Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Nghiên Cứu Khoa Học

Vai trò của hoài nghi trong khoa học

Cập nhật 29/11/2012 - 10:37:37 AM (GMT+7)

Phương Tây coi trọng sự hoài nghi như một tất yếu của nghiên cứu khoa học. Phương Đông cho rằng sự hoài nghi phản ánh sự “thiếu trách nhiệm hay thiếu tôn trọng” của nhà khoa học. Thực tế sự hoài nghi lành mạnh có vai trò thế nào và nguyên nhân của sự khác biệt là gì?

 

Hoài nghi là cha đẻ của phát minh

Galileo Galilei (1564-1642)

Hoài nghi khích lệ tìm chân lý và câu hỏi sẽ dẫn đường

Hosea Ballou (1771 –1852)

Hoài nghi không phải là kết thúc mà là khởi đầu của tri thức

George Iles (1852-1942)

Newton và câu hỏi về quả táo.

Newton và câu hỏi về quả táo


Có lẽ sẽ không ai phủ nhận rằng “khoa học” là kiến thức hay hiểu biết của con người về cách thức hoạt động của thế giới vật chất xung quanh và “nghiên cứu” mô tả quy trình tìm hiểu tích cực, cần cù và có hệ thống nhằm khám phá tri thức mới, lý giải các hiện tượng và tăng lượng tri thức hiểu biết sẵn có. Hay nói cách khác, nghiên cứu khoa học (NCKH) gồm chuỗi các hoạt động từ đặt vấn đề, tìm kiếm, xem xét, hoặc thử nghiệm dựa trên số liệu, tài liệu, kiến thức vốn có để phát hiện ra những kiến thức mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới tốt hơn, giá trị hơn. Ví dụ, nhờ NCKH mà hiểu biết của con người về trái đất ngày càng được hoàn thiện hơn. Ở thời cổ đại, xuất phát từ góc nhìn trực quan hàng ngày, con người cho rằng Trái đất có hình phẳng với những dãy núi chắn tại chân trời chống đỡ vòm trời. Quan niệm này đã được công nhận như một chân lý suốt một thời gian dài lịch sử từ thời Hy Lạp cổ đại hàng nghìn năm trước công nguyên.

Như vậy có thể thấy bản chất của khám phá tri thức mới và hành trình tìm chân lý là sự hoài nghi với những gì đã được công nhận và sự tò mò khám phá những gì chưa biết. Sự hoài nghi không những không phá vỡ chân lý và tri thức khoa học vốn có mà ngược lại, nó giúp hoàn thiện tri thức và làm mới chân lý đó. Lich sử khoa học và văn minh nhân loại cũng chỉ ra rằng chính sự hoài nghi, đặt câu hỏi là khởi đầu của tri thức và định hướng con đường đi tới chân lý. Chính vì lẽ đó, ở phương Tây câu ngạn ngữ cổ Ba Tư được sử dụng rất phổ biến: Sự hoài nghi là chìa khóa của tri thức (Persian Proverb: “Doubt is the key to knowledge”).

Khoa học có thể phân làm hai loại chính: khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Bản chất của nghiên cứu cơ bản là sự tò mò một cách đam mê của nhà khoa học để trả lời những câu hỏi mà động lực chủ yếu là mở rộng kiến thức và lý giải bí ẩn cuộc sống hơn là lợi nhuận kinh tế từ kết quả của nghiên cứu đó. Khoa học cơ bản giúp tìm câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như vũ trụ hình thành như thế nào hay vì sao con người lại mơ khi ngủ? Tuy nhiên, nghiên cứu cơ bản có vai trò quan trọng, là nền tảng không thể thiếu cho sự tiến bộ của khoa học ứng dụng. Thí dụ, ngày nay rất nhiều thiết bị điện tử hiện đại được phát triển từ kết quả nghiên cứu cơ bản của nhà bác học M. Faraday từ thế kỷ 18 khi ông khám phá ra nguyên lý điện từ trường về mối liên hệ giữa điện và từ. Trong suốt chiều dài lịch sử văn minh nhân loại, có rất nhiều phát minh vĩ đại và nguyên lý cơ bản về các hiện tượng vật chất mà các nhà khoa học đã tìm ra và điều thú vị là hầu hết các phát minh đó đều xuất phát từ sự tò mò, hoài nghi và đặt câu hỏi. Giai thoại về quả táo rơi xuống đất đã giúp nhà khoa học Isaac Newton (1642 - 1727) xây dựng nên thuyết vạn vật hấp dẫn là một minh chứng sinh động rõ nét hơn cả. Định luật của ông là một trong những phát minh khoa học quan trọng nhất của nhân loại và là nền tảng cơ sở của ngành vật lý học ngày nay. Điều thú vị là phát minh vĩ đại đó lại khởi đầu bằng những câu hỏi rất “ngớ ngẩn” như tại sao quả táo không rớt sang ngang hay rớt lên trên cao mà cứ luôn phải rớt xuống mặt đất...?

