Mã Trường

Mã Trường

Hướng Nghiệp

Làm gì khi chọn sai nghề

Cập nhật 21/06/2013 - 09:11:54 AM (GMT+7)

Nhiều người đã nhầm lẫn khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Sau khi tốt nghiệp, đi làm và rồi  kết luận rằng: “Tôi đã chọn sai!”. Tại sao?

 
Hậu quả

Lãng phí thời gian: Anh Lê Trung (Việt kiều Canada, chế tạo robot Aiko hiểu được ngôn ngữ), chia sẻ về việc sai lầm chọn nghề.  Anh cho biết, đã bỏ phí đến 11 năm để học một ngành đúng ý cha mẹ, nhưng lại "trật chìa" với năng lực thực sự của mình.

Kết cục, anh lấy được ba bằng cấp liên quan bào chế dược phẩm rồi... cất tủ do không xin được việc làm. Lê Trung ao ước, nếu được trở lại giây phút chọn nghề quan trọng 16 năm trước của đời mình, nhất quyết anh sẽ theo ngành kỹ thuật, chế tạo robot mà anh đam mê từ nhỏ. Theo Lê Trung, khi chọn nghề sai, bạn sẽ uổng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức... khiến bạn thậm chí có thể hối hận suốt đời.

Một câu chuyện khác cũng xót xa không kém: Một cô giáo bị phá sản vì không tìm được chỗ đứng trên thương trường khắc nghiệt. Chị Lan về quê ở Củ Chi, trong một thời điểm chán cảnh dạy học, lương " ba cọc, ba đồng" đã về quê trồng rau và nuôi bò sữa. Vì không có chuyên môn, bò chết hàng loạt, hết vốn, chị lại xin về dạy học tại trường cũ và tiếp tục gắn bó với nghề giáo.

"Trước khi bỏ nghề dạy học, tôi nghĩ mình đã chọn sai nghề. Sau khi lay hoay  làm đủ thứ cũng chẳng khá lên được. Cuối cùng, tôi quay lại dạy học, tôi nhận thấy nếu mình tìm được niềm say mê thì sẽ có cơ hội thành đạt". Chị Liên đã đúc kết như vậy.

Lãng phí chất xám: "Thật đau xót khi một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành khai thác dầu khí, nhưng lại làm công việc của nhân viên tổng hợp tại văn phòng UBND huyện", thạc sĩ Nguyễn Kim Nương, Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết.

Khó tìm việc làm: Theo số liệu khảo sát riêng của L&A (Le & Associates), hiện có khoảng 20% sinh viên chọn sai ngành học, tốt nghiệp đi làm mới thấy công việc không phù hợp nên bỏ việc hoặc làm trái nghề.

Một số liệu điều tra khác của Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội TP.HCM cho biết chỉ khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp. Đáng chú ý hơn là có đến 40% lao động trẻ chọn nghề chưa phù hợp với ngành đang theo học.

Ông Trương Chí Dũng, Giám đốc phát triển Công ty IT Solutoin, cho rằng: Học sinh, sinh viên vẫn còn mơ hồ giữa việc chọn ngành học và công việc thực tế. Nhiều em chưa hiểu rõ những yêu cầu, công việc nên khi ra trường nên rất lúng túng và khó tìm kiếm việc làm phù hợp.

Những con số nói trên mới chỉ ở trong phạm vi khảo sát nhỏ chưa phải là tất cả thực tế. Thực trạng chọn sai nghề luôn là vấn đề của các bạn trẻ ngày nay. Vậy chúng ta phải làm gì khi đã "lỡ" chọn sai nghề?

Hướng giải quyết

Công tác hướng nghiệp thiếu và yếu đã dẫn đến lựa chọn sai nghề. Theo các chuyên gia, nếu rơi vào hoàn cảnh ấy bạn nên quyết tâm làm lại từ đầu.

Khi ý thức được việc chọn sai nghề, hành động kế tiếp của người lao động là tìm kiếm ngay một công việc khác thay thế với nhiều cơ hội và thử thách. Chắc chắn, quá trình thay đổi này sẽ tốn nhiều công sức và tiền bạc. Bởi thế, nhiều người vì lý do tuổi tác hoặc điều kiện tài chính nên không chấp nhận sự thay đổi mà cố gắng "sống chung" với công việc hiện tại. Điều này đã vô tình kìm hãm sự phát triển về nhiều mặt của họ.

Ông Lê Quang - phụ trách nhân sự Công ty M & N - nói: "Nếu chọn sai nghề, nên đổi nghề ngay. Đừng bao giờ nghĩ là việc đổi nghề lúc này không phù hợp hoặc quá trễ vì ngoài thị trường lao động luôn có nhiều cơ hội cho người năng động".

Bà Võ Sáng Xuân Hoàng - giảng viên của CFVG (Cơ sở đào tạo về Quản lý hàng đầu tại Việt Nam)- tư vấn: "Thay đổi công việc là chuyện rất đỗi bình thường. Khi công việc hiện tại không mang lại cho bạn thuận lợi, thì đừng nên tiếp tục "tha thiết" với nó".

Bà Nguyễn Thu Giao - Giám đốc nhân sự Công ty Kimberly-Clark - cho biết: "Có ba nguyên nhân chủ yếu khiến người lao động nhận ra việc chọn sai nghề của mình: Xu thế của thị trường lao động; Công việc hiện tại không thật sự mang lại lợi ích vật chất và tinh thần; Mong muốn "thử sức" để tìm vận hội mới".

Cũng theo bà Giao, chọn sai nghề dẫn đến thất bại trong công việc, sau đó buộc phải chọn một việc mới phù hợp hơn là điều tích cực, thể hiện sự năng động, thức thời của người lao động. Nhưng trong trường hợp người lao động chưa kịp nhận dạng công việc cũ nhưng lại muốn "phiêu lưu" với công việc mới là điều lợi bất cập hại.

"Bạn nên xem xét kỹ càng, có đúng là mình đã chọn sai nghề hay không, Nên đặt ra các so sánh để tìm ra nguyên nhân thì hãy thay đổi công việc, chớ nên thả mồi bắt bóng". Ông Lê Quang đã có lời khuyên.

Nếu chưa tìm được một cơ hội việc làm sẵn có thì phải chấp nhận làm lại từ đầu bằng cách gửi hồ sơ đi nhiều nơi. Với kinh nghiệm và độ chín về nghề nghiệp ở thời điểm này, bạn sẽ “có giá” đấy. Vì có thể bạn sẽ tìm thấy một công ty tốt có chế độ và kế hoạch phát triển rõ ràng; chuyên môn của bạn sẽ đáp ứng được công việc ở đó và bạn sẽ yêu thích công việc mới này.

Dù có gian nan đến mấy cũng nên làm lại từ đầu. Lúc này bạn đã qua giai đoạn "nghề chọn người " và bắt đầu giai đoạn "người chọn nghề". Điều này đòi hỏi ở bạn khả năng thích nghi và phát huy năng lực cá nhân.

Giới Thiệu STU