Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Sẽ có khoảng 25 - 30 cụm thi trong kỳ thi quốc gia

Cập nhật 01/12/2014 - 09:28:29 AM (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 25 đến 30 cụm thi do các trường ĐH chủ trì trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Hiện Bộ GD-ĐT đang tiến hành khảo sát thực tế tại các cụm thi về địa lý, quy mô thí sinh, cơ sở vật chất, năng lực trường ĐH chủ trì cụm thi... trước khi công bố chính thức. 

Theo Thứ trưởng Ga, mỗi cụm thi trung bình khoảng 30.000 - 40.000 thí sinh. Về tổ chức thi, sẽ bố trí coi thi, chấm thi theo các cụm thi tập trung do trường ĐH có uy tín được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ chủ trì với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT như trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.

Với kinh nghiệm nhiều năm về tuyển sinh, PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng, đổi mới thi năm nay theo hướng tự chủ cho các trường để các trường khẳng định và tạo uy tín của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về phương thức tổ chức theo cụm thi, nếu huy động cả giảng viên đại học và giáo viên phổ thông ở các cụm thi cồng kềnh quá, năm nay tổ chức có thể thực hiện theo thí điểm chứ về lâu dài bộ cần tìm ra giải pháp khác.

Theo PGS.TS Lê Trọng Thắng, về hướng lâu dài giải quyết tình trạng cồng kềnh về tổ chức thi cụm, bộ nên tận dụng hình thức thi 3 chung cũ. Bộ quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, giám sát và ra chế tài để thực hiện và xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, trong tuyển sinh cho phép hình các cụm thi do các hội, ngành thực hiện và dùng kết quả chung, các trường tự đóng góp kinh phí, tổ chức thi tuyển, xét tuyển, đồng thời hình thành các trung tâm khảo thí kiểm định chất lượng.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cũng băn khoăn về cụm thi, ông cho rằng: "Địa phương nào không có khả năng đảm nhiệm kỳ thi được thì Bộ GD-ĐT cử cán bộ trường ĐH về giám sát. Làm như vậy là làm mất quyền tự chủ của địa phương, vừa mất thời gian, vừa tốn kém.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, Bộ GD-ĐT đang tiến hành khảo sát thực tế tại các cụm thi về địa lý, quy mô thí sinh, cơ sở vật chất, năng lực trường ĐH chủ trì cụm thi... trước khi công bố chính thức. Đồng thời, đầu tháng 12 sẽ công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh 2015 để lấy ý kiến góp ý.

Lãnh đạo Bộ cũng cho biết thêm, để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy của kết quả thi sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Với các cụm thi tại địa phương, cùng với tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở khâu coi thi

 

Hiện nay, các trường đại học đã lên phương án tổ chức thi, tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường lo lắng cho rằng sẽ gặp khó khăn khi phải nhờ sự hỗ trợ giảng viên coi thi từ các trường đại học khác vì số lượng thí sinh dự thi đông. Do giảng viên không phải của trường nên điều hành sẽ khó hơn.

 

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ GD-ĐT cùng các sở GD-ĐT và các nhà trường sẽ chủ động có phương án để giải quyết những khó khăn, phức tạp của Kỳ thi để dành những thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Tất cả những khó khăn trong Kỳ thi đều có giải pháp để giải quyết triệt để với trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục các cấp. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi đối với cán bộ, giáo viên và thí sinh”.

 

Cũng theo ông Trinh, Bộ giao cho các trường ĐH có đủ năng lực, điều kiện, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi và phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học trong tỉnh (thành phố) và sở GD-ĐT tổ chức coi thi, chấm thi và gửi kết quả chấm thi về Bộ GD-ĐT.

Các sở GD-ĐT bên cạnh việc chỉ đạo đánh giá trong quá trình học, xét điều kiện dự thi, phối hợp với trường ĐH tổ chức cụm coi thi, chấm thi chung còn chịu trách nhiệm tổ chức cho học sinh đăng kí dự thi, chuyển dữ liệu đăng kí dự thi về Bộ GD-ĐT và chủ trì các cụm thi dành cho thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để tham gia tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ (với các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì);

 

Ông Trinh khẳng định: “Vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia là rất lớn. Các trường ĐH được giao tổ chức cụm thi sẽ phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, kết quả đảm bảo độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi vào tuyển sinh; Các sở GD-ĐT cũng có vai trò lớn hơn so với trước đây: phải tổ chức nghiêm túc kỳ thi đối với các thí sinh thi tại cụm thi địa phương, sao cho kết quả có độ tin cậy, khách quan, không để xảy ra những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì”.

(Theo báo Dân Trí)


Giới Thiệu STU