Không chỉ khoa học cơ bản mà ngay cả khoa học ứng dụng thì sự hoài hoài nghi và đặt câu hỏi cũng có vai trò hết sức quan trọng. Nghiên cứu ứng dụng được hiểu là những nghiên cứu không chỉ để hiểu mà còn để giải quyết các vấn đề thực tế của thế giới đương đại và cải thiện cuộc sống con người như nghiên cứu phát triển công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hay đảm bảo an ninh năng lượng... Đối với mỗi lĩnh vực khác nhau, nghiên cứu ứng dụng có những đặc điểm riêng. Tuy nhiên, một trong những nhân tố chung thúc đẩy phát triển khoa học ứng dụng là mong muốn cho những gì tốt đẹp hơn, không xem xét những gì hiện có là sự tuyệt mỹ và luôn đặt câu hỏi đại loại như: Nghiên cứu này có ý nghĩa gì trong thực tế? Sản phẩm có thể tiện lợi và tốt hơn được không? Công trình này đem lại hiệu quả kinh tế nhưng có ảnh hưởng gì đến môi trường không? Một ví dụ minh chứng rõ nét là lĩnh vực công nghiệp hàng không hiện đại và tiện lợi ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, với ước mơ được như chim bay lên bầu trời, các nhà tiên phong đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm bay nhưng rất tiếc họ đều thất bại và con người đã an phận là không thể bay được... Cho đến tận thế kỷ 19 với sự bùng nổ của cách mạng khoa học kỹ thuật và sự hình thành lý thuyết về thuỷ khí động lực học, triển vọng bay vào không trung đã được mở ra. Nếu các nhà hàng không tiên phong bằng lòng với những nhận định có trước hàng nghìn năm như một chân lý, không tự đặt câu hỏi vì sao con người lại không bay được hay lý thuyết về thuỷ khí động lực học có ý nghĩa gì thì ước mơ được bay sẽ mãi chỉ là ước mơ xa.

Vai trò của thói quen hoài nghi, đặt câu hỏi có thể cảm nhận qua câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Pháp Claude Lévi-Strauss (1908-2009), cha đẻ của ngành nhân loại học hiện đại: “Nhà khoa học không phải là người đưa ra câu trả lời mà là đưa ra câu hỏi đúng đắn” (The scientist is not a person who gives the right answers, he's one who asks the right questions). Nhân đây, tác giả bài viết xin chia sẻ câu chuyện về vai trò hoài nghi từ trải nghiệm nghiên cứu khoa học của chính bản thân mình. Trong quá trình làm luận văn tiến sỹ ở Tokyo, tôi học được rất nhiều từ thầy hướng dẫn kính yêu của tôi, GS. Kawamura, người có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy suy nghĩ và thói quen đặt câu hỏi khi làm khoa học của tôi sau này. Tôi nhớ mỗi lần tôi có kết quả tốt, tôi hăm hở gặp thầy để báo cáo kết quả nghiên cứu của mình. Khi nhìn vào kết quả với bảng biểu hay đồ thị, thầy luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi trước khi có bất kỳ bình luận nào về kết quả và “buồn” nhất là thầy chẳng bao giờ tin tôi. Lúc nào thầy cũng yêu cầu tôi “nói có sách mách có chứng” và rất nhiều lần thầy trực tiếp tính toán lại để khẳng định sự đúng đắn trước khi công bố. Hay một ví dụ từ một thầy đáng kính khác người Hà Lan mà tôi may mắn được làm việc cùng trong mấy năm gần đây, TS. Adri Verwey, một trong những chuyên gia hàng đầu với trên 40 năm kinh nghiệm về mô hình hóa tài nguyên nước và hiện là cố vấn cao cấp về ngập lụt của chính phủ Thái Lan, Singapore. Trong bài phỏng vấn nhân dịp buổi lễ thầy nghỉ hưu cuối tháng 4/2012, hiệp hội môi trường quốc tế (IAHR) có hỏi về thông điệp thầy muốn nhắn gửi đến thế hệ nhà khoa học tương lai là gì, thầy trả lời: “Kiểm tra, kiểm tra lại và kiểm tra lại lần nữa” (Check, Check and Double Check) (IAHR, 2012). Thông điệp chỉ bằng 5 từ ngắn gọn nhưng lại là sự đúc kết của cả cuộc đời sự nghiệp làm khoa học của thầy!

