Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Chưa vội nộp hồ sơ đăng ký dự thi

Cập nhật 12/03/2013 - 09:06:42 AM (GMT+7)

Hôm qua 11.3, ngày đầu tiên học sinh lớp 12 trên cả nước bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Thí sinh sẽ có thời gian một tháng để quyết định lựa chọn ngành nghề dự thi nên những ngày đầu không khí còn hết sức trầm lắng.

Ráo riết cho thi thử đại học

Sở GD-ĐT Hà Nội phân làm 2 đối tượng để thuận tiện cho công tác thu nhận hồ sơ. Thứ nhất, học sinh kể cả hộ khẩu tỉnh khác đang học lớp 12 tại trường THPT nào có mã đơn vị đăng ký dự thi thì nộp hồ sơ ngay tại trường; thứ hai, học sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề, CĐ nghề (không có mã đơn vị đăng ký dự thi) và học sinh thi lại (kể cả hộ khẩu tỉnh khác) nộp hồ sơ tại các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã.

Chưa vội nộp hồ sơ đăng ký dự thi

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, trong giai đoạn “nước rút” trước khi nộp hồ sơđăng ký dự thi, thầy cô ở các trường THPT đều có những động thái tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn trường. Trong đó, nhiều trường tổ chức thi thử ĐH cho học sinh trước khi các em đặt bút viết hồ sơ đăng ký dự thi.

Ông Hoàng Châu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Ba Vì, huyện Ba Vì, cho biết: “Ngoài việc tư vấn chung, cuối tháng 3 trường sẽ tổ chức thi thử ĐH cho toàn bộ học sinh lớp 12. Căn cứ vào kết quả của kỳ thi thử này, trường sẽ tổ chức tư vấn chọn trường, chọn nghề cho học sinh”. Cũng theo ông Tuấn, những năm gần đây 100% học sinh của trường đăng ký dự thi ĐH tuy nhiên chỉ có khoảng 20% đỗ. Trăn trở trước con số này nhưng ông Tuấn cũng cho biết, việc tư vấn chỉ có thể tác động một phần, tâm lý của hầu hết học sinh là vẫn muốn thi vào ĐH, nếu không đỗ thì mới chuyển sang trường CĐ hoặc trường nghề.

Trường THPT Trần Phú, Q.Hoàn Kiếm cũng quyết định tổ chức cho học sinh thi thử ĐH. Đại diện trường này cho hay, kỳ thi thử không chỉ có ý nghĩa tập dượt mà điều quan trọng hơn là giúp học sinh chọn khối thi, trường thi vừa sức mình trước khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Q.Long Biên năm nào cũng có 100% học sinh dự thi ĐH, tuy không tổ chức thi thử nhưng theo bà Phạm Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường việc tổ chức tư vấn chọn trường, chọn nghề cho học sinh được triển khai ráo riết từ đầu năm học. Sau khi có kết quả thi học kỳ 1, nhà trường căn cứ vào đó để tư vấn hướng nghiệp cho cả học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, buổi chào cờ đầu tuần đều có nội dung dành cho công tác tư vấn. “Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn, căn cứ vào lực học, khả năng của từng em để có những buổi trò chuyện thường xuyên, qua đó tư vấn cho từng học sinh của mình”, bà Hương nói.

Ông Phan Hữu Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Đội Cấn, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc - nơi mà mùa tuyển sinh năm 2012 làm xôn xao dư luận vì có dự định không nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH của những học sinh có học lực yếu nhằm hướng các em này vào các trường CĐ, trường nghề, chia sẻ: “Thường học sinh lớp 12 của trường phải trải qua các kỳ khảo sát, tập dượt cho kỳ thi ĐH. Kết quả của những kỳ kiểm tra này là căn cứ phân loại. Những học sinh có mức điểm trung bình 3 môn dưới 10, kèm theo nhận xét của giáo viên chủ nhiệm về quá trình học tập thường sẽ được tư vấn nên thi CĐ, TCCN hoặc trường nghề, phụ huynh cũng được mời tới để tư vấn”.

Hướng dẫn ghi hồ sơ chính xác

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến cuối giờ chiều ngày 11.3, hầu hết học sinh khu vực TP.HCM chưa có tài liệu Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. Bà Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ, cho biết: “Hiện nay học sinh chưa có được quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 nên hầu như các em không có thông tin gì để căn cứ chọn trường, chọn ngành”. Thế nhưng, theo thông tin từ Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT, chiều qua tài liệu Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 đã được chuyển vào hơn 10.000 cuốn, sáng nay học sinh sẽ được đón nhận. Những ngày tiếp theo sẽ gấp rút hoàn tất công tác vận chuyển tài liệu này.

Năm nay, lãnh đạo các trường THPT rất chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh ghi đúng hồ sơ đăng ký dự thi. Ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM, cho biết: “Trong tuần này, trường sẽ hướng dẫn cách ghi hồ sơ từng mục cụ thể để học sinh tránh những sai sót dù là nhỏ nhất”. Tương tự, Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn cũng đang lên kế hoạch hướng dẫn cụ thể cho khoảng 500 học sinh, để các em ghi hồ sơ “vừa đúng vừa trúng”. Do đó hầu như các trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ của học sinh từ cuối tháng 3; sau thời gian tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ chính xác và đã hướng nghiệp đầy đủ.

Cũng theo lãnh đạo của nhiều trường THPT, xu hướng ngành nghề năm nay cũng khá đa dạng. Bà Phan Thị Mỹ Linh cho biết, trường có 268 học sinh nhưng nhìn chung, các em chuyển hướng, giảm quan tâm các khối ngành kinh tế mà chuyển sang kỹ thuật. Còn ở Trường THPT Lý Thường Kiệt, học sinh đa phần vẫn thích ngân hàng, kinh tế.

Dù học sinh chưa chính thức nộp hồ sơ nhưng theo ghi nhận từ các trường, số lượng học sinh quan tâm đến khối ngành xã hội nhân văn, sư phạm rất hạn chế. Trong buổi Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Trường THPT Di Linh, Lâm Đồng vào cuối tuần qua, lãnh đạo trường này cũng đưa ra một thông tin đáng chú ý, trong 480 học sinh lớp 12 của trường, chỉ có 8 học sinh chọn lựa các ngành khối xã hội - nhân văn.

Hãy cân nhắc thật kỹ

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT đưa ra lời khuyên: “Mặc dù hoàn toàn có thể nộp 10 bộ hồ sơ hoặc nhiều hơn, nhưng cuối cùng thì các em vẫn phải quyết định lựa chọn vì chỉ có 2 đợt thi ĐH. Do đó, rất mong các em cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký dự thi, nộp hồ sơ vào những trường mình thực sự yêu thích, đam mê và phù hợp với năng lực của mình”.