Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Hướng Nghiệp

Điện tử - Viễn thông: Ngành học của sự đam mê và tính sáng tạo

Cập nhật 04/03/2013 - 05:07:21 PM (GMT+7)

Nhu cầu nhân lực ngành Điện tử Viễn thông trong một vài năm trở lại đây đang có xu hướng bão hòa. Tuy nhiên, đối với những người có trình độ chuyên môn cộng thêm các kỹ năng mềm tốt thì cơ hội việc làm vẫn luôn rộng mở.

Điện tử Viễn thông là ngành sử dụng những công nghệ tiên tiến để tạo nên các thiết bị giúp cho việc truy suất thông tin mà cá nhân hoặc tổ chức muốn có. Chính vì vậy, kỹ sư Điện tử Viễn thông làm việc tại các công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các công ty viễn thông truyền số liệu, các công ty điện thoại di động, các công ty truyền tin qua hệ thống vệ tinh, các công ty tư vấn giải pháp và kinh doanh các dịch vụ Điện tử Viễn thông v.v... Công việc của những người học ngành này gắn liền với những phòng thí nghiệm, phòng kỹ thuật và máy móc hiện đại.

Các ứng dụng của ngành Điện tử-Viễn thông

Hiện nay ngành Điện tử - Viễn thông có rất nhiều ứng dụng trong đời sống xã hội. Tuỳ vào từng ngành nghề khác nhau mà ngành này chiếm từng vị trí quan trọng khác nhau. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện nay thì ngành Điện tử -Viễn thông có những ứng dụng cụ thể ở các lĩnh vực như sau:

1. Nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới, các thiết bị Điện tử Viễn thông mới

Đây là lĩnh vực đòi hỏi người học phải có sự sáng tạo. Các kỹ sư làm việc trong lĩnh vực này dựa trên những ứng dụng của xã hội nói chung và ngành Điện tử Viễn thông nói riêng, phát triển các công nghệ mới, ứng dụng mới hữu ích và đơn giản hơn cho mọi người. Đây chính là lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ ngành Điện tử Viễn thông, đem lại sự sáng tạo mới, phương thức liên lạc mới cho xã hội.

2. Lĩnh vực mạng, viễn thông: Ngoài việc làm chủ các thiết bị truyền tin trên toàn cầu như hệ thống truyền dẫn: cáp quang, vệ tin, hệ thống truyền tin không dây (vi ba) v.v... người học còn nắm rõ hoạt động của các thiết bị định tuyến, chuyển mạch tổng đài…

3. Lĩnh vực định vị dẫn đường: Đây là một lĩnh vực hết sức quan trọng đối ngành Hàng không và Hàng hải. Để mỗi chuyến bay cất cánh, hạ cánh an toàn, bay ở đúng tầm cao là công sức không chỉ của tổ bay mà còn của những thành viên các trạm kiểm soát không lưu đặt khắp nơi trên mặt đất.

Đảm bảo cho hàng nghìn chuyến bay, tàu thuỷ hoạt động an toàn là công việc của những kĩ sư Điện tử Viễn thông làm việc trong lĩnh vực định vị dẫn đường.

4. Lĩnh vực điện tử y sinh: Các máy móc, thiết bị điện tử hiện đại trong lĩnh vực y tế và sinh học đều cần sự hiện diện của những kĩ sư Điện tử Viễn thông làm công tác vận hành cũng như tu sửa máy móc.

5. Lĩnh vực âm thành, hình ảnh: Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực âm thanh, hình ảnh cũng có 1 phần đóng góp quan trọng của ngành Điện tử Viễn thông như việc thiết kế ra các trang thiết bị nghe nhìn, điều chỉnh âm độ các thiết bị thu âm v.v...

Ở Việt Nam, ngành Điện tử Viễn thông đang đóng vai trò quan trọng, tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy nhu cầu về nhân lực trong ngành không bao giờ thừa.

Những tố chất cần thiết cho ngành Điện tử - Viễn thông

Điện tử Viễn thông là 1 ngành công nghệ mới, đòi hỏi người học phải có tư chất thông minh, sự năng động và niềm đam mê tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới và áp dụng nó vào thực tế tại Việt Nam.
 
Các công việc trong ngành Điện tử Viễn thông chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố khác quan bên ngoài. Chính vì vậy khi làm khoa học thì ngành học này lại đòi hỏi đức tính kiên trì và nhẫn nại.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia thì bất kì ngành học nào thì cũng đòi hỏi người học phải có mục tiêu và đam mê. Đối với ngành Điện tử-Viễn thông thi yếu tố này quan trọng hơn rất nhiều bởi ngành học này nó có rất nhiều điều thú vị, có thể làm người học bị phân tán khỏi mục tiêu chính thậm chí có thể khiến bản cảm thấy chán nản trước 1 kho kiến thức rộng lớn.

 

Bên cạnh đó, ngành Điện tử - Viễn thông thường xuyên thay đổi, đòi hỏi các kĩ sư trong lĩnh vực này luôn phải đọc, tìm kiếm các công nghệ mới đã và đang được đưa ra trên thế giới, học tập qua nghiên cứu và thực tế tại các nước có ngành Điện tử Viễn thông phát triển. Để làm được điều này thì khả năng đọc hiểu ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu trong ngành. 

Ngoài ra, Điện tử - Viễn thông là ngành công nghệ cao, khối lượng công việc cùng sự phức tạp của nó đòi hỏi sự chung sức của rất nhiều người. Những người tham gia, bên cạnh năng lực làm việc và nghiên cứu độc lập, phải có khả năng làm việc theo nhóm, thực hiện tốt phần công việc của mình, góp phần hoàn thành công việc chung. Chính vì vậy yếu tố làm việc theo nhóm rất quan trọng. Kỹ năng của yếu tố này sẽ do môi trường làm việc và chính bản thân người học tạo dựng nên.