Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực “học phải đi đôi với hành”

Cập nhật 06/12/2011 - 03:28:49 PM (GMT+7)
“Vấn đề ở ĐBSCL hiện nay không phải là thiếu trường CĐ, ĐH hay dạy nghề, mà là thiếu chất lượng. Làm sao để cải thiện được chất lượng, có thực tiễn là những vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng”.

Trên là ý kiến chia sẻ thẳng thắn của TS. Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Công nghiệp & Thương mại (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ nêu ra trong hội thảo về “Phát triển giáo dục ĐBSCL” vừa được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Báo Nông thôn ngày nay, các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ.

ĐBSCL không thiếu trường ĐH, CĐ, dạy nghề


Tại buổi hội thảo, TS. Võ Hùng Dũng - giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ cho rằng, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực vẫn là hai điểm yếu lớn nhất của vùng ĐBSCL. “Nếu như giao thông có thể được tăng cường đầu tư và mang lại kết quả ngay sau đầu tư thì GD phải có độ trễ mới thấy được hiệu quả của nó. Trong nhiều năm qua việc đầu tư cho ngành GD ở ĐBSCL dường như vẫn chưa tương xứng, phải chăng là lĩnh vực đào tạo đang thiếu sự quan tâm? ”- TS. Dũng nêu quan ngại.
 
Theo TS. Võ Hùng Dũng, sự phân hóa giàu nghèo và nhu cầu chi tiêu cho việc học đã và đang là mối lo của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học còn nhiều và đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy tỷ lệ HS trên 1.000 dân đang có chiều hướng giảm, từ 110,1 năm 2002 xuống còn 86,8 năm 2010. Ngoài ra, trình độ đào tạo chuyên môn từ sơ cấp, trung cấp đến ĐH ở ĐBSCL cũng nằm ở tỷ lệ thấp nhất (ĐBSCL có tỷ lệ là 2%, so với 2,7% của Trung du và miền núi phía bắc, và 6,3% của vùng ĐB sông Hồng).
 
“Nỗi buồn của khu vực là trong danh sách 15 tỉnh, thành có vị trí cao nhất về học vấn lại không có địa phương nào của ĐBSCL; ngay cả với TP Cần Thơ là TP duy nhất trong 5 TP trực thuộc Trung ương cũng không nằm trong danh sách nói trên” - TS. Dũng cho biết.

ĐBSCL không thiếu những trường ĐH, CĐ có cơ sở vật chất hiện đại.

TS. Võ Hùng Dũng cũng cho rằng, yếu kém về học vấn và đào tạo chuyên môn không phải là vấn đề mới mà đã được phát hiện từ lâu, thậm chí nó còn được xem là điểm yếu chí tử của vùng, ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế. Số sinh viên (SV) Trung học chuyên nghiệp, CĐ, ĐH ở khu vực ĐBSCL đều thấp so với các vùng khác trong cả nước. “Điều này cho thấy đào tạo ở ĐBSCL cung cấp nguồn nhân lực còn hạn chế so với vùng miền khác là thấp ở nhiều cấp độ, đặc biệt càng lên cao, tỷ lệ này càng gia tăng. Và một thực tế cho thấy, sau nhiều năm phấn đấu, nỗ lực, tỉnh nào cũng đánh giá là có tiến bộ vượt bật, nhưng kết quả qua vẫn chưa có thay đổi đáng kể” - TS. Dũng thẳng thắn.

Số tỷ lệ HS, SV tốt nghiệp trường đạo tạo nghề so với lao động chưa qua đào tạo là rất thấp (với tỷ lệ ĐBSCL là 1,76%, trong khi cả nước là 4,18%, vùng Đông Nam bộ là 5, 02%...). TS. Võ Hùng Dũng nhấn mạnh, GD-ĐT cả nước nói chung và riêng vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều việc phải giải quyết mặc dù đang có những thay đổi, song nhu cầu xã hội đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức cho lĩnh vực này, đặc biệt là đào tạo bậc cao và đào tạo nghề cho lao động phục vụ cho phát triển kinh tế.

