Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Nhận diện xu hướng chọn ngành

Cập nhật 28/03/2012 - 09:03:50 AM (GMT+7)
(không có)

Chiều 27-3, công tác hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã hoàn tất. Cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên phụ trách hướng nghiệp nhà trường - cho hay năm nay trường có khoảng 1.000 học sinh dự thi ĐH nhưng đã đăng ký mua đến 6.800 hồ sơ đăng ký dự thi.

Kinh tế vẫn “thượng phong”

"Nếu cứ lao vào học kinh tế mà không tính kỹ, ra trường với trình độ nhàng nhàng, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành này bị thất nghiệp có thể sẽ nhiều nhất trong các khối ngành"

TS Phạm Mạnh Hà

Về lựa chọn ngành nghề của học sinh, cô Phượng thông tin: “Qua tìm hiểu tâm tư của trò, tôi thấy nhóm ngành kinh tế vẫn ở thế “thượng phong”. Những bạn có học lực trung bình khá, khá vẫn theo kinh tế nhiều. nhưng năm nay có chuyển biến nho nhỏ. Đó là nhóm học sinh giỏi đã có phần chuyển dịch sang kỹ thuật, công nghệ như dầu khí, công nghệ thông tin...thay vì dồn vào kinh tế như những năm trước”.

Tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thầy Đào Văn Tám - giáo viên phụ trách tuyển sinh - cho biết trong 590 học sinh dự thi ĐH, CĐ rất nhiều bạn tìm hiểu để đăng ký vào nhóm ngành kinh tế, đặc biệt là kế toán như những năm trước.

Trong khi đó, thầy Đỗ Hoàng Điệp - hiệu trưởng Trường THPT Xuân Giang, một trường ở khu vực ngoại thành Hà Nội - cho biết: “Phần đông học sinh cho rằng đăng ký khối ngành kinh tế để “tăng cơ hội trúng tuyển” vì số trường tuyển ngành kinh tế - tài chính - thương mại hiện nay khá nhiều”.

Cô Bùi Thị Minh Nga - phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hà Nội - cũng cho biết: “Phần đông học sinh dự thi khối A, D đều mong muốn vào các trường khối kinh tế. Nhiều trường, nhiều cơ hội xét tuyển, nhiều cơ hội công việc là những gì các em nghĩ về khối ngành kinh tế. “Tham khảo ý kiến học sinh thì không học sinh nào thích vào sư phạm”- cô Nga thông tin.

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nơi phòng tư vấn tâm lý - hướng nghiệp thường xuyên có người thường trực để tư vấn cho học sinh cuối cấp, cán bộ phụ trách cho biết: nhiều học sinh bày tỏ chỉ muốn thi vào khối ngành kinh tế vì “dễ xin việc, dễ chuyển đổi công việc, thu nhập ổn định”. Một số khác đăng ký ngành kinh tế vì “dễ hiểu hơn những ngành khối công nghệ - kỹ thuật và hấp dẫn hơn các ngành sư phạm, nông lâm”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về xu hướng chọn ngành năm nay của học sinh cuối cấp THPT, TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia về tâm lý hướng nghiệp - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội, nhận định: “Qua điều tra của chúng tôi, năm nay khối ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng vẫn được ưa chuộng và sẽ có tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao nhất. Khối kỹ thuật công nghệ, nhân văn có nhích hơn năm trước một chút, nhưng không đáng kể”.

Ghi nhận ban đầu cho thấy năm nay khối C vẫn bị “lép vế”. Thầy Nguyễn Minh Triết - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) - cho hay. Rất ít em chọn Khối C vì tâm lý gia đình, phụ huynh cho rằng ít có cơ hội việc làm, học sinh cũng không thích khối thi này lắm nên không chọn”.

Nỗ lực thay đổi

Đứng trước thực tế này, nhiều trường đã phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp. Bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền - phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, cho biết: “Năm nay, thầy cô đã có những định hướng cụ thể hơn như đặt tình huống năm năm nữa, liệu những ngành học sinh đang ào ào lựa chọn có cần nhiều nhân lực như dự đoán hiện nay không. Thầy cô đã phải giải thích tường tận cho học sinh hiểu rõ hơn về nhiều ngành tiềm năng mà các em không biết hoặc không quan tâm như công nghệ sinh học, môi trường, tâm lý, xã hội học, điều dưỡng... ".

Thống kê và điều tra ban đầu của trường cho thấy có đến 1/4 học sinh lớp 12 năm nay sẽ chọn đăng ký khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn tận nơi, số thí sinh giữ ý định này chỉ còn khoảng 15%.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, Hà Nội), cho hay các năm học trước học sinh đổ dồn vào các ngành “hot” như kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin, nhưng do lực học chưa đạt nên tỉ lệ đỗ ĐH của trường tương đối thấp.

Do đó, ngay từ đầu năm học 2011-2012, trường đã chủ trương định hướng, tư vấn nghề nghiệp thật tốt để tỉ lệ đi học tiếp tại các trường kể cả ĐH, CĐ, TCCN của học sinh lớp 12 được tăng tối đa. Năm học này, rà soát lực học hiện tại của khối 12 thì thấy số học sinh khá, giỏi của trường chỉ hơn 32%. Số học sinh còn lại là đối tượng cần điều chỉnh trong định hướng nghề nghiệp”- bà Hà nói.

Theo bà Hà, năm nay trường vận động 100% học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Sau đó trường mời cả chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đến tận trường tư vấn cho phụ huynh, học sinh, giúp cả phụ huynh và học sinh thấy “ĐH không phải là con đường duy nhất”. Theo bà Hà, qua thăm dò cho thấy việc lựa chọn của các em đã đa dạng hơn trước, ngoài kinh tế - tài chính đã có những em dự kiến đăng ký ngành mỹ thuật, tâm lý học, công an...

Còn thầy Đỗ Hoàng Điệp cho biết sau khi tư vấn, tỉ lệ học sinh đăng ký các ngành kinh tế và các ngành kỹ thuật công nghệ cân bằng hơn, khoảng 50/50.

1/4 vào kinh tế

Đến ngày 27-3, phòng tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM đã nhận được khoảng 120 hồ sơ ĐKDT của thí sinh tự do. Số hồ sơ ĐKDT đã nhận tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM có khoảng 1/4 vào nhóm ngành kinh tế tại các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM như: Kinh tế, Ngoại thương, Ngân hàng, Tài chính - marketing, Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), Sài Gòn, CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Tài chính hải quan...Còn lại có khoảng 10 hồ sơ ĐKDT vào ngành y dược tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân y và rải rác ở các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Đà Lạt...

(Theo Tuổi Trẻ)