Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Hướng Nghiệp

Phân loại nghề

Cập nhật 27/02/2013 - 04:08:38 PM (GMT+7)

Muốn nhận thức một cách khoa học về các sự vật và hiện tượng, người ta thường dùng phương pháp phân loại. Ví dụ: phân loại động vật, thực vật, ôtô, máy bay, tên lửa, vệ tinh nhân tạo, các nền văn minh, các loại kiến trúc… Song, khi phân loại nghề nghiệp, các nhà khoa học vấp phải không ít khó khăn vì số lượng nghề và chuyên môn quá lớn, tính chất và nội dung các nghề quá phức tạp.

Có người đề nghị phân loại nghề theo các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế quốc dân: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, giáo dục, an ninh, quốc phòng… Làm theo cách này, người ta thấy thuận tiện cho việc thống kê các thành tích của từng lĩnh vực, những đóng góp của các ngành vào thu nhập quốc nội (GDP)…, nhưng lại thấy có những bất hợp lý. Chẳng hạn, nghề lái xe xếp vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải hay xây dựng? Trên thực tế, các lĩnh vực kể trên đều cần đến phương tiện vận tải là ôtô. Vì vậy, cách phân loại này chỉ sử dụng trong một số công việc nào đó.
 
Nhà khoa học Líp-man đưa ra một cách phân loại khác, trong đó, có phân biệt nghề sáng tạo và không sáng tạo. Nhiều người không đồng tình bởi cho rằng hình thức lao động nào cũng có thể mang tính sáng tạo. Về vấn đề này, đại văn hào Măc-xim Goóc-ky có một ý kiến rất chí lý rằng, nếu ta yêu thích công việc ta làm thì dù công việc đó có đơn giản đến đâu, nó cũng có thể mang ý nghĩa sáng tạo.
 
Cũng có nhà khoa học đưa ra cách phân loại nghề theo yêu cầu của nghề đối với người lao động. Với cách phân loại này, các nghề được phân vào 8 lĩnh vực sau đây:
 
1. Những nghề thuộc lĩnh vực hành chính
 
Trong lĩnh vực này, ta gặp những cán bộ, nhân viên văn phòng, đánh máy, lưu trữ, kế toán, kiểm tra, chấm công, soạn thảo công văn… Những nghề này đòi hỏi con người đức tính thận trọng, chu đáo, ngăn nắp, chín chắn, tỉ mỉ. Mọi tác phong và thói quen không hay như cẩu thả, bừa bãi, đại khái, thiếu ngăn nắp, thờ ơ, lãnh đạm… đều không phù hợp với công việc hành chính.
 
2. Những nghề thuộc lĩnh vực tiếp xúc với con người
 
Ở đây, ta có thể kể đến những nhân viên bán hàng, những thầy thuốc, thầy giáo, những người phục vụ khách sạn, những cán bộ tổ chức… Những người này luôn phải có thái độ ứng xử hòa nhã, chân thành, tế nhị, tinh ý, mềm mỏng, linh hoạt, ân cần, cởi mở…
 
Thái độ và hành vi đối xử lạnh nhạt, thờ ơ, thiếu thông cảm, thiếu nâng đỡ, vụ lợi đều xa lại với các công việc nói trên.
 
3. Những nghề thợ (công nhân)
 
Tính chất nội dung lao động của nghề thợ rất đa dạng. Có những người thợ làm việc trong các ngành công nghiệp (thợ dệt, thợ tiện, thợ phay, thợ nguội, thợ chỉnh công cụ …), trong các ngành tiểu thủ công nghiệp (thợ thêu, thợ làm mây tre đan, sơn mài…), trong lĩnh vực dịch vụ (cắt tóc, sửa chữa đồ dùng gia đình…) và rất nhiều loại thợ khác như lái tàu hỏa, ô tô, xe điện, in ấn, xây dựng, khai thác tài nguyên…
 
Nghề thợ đại diện cho nền sản xuất công nghiệp. Tác phong công nghiệp, tư duy kỹ thuật, trí nhớ, tưởng tượng không gian, khéo tay… là những yếu tố tâm lý cơ bản không thể thiếu được ở người thợ.
 