“Vấn đề ở ĐBSCL hiện nay không phải là thiếu trường CĐ, ĐH hay dạy nghề, mà là thiếu chất lượng. Các trường ĐH, CĐ trong vùng hiện nay là khá nhiều, mỗi tỉnh có ít nhất là 1 trường ĐH, 1 trường CĐ, 1 trường trung cấp nghề, một số địa phương con số này nhiều hơn…nhưng chất lượng lại chỉ ở vào mức trung bình. Như vậy, số lượng tăng của các trường là do đâu? Làm sao để cải thiện được chất lượng, đào tạo có thực tiễn là những vấn đề cần quan tâm giải quyết nhiều hơn” - TS. Dũng nêu quan điểm.

Giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ cũng đặt câu hỏi: “ĐBSCL vẫn tiếp tục thiếu hụt lao động so với nhu cầu phát triển, đặc biệt là lao động có kỹ năng. Vậy trách nhiệm của các trường ĐH, CĐ sẽ như thế nào để đóng góp cho sự nghiệp phát triển này? Thực tế cho thấy có sự chênh lệch giữa đào tạo của trường và sử dụng lao động của doanh nghiệp (DN), trách nhiệm không chỉ nằm ở số lượng đào tạo, mà là đào tạo để làm gì? Giải quyết gì cho xã hội, cho nền kinh tế? ”

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Văn Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, các DN sẵn sàng ưu đãi cho những lao động trong nước hoặc ngoài nước thích nghi, có trình độ, có kinh nghiệm thực tiễn với việc làm. Song, điều băn khoăn lo lắng hiện nay đối với SV mới tốt nghiệp ra trường chưa thích ứng được với môi trường và việc làm của DN.

TS. Quang cho biết, nguyên nhân có thực trạng này do khung chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo ĐH hiện nay còn tính hàn lâm, chưa thay đổi, cập nhật các kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các DN; Một số nhà giáo dạy ĐH còn trẻ, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, nghiên cứu khoa học còn hạn chế chưa thu hút và truyền đạt kinh nghiệm được cho SV; bản thân SV hiện nay học còn thụ động, việc đào sâu suy nghĩ thêm rèn các kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp, các vấn đề xã hội còn rất hạn chế.

“Ngoài ra, xu thế truyền thống “cũ kỹ” của nhân dân ta hiện nay còn mang nặng khoa cử “con cháu phải là cử nhân, kỹ sư, tốt nghiệp đại học” mặc dù biết rằng sức học của con cháu có hạn. Năm nay không đậu thì học tiếp tục sang năm thi nữa nhưng nếu cứ tiếp tục nhiều lần thi ĐH mà không đậu thì vô hình chung đã làm lỡ cơ hội việc làm cho các em” - phó hiệu trưởng Trường ĐT Tây Đô nhấn mạnh.

Đào tạo nên chú trọng kỹ năng, chất lượng thực tế cho HS, SV

TS. Nguyễn Văn Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô nêu quan điểm: “SV nên chọn cao đẳng nghề; tốt nghiệp ĐH là mục tiêu phải đạt; Thạc sĩ, Tiến sĩ là mục tiêu phấn đấu. Cho nên vai trò dạy nghề gồm sơ cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH… là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay”.

Theo TS. Quang, một HS sau khi tốt nghiệp THPT nếu đậu được vào một trường ĐH liền ngay năm tốt nghiệp thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu không đậu vào ĐH thì nên đăng ký xét tuyển vào cao đẳng nghề theo ngành nghề mà mình yêu thích. Sau 3 năm học tốt nghiệp ra trường, các em tìm một công việc để làm. Khi nghề nghiệp đã ổn định, thi tuyển vào học liên thông ĐH chính qui thì các em vẫn có bằng ĐH chính qui như những SV học ĐH khác, dù phải đi theo con đường vòng.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô đánh giá, có thể nói hiện nay mô hình trên phù hợp với đa số HS đã tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc khả năng học tập hạn chế không đậu được vào ĐH nào trong năm tốt nghiệp THPT. “Có nghề nghiệp ổn định, sau khi tốt nghiệp ĐH các em còn có thể học lên Thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ khi muốn mở rộng và phát triển nghề nghiệp, mở rộng DN, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội- đây là mục tiêu phấn đấu” - TS. Quang nhấn mạnh.

