Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Để đạt điểm cao các môn khoa học tự nhiên

Cập nhật 29/06/2012 - 10:00:22 AM (GMT+7)
Dù nắm chắc kiến thức nhưng thí sinh (TS) các môn khoa học tự nhiên vẫn cần một vài “mẹo” để bài thi đạt kết quả như mong muốn.

 

 

Môn toán: Phải biết phân tích đề

TS cần phải nắm chắc kiến thức căn bản chương trình 12 vì đề thi mấy năm nay không quá khó như trước nữa. Cấu trúc đề thi vẫn sẽ như các năm. Ở phần chung, câu I là khảo sát hàm số, vẽ đồ thị và những vấn đề liên quan khảo sát hàm số. Câu II sẽ có một câu liên quan lượng giác, phương trình, bất phương trình, mũ logarit, vô tỉ. Đây là dạng bài tương đối cơ bản. TS cần ôn kỹ làm các dạng phương trình lượng giác, trọng tâm ở kiến thức lớp 11.

Ở câu III, thông thường là một câu tích phân 1 điểm. Đây là dạng câu hỏi rộng, phải nắm chắc từng dạng cơ bản để đem ra vận dụng. Đề thi sau này ít bẫy TS. Câu IV là hình học không gian cổ điển, tính thể tích, khoảng cách, góc... Đây là câu hỏi chỉ cần học kỹ kiến thức là làm được nhưng đa số các em HS bị lẫn lộn giữa khái niệm “góc cạnh bên và cạnh đáy”, “góc cạnh bên và mặt đáy”, “góc mặt bên và mặt đáy”... nên cần để ý.

Khó nhất là câu V, thường đề thi cho một bài toán tổng hợp, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, bất đẳng thức, hệ phương trình, phối hợp nhiều đề chung lại. Câu bẫy thường cho liên quan số phức, có thể cho phần khảo sát hàm số và hữu tỉ, trên đa thức bậc 2, dưới là nhị thức bậc nhất.

Khi làm bài thi, quan trọng là phải học kỹ và biết phân tích đề thi mới mong đạt được điểm cao.

Phạm Hồng Hải (nguyên Giáo viên môn toán Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

Môn sinh: Kết hợp kiến thức xã hội khi làm bài

Phần di truyền chiếm khoảng 60% số điểm, TS cần tập trung học chương 1 và chương 2, có thể cả chương 3 trong SGK. Phần tiến hóa và sinh thái chiếm 40% điểm, khi học có nhiều câu giống nhau, rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, ngoài việc học để hiểu bài, cần phải đọc rất kỹ câu hỏi để không mắc sai sót.

Thường có rất nhiều TS điểm dưới trung bình môn sinh vì không biết cách ôn thi. Tuy là môn tự nhiên nhưng sinh học lại đòi hỏi TS phải có kiến thức xã hội. Nhiều câu phải hiểu bản chất sự việc mới làm tốt được. Đề thi các môn toán, lý, hóa có khuôn mẫu sẵn nhưng đề sinh thì đòi hỏi kiến thức rộng hơn mới có thể làm bài đạt điểm cao được.

Vào phòng thi, TS cần làm câu dễ trước bởi với môn sinh, câu hỏi khó sẽ làm TS “choáng”. Vì vậy, để bình tĩnh làm bài thi, TS cứ lần lượt giải quyết đề thi từ dễ đến khó.

Trần Ngọc Danh (Tổ trưởng môn sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)


Môn lý: Làm được ít nhất 30 câu ở 60 phút đầu

Học sinh phải học toàn bộ kiến thức theo chương trình chuẩn (trừ các phần giảm tải) vì  trong đề thi có 2 phần: chung và tự chọn. Hầu hết TS chọn phần chương trình chuẩn vì sẽ thuận lợi hơn (số bài học ít hơn rất nhiều so với chương trình nâng cao).

Số câu lý thuyết trong đề thi ĐH môn vật lý rất ít (15 câu), đa số là bài tập, công thức quá nhiều nên các em phải thuộc để có thể giải nhanh các bài tập (cả công thức cơ bản, mở rộng và kết quả của nhiều bài toán đặc biệt). Hai năm trở lại đây đề vật lý có quá nhiều bài toán khó (10 bài), TS phải giải rất nhiều bước mới được kết quả (giống bài toán tự luận).

Để làm tốt bài thi vật lý đòi hỏi các em phải có kiến thức, tập tính toán nhanh, chính xác, đổi đúng đơn vị, số mũ. Khi làm bài thi, các em làm qua một lần để giải và tô đáp án vào bản trả lời cho những câu lý thuyết dễ và những bài toán chỉ thực hiện một phép tính (xong gạch bỏ các câu này trong tờ đề). Phải làm được ít nhất 30 câu trong 60 phút đầu, thời gian tiếp theo, trở lại giải những câu khó (không dừng quá lâu ở một câu), giải được càng nhiều câu càng tốt. Còn 10 phút cuối, các em đành phải chọn kết quả cho những câu còn lại theo cảm tính, hy vọng gặp may...

Nguyễn Văn Phùng (Tổ trưởng môn vật lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)


Môn hóa: Làm ngay những câu lý thuyết

Phải học SGK thật kỹ và sâu. Các em nên học theo các chuyên đề: bài tập kim loại, hữu cơ, phương pháp tăng giảm khối lượng - đường chéo, bảo toàn điện tích, bảo toàn electron... Phần hữu cơ nên học kỹ nền (ankan - anken - ankin), hợp chất có oxy, amino axit, andehyt, ête... Phần vô cơ đi sâu về kim loại (ôn lớp 12 là chủ yếu), cấu tạo nguyên tử (phần lớp 10), cân bằng tốc độ phản ứng và cân bằng hóa học.

Khi làm bài thi, cần làm ngay những câu lý thuyết, nên chọn càng nhanh càng tốt câu bài toán bởi có 50 câu mà chỉ có 90 phút, nếu chần chừ sẽ không có cơ hội quay lại để làm nữa.

Nguyễn Anh Thư (Tổ phó Tổ hóa học, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM)

(Theo báo Thanh Niên)