Ở phương Đông mà điển hình là Trung Quốc và Việt Nam, thói quen hoài nghi và đặt câu hỏi chưa thực sự được coi trọng tương xứng với giá trị thực của nó. Phần lớn những người làm khoa học, nhất là giới trẻ thường e dè trong trong việc đặt câu hỏi và gần như không có suy nghĩ hoài nghi nào với những gì đã có trong sách báo trước đó. Trong một lần nói chuyện và tranh luận về việc lựa chọn phương pháp tính toán nước dưới đất cho Hà Nội, trong khi tôi và một số anh em băn khoăn ưu nhược điểm của từng phương pháp và làm thế nào để cải thiện phương pháp sao cho phù hợp với điều kiện khu vực thì lại có ý kiến cho rằng không nên mất thời gian vô ích vì nó đã có sẵn trong sách giáo khoa rồi!. Điều đáng nói là phần lớn sách giáo khoa về chuyên ngành này ở Việt Nam đều được viết hoặc biên dịch từ sách của Liên Xô từ những năm 70 của thế kỷ trước! Ngay cả trong những công trình dự án quan trọng có ý nghĩa quốc gia, với những quyết định sai trái sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục như dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì việc đặt câu hỏi và hoài nghi của các nhà khoa học cũng chưa thực sự được coi trọng, thậm chí có lúc còn bị ác cảm và xem như một việc làm “thiếu trách nhiệm hay thiếu lòng tự trọng”! (Tiền phong, 2012).

Vậy đâu là nguyên nhân của sự khác biệt này? Có lẽ câu trả lời trước hết ở những nhân tố văn hóa. Nền giáo dục phương Đông vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của truyền thống Nho giáo, nơi người học chủ yếu tiếp thu những chân lý có sẵn của thánh hiền hơn là thử thách với những tri thức đã có hay khám phá tri thức mới. Đặc điểm văn hóa này tất nhiên ảnh hưởng lớn đến phương pháp dạy và học trong nhà trường (chủ yếu học thuộc lòng) và không khuyến khích tinh thần phản biện, tinh thần tự do sáng tạo -những nhân tố cốt yếu, quyết định đối với thành công trong nghiên cứu khoa học. Đành rằng những nhân tố văn hóa đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người và việc thay đổi suy nghĩ đó cần có thời gian nhưng hệ thống giáo dục hiện tại đòi hỏi người học phải tuân theo sách vở một cách máy móc và tình trạng thiếu vắng tự do học thuật trong các môi trường nghiên cứu ở các nước phương Đông nói chung cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà khoa học ít có thói quen đưa ra các câu hỏi hoài nghi hay phản biện độc lập trái chiều. Những tồn tại này không chỉ làm cho các nhà khoa học rụt rè trong việc đưa ra ý kiến phản biện mà còn làm bản thân họ cũng có cảm giác không thoải mái khi tiếp nhận câu hỏi hoài nghi của người khác, nhất là câu hỏi từ các nhà khoa học trẻ hơn hay cấp dưới của mình. Tất nhiên, cũng xin lưu ý ở đây, bài viết muốn nói về những hoài nghi lành mạnh và những câu hỏi đưa ra với tinh thần xây dựng, giá trị đạo đức vì mục tiêu tri thức thực sự chứ không phải kiểu hoài nghi cố tình bác bỏ ý kiến người khác (cynicism) với những câu hỏi đưa ra vì hiềm khích cá nhân hay lợi ích kinh tế nào đó.

Như vây có thể thấy hoài nghi có vai trò vô cùng quan trọng đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học. Tri thức không phải vĩnh cửu mà thay đổi theo thời gian-không gian và sẽ không thể có được tri thức mới nếu không có những hoài nghi lành mạnh. Hay nói cách khác trong khoa học, sự hoài nghi và đặt câu hỏi không phải là sự “kết thúc’’ mà là sự “khởi đầu’’ tất yếu của một hành trình khám phá tri thức và đi tìm chân lý.

(Theo Báo Dân Trí)