Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Có thể thay đổi khối thi

Cập nhật 11/11/2011 - 11:35:35 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết có thể sẽ thay đổi khối thi tuyển sinh và điều chỉnh một số vấn đề của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ ngay trong năm 2012.

Khối ngành công nghệ, kinh tế... có thể không thi môn hóa

Thưa ông, sau nhiều năm tổ chức thi “ba chung” thành công, hiện phương thức này đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế. Bộ GD-ĐT có chủ trương đổi mới như thế nào?

Trước mắt năm 2012, kỳ thi vẫn tiến hành theo hình thức “ba chung” (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả - PV) và sẽ có điều chỉnh. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cải tiến một số vấn đề. Thứ nhất, về khối thi, hiện nay có những ngành học có khối thi chưa phù hợp như khối ngành về công nghệ, kinh tế… Những ngành này có thể thi một môn khác thay thế cho môn hóa, ví dụ có thể thi bằng 3 môn toán, lý, ngoại ngữ hoặc toán, văn, ngoại ngữ. Bộ sẽ xem xét để thay đổi khối thi cho phù hợp với ngành học.

Thứ hai, đối với những ngành thi năng khiếu như: nhạc họa, nghệ thuật, những ngành văn hóa đặc thù thì được tổ chức kỳ thi riêng và không phải thi cùng đợt với kỳ thi chung ĐH. Kỳ thi này có thể được tổ chức trước khi diễn ra kỳ thi chung để tạo điều kiện cho những em thi vào trường năng khiếu không đạt sẽ có cơ hội được tham gia kỳ thi chung.

Thứ ba, đối với học sinh giỏi quốc gia, hiện nay quy chế quy định các em vẫn phải thi ĐH và phải đạt điểm sàn, không có môn nào được điểm 0 thì mới được xét tuyển. Do phải thi ĐH nên các em không mặn mà với kỳ thi học sinh giỏi nữa. Vì vậy, Bộ sẽ xem xét để phục hồi lại quy định ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhưng chỉ tuyển thẳng vào những ngành học phù hợp với môn thi đoạt giải của các em. Nếu học trái ngành thì các em vẫn phải dự thi.

Thí sinh dự thi khối A dự kiến sẽ có những điều chỉnh về khối thi trong năm 2012

Các trường trọng điểm được tuyển sinh riêng

Trước đây, Bộ GD-ĐT cũng đã có chủ trương giao cho một số trường trọng điểm được tự tổ chức tuyển sinh nhưng lại bị tạm hoãn vì chưa chuẩn bị đủ điều kiện. Vậy chủ trương đó có được thực hiện trong năm 2012?

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang trong quá trình nghiên cứu, giao một số trường thí điểm tự tuyển sinh để xem hiệu quả như thế nào. Trên kết quả đó, để phân tích, lên phương án phù hợp nhất. Bởi, trong quá khứ chúng ta đã làm như thế rồi nhưng gây bất cập như luyện thi, thi tuyển không công bằng, nhiều vấn đề đặt ra cho xã hội. Bộ đang đề nghị 2 ĐH quốc gia, các trường ĐH trọng điểm đề xuất phương án tuyển sinh của mình. Nếu đề án nào khả thi, có thể áp dụng sớm trong năm 2012, nhưng yêu cầu không được tái diễn luyện thi tràn lan, đảm bảo phương án thi công bằng. Muốn thực hiện được thì những trường đó phải có đề án trình Bộ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa có trường nào trình đề án tới Bộ GD-ĐT.

Hiện có nhiều trường muốn được tổ chức tuyển sinh riêng nhưng Bộ chỉ cho phép các trường ĐH quốc gia và ĐH trọng điểm được thực hiện. Vậy tại sao Bộ không công bố tiêu chí được tự chủ tuyển sinh để tất cả các trường cùng được tham gia?

Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cần phải có lộ trình, không thể giao đồng loạt được. Những trường có đủ năng lực tự chủ và thực hiện tốt trách nhiệm thì mới được xem xét. Việc quản lý, tổ chức tất cả những việc tuyển sinh không phải trường nào cũng làm được. Phải có lực lượng đủ mạnh, cách quản lý thật tốt. Do vậy, bước đầu sẽ giao cho những trường ĐH trọng điểm, 2 ĐH quốc gia là những trường có đủ năng lực ra đề thi ĐH.

Có ý kiến cho rằng Bộ chỉ nên tổ chức thi chung đợt, chung đề, còn để các trường được xét riêng với mức điểm sàn riêng nhằm phù hợp với yêu cầu của từng trường. Vậy Bộ có đồng ý?

Bộ GD-ĐT luôn giữ quan điểm đã thi chung thì không có điểm sàn riêng cho từng trường. Khi còn thi “ba chung” thì vẫn có điểm sàn chung vì đây là ngưỡng để xác định thí sinh đủ năng lực theo học. Hiện mức điểm sàn mỗi môn thi chỉ cần 3-4 điểm (chưa kể điểm ưu tiên) là thí sinh đỗ ĐH. Nếu lấy ở mức điểm thấp hơn thì liệu các em có đủ năng lực học hay không? Làm sao xã hội có thể tin được về chất lượng đào tạo nếu đầu vào của sinh viên quá thấp? Hơn nữa, hiện nay các trường vẫn xét tuyển riêng với mức điểm do trường tự xác định. Bộ GD-ĐT chỉ xác định điểm sàn chứ không can thiệp vào điểm chuẩn của các trường. Tuy nhiên, để thuận tiện cho công việc xét tuyển, sang năm Bộ sẽ cho phép các trường có mức điểm chuẩn cao có thể công bố ngay mà không phải đợi đến khi công bố điểm sàn.

Vậy những thay đổi này bao giờ được công bố vì có những thông tin thí sinh cần biết sớm để chuẩn bị cho kỳ thi năm sau?

Việc thay đổi trong thi cử sẽ phải công bố ít nhất trước một năm. Vì vậy, những vấn đề liên quan đến thí sinh sẽ được công bố sớm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là định hướng đổi mới, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra xem xét và quyết định khi họp hội đồng tuyển sinh.

(Theo Báo Thanh Niên)