó nhưng các trường không thể không làm, và cũng không chỉ trường lớn mới phải làm.

“Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Khoa học và Công nghệ phải có bước đi cụ thể, quyết liệt để đẩy mạnh vấn đề này”.

Về hợp tác quốc tế, ông Đam đề nghị phải đẩy mạnh. “Bộ GD-ĐT cần rà soát lại các quy định liên quan theo hướng thông thoáng”.

Hiệp hội cần đề xuất chính sách

Về hoạt động của Hiệp hội, ông Đam bày tỏ mong muốn Hiệp hội không chỉ phản biện chính sách mà còn là nơi đề xuất, xây dựng chính sách, để tạo điều kiện cho cộng đồng đại học phát triển.

“Bên cạnh đó, tôi rất muốn hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT động viên các trường tham gia nghiên cứu những chính sách chung của cả nước, vì các trường có đội ngũ trí thức đông đảo. Đây là yêu cầu rất lớn nhưng không phải quá tầm”.

Ông Đam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ LĐTBXH cùng các bộ ngành đoàn thể cùng phối hợp làm những việc như kiểm định chất lượng, đánh giá, xếp hạng, phân tầng… “Phải phối hợp nhuần nhuyễn vì sự nghiệp chung”.

Với 100% số phiếu tán thành, GS. Trần Hồng Quân đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (AVUC).

Đại hội cũng đã bầu 148 uỷ viên Ban chấp hành, 62 uỷ viên Thường vụ và 13 Phó Chủ tịch.

GS Trần Hồng Quân chia sẻ: "Hiệp hội sẽ là nơi trao đổi tư duy giáo dục. Hiệp hội là ngôi nhà chung của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc để hỗ trợ lẫn nhau. Hiệp hội cũng là nơi nghiên cứu tổ chức tham mưu những vấn đề chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề phát triển giáo dục đại học, cao đẳng. Hiệp hội hoạt động dựa trên nguyên tắc bất vụ lợi, trên nguyên tắc không dựa vào ngân sách nhà nước, dân chủ, thuyết phục nhau và cùng thỏa thuận".

(Theo vietnamnet.vn)


Giới Thiệu STU