Nghề thợ đang có sự chuyển biến về cấu trúc: những nghề lao động chân tay sẽ ngày càng giảm, lao động trí tuệ sẽ tăng lên. Ở những nước công nghiệp hiện nay như Mỹ, Pháp, Anh… số công nhân “cổ trắng” (công nhân trí thức) đã đông hơn công nhân “cổ xanh” (công nhân làm những công việc tay chân nặng nhọc).
 
4. Những nghề trong lĩnh vực kỹ thuật
 
Nghề kỹ thuật rất gần với nghề thợ. Đó là nghề của các kỹ sư thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất. nghề kỹ thuật đòi hỏi người lao động lòng say mê với công việc thiết kế và vận hành kỹ thuật, nắm chắc những tri thức khoa học hiện đại, có khả năng tiếp cận với công nghệ mới. Người làm nghề kỹ thuật phải có nhiệt tình và óc sáng tạo trong công việc. Họ còn đóng vai trò tổ chức sản xuất, do đó năng lực tổ chức có vị trí cơ bản.
 
5. Những nghề trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật
 
Văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực hoạt động đa dạng mà tính sáng tạo là một đặc trưng nổi bật. Tính không lặp lại, tính độc đáo và riêng biệt trở thành yếu tố tiên quyết trong mỗi sản phẩm thơ văn, âm nhạc, phim ảnh, biểu diễn nghệ thuật… Trong hoạt động văn học và nghệ thuật, ta thấy có rất nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc, nhà viết kịch, nhà ảo thuật, các diễn viên điện ảnh, xiếc, ca nhạc, nhà nhiếp ảnh, nhà đạo diễn phim, người trang trí sân khấu và cửa hàng… Yêu cầu chung của nghề nghiệp đối với họ là phải có cảm hứng sáng tác, sự tinh tế và nhạy bén trong cảm thụ cuộc sống, lối sống có cá tính và có văn hóa, gắn bó với cuộc sống lao động của quần chúng. Ngoài ra, người làm công tác văn học, nghệ thuật phải có năng lực diễn đạt tư tưởng và tình cảm, năng lực tác động đến người khác bằng ngôn ngữ, năng lực thâm nhập vào quần chúng.
 
6. Những nghề thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học
 
Đó là những nghề tìm tòi, phát hiện những quy luật trong đời sống xã hội, trong thế giới tự nhiên cũng như trong tư duy con người. Người làm công tác nghiên cứu  khoa học phải say mê tìm kiếm chân lý, luôn luôn học hỏi, tôn trọng sự thật, thái độ thật khách quan trước đối tượng nghiên cứu, người nghiên cứu khoa học phải rèn luyện tư duy logic, tích lũy tri thức, độc lập sáng tạo… Ngoài ra, họ còn phải là con người thực sự khiêm tốn, trung thực, bảo vệ chân lý đên cùng.
 
7. Những nghề tiếp xúc với thiên nhiên
 
Đó là những nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuần dưỡng súc vật, nghề trồng trọt, khai thác gỗ, trồng rừng, trồng hoa và cây cảnh… Muốn làm những nghề này, con người phải yêu thích thiên nhiên, say mê với thế giới thực vật và động vật. Mặt khác, họ phải cần cù, chịu đựng khó khăn, thích nghi với hoạt động ngoài trời, thận trọng và tỉ mỉ.
 
8. Những nghề có điều kiện lao động đặc biệt
 
Thuộc lĩnh vực lao động này, ta thấy có những công việc như lái máy bay thí nghiệm, du hành vũ trụ, khai thác tài nghuyên dưới đáy biển, thám hiểm… Những người làm nghề này phải có lòng quả cảm, ý chí kiên định, say mê với tính chất mạo hiểm của công việc, không ngại khó khăn, gian khổ, không ngại hi sinh, thích ứng với cuộc sống không ổn định.