Đào tạo nghề cho HS, SV cần chú trọng "học phải đi đôi với hành".

Còn ông Đào Duy Tùng- Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản trị kinh doanh (thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ) cho rằng, nền giáo dục ĐH của Việt Nam đang có sự cách biệt quá lớn giữa đào tạo và sử dụng, giữa cung và cầu về nhân lực. Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ SV ra trường không tìm được việc làm; trong khi các DN, các khu công nghiệp lại thiếu trầm trọng lao động đã qua đào tạo theo đúng nhu cầu của họ.

Có một nghịch lý ở vùng ĐBSCL, theo ông Tùng đó là: “Tây Nam Bộ là vựa lúa, thủy sản, cây ăn trái nhưng tỷ lệ SV theo học nông nghiệp, thủy sản ở bậc ĐH chỉ 10%, cao đẳng 5%. Trong khi đó, tỷ lệ SV theo học kinh tế chiếm đến 30%, kỹ thuật công nghệ chiếm 20%. Đây là một bất hợp lý trong việc phát triển nhân lực”.

Ông Tùng cũng ví von thêm, SV tốt nghiệp ĐH được xem như là “sản phẩm” của các trường ĐH đó. Muốn có “sản phẩm” tốt thì trước tiên những người tạo ra “sản phẩm” đó phải có “trình độ sản xuất” đạt chuẩn. Nhưng theo đánh giá của Vụ ĐH và sau ĐH, trong năm học vừa qua, số giảng viên trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ tăng 11,9%, nhưng tổng số giảng viên lại tăng thêm hơn 3.500 người chủ yếu chỉ có trình độ ĐH; như vậy tỷ lệ giảng viên đạt chuẩn dạy ĐH lại giảm xuống.

“Một thực tế khác cũng cho thấy, SV khi ra trường nếu chỉ vận dụng những kiến thức được dạy thì sẽ khó làm được việc, còn nếu muốn được việc thì phải biết những thứ “nằm ngoài sách vở”. Khi đó, nhiều SV lại băn khoăn mình học ngành này ra trường sẽ nên xin làm việc gì; nhiều SV yếu về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng “mềm” xin việc cũng rất khó khăn; Một số trường không đổi mới phương pháp dạy và học nên SV ra trường rất thiếu kỹ năng “mềm” vì tình trạng “học không đi đôi với hành”. Do đó dẫn đến tình trạng các DN chê “sản phẩm” của trường kém chất lượng nên phải đào tạo lại mới sử dụng được là khó tránh khỏi” - ông Tùng nêu nhận định.

Theo ông Đào Duy Tùng, SV ra trường chưa đáp ứng nhu cầu có nhiều nguyên nhân, song có nguyên nhân lớn đó là thiếu sự liên kết trên thực tế giữa “nhà trường - sinh viên và doanh nghiệp”. Ông Tùng cho rằng, để giải quyết tình hình trên, các trường cần rút ngắn thời gian đào tạo khoảng 120 tín chỉ và tăng kỹ năng nghề nghiệp thông qua việc mời những chuyên gia tại các công ty, DN tham gia giảng dạy để họ truyền đạt kỹ năng thực tế cho SV.

Bên cạnh đó, các DN, nhà tuyển dụng lao động cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho SV thực tập, làm quen với môi trường lao động nghề nghiệp. “Song, không chỉ DN hay sự nỗ lực của bản thân SV là đủ mà các thầy cô giáo chính là những người gánh trách nhiệm lớn trong quá trình đào tạo cũng phải tự cập nhất kiến thức, công nghệ, kỹ thuật mới để có cơ sở giảng dạy cho SV” - ông Tùng đề nghị.

Còn theo TS. Võ Hùng Dũng - giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ, giải quyết vấn đề đào tạo nghề, GD bậc cao… là giải quyết vấn đề của xã hội, vấn đề con người và của sự phát triển. Chính vì thế cần đặt ra trách nhiệm đối với chính quyền địa phương một cách rõ ràng hơn thông qua sự quan tâm một cách cụ thể, chứ không dừng lại là “sự chỉ đạo” hay “tăng chi ngân sách là đủ”.

(Theo Báo Dân Trí)