Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Có trường ĐH mà không có thầy

Cập nhật 24/11/2011 - 09:14:24 AM (GMT+7)
So với năm 1987, số lượng sinh viên ĐH, CĐ tăng gấp 13 lần, trong khi số giảng viên chỉ tăng gấp ba lần, chưa kể tình trạng cử nhân dạy cử nhân tràn lan.

Sáng nay, 24-11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề “nóng” của giáo dục. Trong đó, tình trạng mở trường ồ ạt mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo là một trong những vấn đề được cử tri quan tâm.

Ngành giáo dục đang phấn đấu tăng quy mô đào tạo với chỉ tiêu cả nước có 573 trường ĐH, CĐ vào năm 2020. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của các trường sẽ như thế nào khi nguồn giảng viên thiếu hụt nghiêm trọng?

Khan hiếm nguồn tuyển

Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Trà Vinh không có giảng viên trình độ tiến sĩ nhưng có hai tiến sĩ làm công tác quản lý. Trường chỉ có 27 giảng viên có trình độ thạc sĩ, còn cử nhân lên tới 184. Còn Trường ĐH Tiền Giang mới có bảy tiến sĩ và 116 thạc sĩ, trong khi giảng viên có trình độ cử nhân là 283, chiếm 58%.

Là một trong 16 cơ sở giáo dục được chọn xây dựng thành ĐH trọng điểm quốc gia nhưng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có tới 30% giảng viên trình độ cử nhân. Cá biệt khoa Tài chính doanh nghiệp trình độ cử nhân nhiều hơn thạc sĩ.

Nguồn thạc sĩ, tiến sĩ quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu nên nhiều trường thông báo tuyển cả sinh viên vừa tốt nghiệp để tạo nguồn. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, cho hay những năm trước, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi thường có nguyện vọng ở lại trường nhưng những năm gần đây, trường động viên cả sinh viên khá ở lại cũng khó khăn.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Nguồn mình ưng ý là diện cử đi nước ngoài nhưng lần nào về cũng bị hao hụt vì doanh nghiệp chào lương rất cao”.

Thừa trường, thiếu thầy

Năm 1987, cả nước có 101 trường ĐH, CĐ và đến tháng 1-2011 đã có hơn 440 trường. Riêng giai đoạn 1998-2009, số trường lên tới 312, tức cứ hai tuần lại có một trường ĐH ra đời! Hiện chỉ còn duy nhất tỉnh Đắk Nông là chưa có trường ĐH, CĐ.

So với năm 1987, số lượng sinh viên tăng từ hơn 133.000 lên hơn 1,7 triệu tức gấp 13 lần, trong khi số giảng viên chỉ tăng gấp ba lần. Hệ lụy là trong khi quy mô đào tạo tăng nhanh mà các điều kiện cơ bản để bảo đảm chất lượng lại không theo kịp.

Theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, tốc độ tăng các trường ĐH ở Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới không phải là cao. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng, mọi người đều rất bức xúc cho rằng số lượng ĐH nhiều như thế thì không thể bảo đảm chất lượng. PGS Mai Hồng Quỳ cho rằng nếu tuyển một luật sư, một công chứng viên thì sau hai năm người đó có thể học nghề nhuần nhuyễn. Còn đối với một giảng viên thì phải sau năm năm mới đủ bản lĩnh để đứng lớp. Vậy thì với số lượng ĐH tăng như thế phải cần bao nhiêu thời gian để có một đội ngũ giảng viên? Điều này chưa nói thời gian đạt được học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Bà nói: “Thật sự tôi không thể lý giải được là với từng ấy trường ĐH thì lấy giảng viên ở đâu ra. Như vậy sẽ dẫn đến trường hợp một người dạy nhiều trường, đội ngũ giảng viên không bảo đảm chất lượng”.

Cô L., giảng viên khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ, đang học cao học tại Úc cho biết: “Tôi ra trường hơn một năm thì được đứng lớp và dạy ngay bạn tôi đang học bằng ĐH thứ hai. Nhìn thấy bạn tôi, tôi bị sượng dù rằng bài giảng đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong tôi luôn có sự xâu xé. Tôi chỉ là cử nhân thì đi dạy ĐH có ổn không? Hiện giờ tôi đang học thạc sĩ, kiến thức rộng mở hơn và tôi có đủ tự tin để có thể đứng lớp trong thời gian tới”.

Cấm giảng viên “bay sô”, trường ngoài sẽ bế tắc!

Thực tế hiện nay nhiều trường ĐH ra đời nên giảng viên có thể “bay sô” nếu đã hoàn thành nhiệm vụ tại trường. TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết khá nhiều giảng viên của trường có tên trong danh sách “cán bộ cơ hữu” hoặc làm trưởng, phó bộ môn cho các trường ĐH khác. “Trường không thể nhắc nhở vì họ thuộc hợp đồng của trường nên không ràng buộc được, vả lại họ cũng làm đúng trách nhiệm tại trường. Hiện chúng tôi còn dư rất nhiều chỉ tiêu viên chức, do vào viên chức bị ràng buộc nên ít giảng viên vào”.

Theo PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: “Bây giờ mà các trường công chỉ cần ngồi lại với nhau không cho giảng viên đi dạy các trường dân lập thì các trường này lập tức khủng hoảng liền”.

“Cơm chấm cơm”

Hiện nay, trong số hơn 6.000 giảng viên các trường ĐH, CĐ chỉ có 10,16% là tiến sĩ, 37,31% là thạc sĩ. Còn tới 52,53% giảng viên chỉ mới có trình độ ĐH, gọi nôm na là tình trạng “cơm chấm cơm”!

GS-TS NGUYỄN LÂN DŨNG, ĐH Quốc gia Hà Nội

Thỉnh giảng chiếm hơn 70%

Trong số 107 giảng viên khoa Dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có đến 79 giảng viên thỉnh giảng. Trường ĐH Văn Hiến có 378 giảng viên thì thỉnh giảng đến 274. Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM có 333 giảng viên thì có 230 là thỉnh giảng. Trường ĐH Bình Dương có lượng giảng viên thỉnh giảng là 559 người, chiếm 62%. Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định cũng có hơn 70% giảng viên là thỉnh giảng.

(Theo Pháp Luật)