Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Không nên kéo dài thời gian xét tuyển

Cập nhật 15/01/2013 - 09:00:56 AM (GMT+7)

Ngày 22.1 tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tuyển sinh và đưa ra phương án cho năm 2013. Rút kinh nghiệm những điều chỉnh không mấy thành công trong kỳ tuyển sinh năm trước, nhiều trường đã đề xuất ý kiến sửa đổi cho kỳ thi ĐH, CĐ

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Không nên kéo dài thời gian xét tuyển

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Không nên kéo dài thời gian xét tuyển
Năm 2012 dù kéo dài thời gian xét tuyển nhưng nhiều trường ĐH vẫn không xét tuyển được thí sinh


Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Việc kéo dài thời gian xét tuyển năm vừa qua đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Thay đổi đó không đáp ứng đúng nhu cầu của thí sinh (TS) và các trường, cho đến cuối cùng những trường và ngành khó tuyển vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Do vậy, việc rút ngắn thời gian xét tuyển là hợp lý”. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tài chính - Marketing, khẳng định: “Rút ngắn thời gian xét tuyển là điều hết sức nên làm, như vậy mới không ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường, nhất là việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ”.

Trong khi đó, tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM, khẳng định: “Việc Bộ không bắt buộc các trường chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc mà cho phép TS nộp cùng lúc nhiều bản sao cực kỳ rắc rối. Xét về chừng mực nào đó việc làm này có lợi cho TS khi có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cách làm để giải quyết từ gốc vấn đề phải là định hướng nghề nghiệp tốt cho TS ngay từ ban đầu. Thiết nghĩ, có thể cấp cho TS nhiều hơn 2 giấy chứng nhận kết quả thi thay vì cho phép sử dụng bản sao để làm hồ sơ xét tuyển”. Đồng tình với ý kiến trên, tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cũng cho rằng việc cho phép sử dụng quá nhiều bản sao giấy chứng nhận kết quả thi, thực tế đã gây ra rối cho TS và tốn kém cho toàn xã hội.

Xem lại chính sách ưu tiên

Về chính sách ưu tiên với học sinh dân tộc, học sinh nghèo ở những vùng khó khăn, cán bộ một trường ĐH tại TP.HCM có ý kiến: “Đây là điều nên làm, tuy nhiên cần phải làm cho đúng để đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế, quy định cho tuyển thẳng học sinh 62 huyện nghèo vào các trường như năm vừa qua là chưa thiết thực. TS rất khó trúng tuyển nếu dựa vào tiêu chí cụ thể khá cao mà hiệu trưởng các trường đặt ra. Ngay cả với diện cử tuyển, dự bị, nhiều học sinh được ưu tiên vào học nhưng đã không thể ra trường. Như vậy, thay vì cho học sinh được đặc cách vào học các trường ĐH lớn nên chăng để các em được học những trường và ngành phù hợp với khả năng của bản thân”.

Cũng liên quan đến chính sách ưu tiên, tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho rằng: “Việc cho phép hạ điểm sàn riêng cho khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ thấp hơn 1 điểm so với điểm chuẩn chung năm 2012 là chưa nhất quán. Bởi lẽ, trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ đã quy định rất rõ các TS được hưởng ưu tiên khu vực, việc tiếp tục hạ điểm chuẩn này có thể khiến điểm chuẩn trúng tuyển xuống thấp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Nếu Bộ muốn có chính sách ưu tiên hơn nữa cho TS của 3 khu vực này thì nên ban hành sớm từ đầu, và sửa ngay trong Quy chế tuyển sinh để không gây chồng chéo”.

Hầu hết đại diện các trường đều cho rằng khi đưa ra những thay đổi trong tuyển sinh, Bộ nên cân nhắc để tạo lộ trình cho các trường thực hiện, không ảnh hưởng đến người học. Trong cuộc họp tổng kết tuyển sinh 2012 của ĐH Quốc gia TP.HCM, Phó giáo sư - tiến sĩ  Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc, cũng kiến nghị: “Bộ nên hạn chế việc sửa đổi quy chế thi và ban hành các văn bản hướng dẫn kèm theo vào thời điểm cận kề với kỳ thi vì việc này sẽ gây khó khăn cho công tác tổ chức thi của các trường. Đồng thời, Bộ cũng cần sớm công bố lộ trình đổi mới tuyển sinh cho những năm tiếp theo để các trường có thời gian chuẩn bị”.

(Theo Báo Thanh Niên)