Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hàng năm sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6.
Môn thi: Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Đề thi: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.
Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GDĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.
Xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ
Các sở GDĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trước ngày 01 tháng 01 hằng năm, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (gọi chung là trường ĐH, CĐ) công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
Căn cứ kết quả thi, Bộ GDĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.
Ảnh minh họa |
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, muốn có kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì phải làm tốt tất cả các khâu: từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lý và sử dụng kết quả thi.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, để đảm bảo tính nghiêm túc và tính chính xác, khách quan, độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi thi theo các cụm thi tập trung ở các trường ĐH, CĐ và các trường THPT tại các tỉnh/thành phố, thị xã, thị trấn; bố trí các cụm chấm thi theo vùng, miền. Và, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD&ĐT như trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.
Bên cạnh đó, đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Cùng với việc phát huy vài trò trách nhiệm của CB, GV tham gia kỳ thi, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ sẽ được tính toán sử dụng ở mức độ phù hợp để tăng cường tính bảo mật, an toàn trong tổ chức thi và độ tin cậy của kết quả thi.
Về công tác thanh tra của kỳ thi quốc gia, ông Trinh cũng cho biết, sẽ tăng cường đối để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nặng đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi của CB, GV và thí sinh. Với những nội dung điều chỉnh đã nêu trong phương án, sẽ có một số vấn đề kỹ thuật của kỳ thi cần phải chủ động giải quyết.
“Quan điểm là Bộ, Sở, nhà trường chủ động có phương án để giải quyết những khó khăn, phức tạp của kỳ thi, dành những thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Cụ thể là Bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, việc ra đề thi sẽ vẫn do Bộ đảm nhận, sẽ xây dựng phần mềm quản lý thi THPT quốc gia dùng chung cho cả nước. Công tác tổ chức thi sẽ đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các hội đồng thi, công tác chấm thi cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn này đều có giải pháp để giải quyết triệt để với trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp” lãnh đạo bộ cho biết.
Được biết, Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đặc biệt, những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đây sẽ được áp dụng để tổ chức các Cụm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì.
Trước đó ngày 6/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục công bố ngay phương án thi trong đầu năm học 2014-2015 trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận góp ý về 3 phương án mà Bộ đang xin ý kiến và các phương án khác, trong đó lưu ý phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh, phương án được lựa chọn phải bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, đáp ứng hai mục tiêu công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận cao.
(Theo GDVN)