Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Từ trò nghèo trường Ams, ngẫm lại nhiều số phận...

Cập nhật 08/11/2011 - 10:06:31 AM (GMT+7)
Mặc dù đang ở cái tuổi vừa ăn, vừa học nhưng các em vẫn phải cố gắng đi làm để kiếm tiền mưu sinh cho mình và cho chính gia đình các em.

 

Câu chuyện về cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu (trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) và bài văn cảm động "nghĩ về tiền" đong đầy yêu thương đã làm cư dân mạng không khỏi xúc động. Ở đâu đó trong xã hội này, vẫn còn quá nhiều cảnh đời cũng éo le như em Hiếu. Và các em nhỏ ấy cũng như Hiếu, đang từng ngày, từng giờ, cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống...

Học lớp 7 nuôi 7 miệng ăn

Khó có thể tưởng tượng được, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Hương, trường THCS Nguyễn Thị Định (Thuận Thành, Bắc Ninh) lại là trụ cột của cả một gia đình 7 miêng ăn.

Khi bình thường thì vô hại nhưng lúc trái gió trở trời, căn bệnh u não tái phát, bố của Hương lại nổi cơn điên với mấy mẹ con. Đã có lần, Hương đang lúi húi vừa bồng em vừa nấu cơm trong bếp, bố vác gạch ở đâu chạy vào ném lung tung, trúng vào người khiến Hương phải đi bệnh viện.

Mẹ Hương nhiều năm nay phải điều trị bệnh về gan, thận ở nhà. Dưới Hương còn bốn đứa em. Đứa nhỏ nhất vẫn còn phải bế trên tay, một em học lớp 1 và hai em học lớp 3.

Hương và các em của Hương trong căn nhà tềnh toàng của em

Hàng ngày, Hương gánh hết cả mọi công việc gia đình, lợn gà, đồng áng, chăm lo các em rồi làm vàng mã kiếm tiền thuốc thang cho bố mẹ. Có những đêm Hương và các em đốt đèn làm việc suốt đêm để kiếm tiền. Ngày nào nhiều thì chị em Hương cũng chỉ kiếm được 40 đến 50 nghìn đồng. Đáng thương nhất, bố mẹ nằm viện nhà nuôi được con lợn, con gà thì chúng cứ lăn đùng ra chết.

Hàng ngày, mỗi khi ở trường về là Hương lại tất tả về nhà chăm sóc các em, rửa mặt mũi để em đi học còn Hương lại lao vào làm hết việc này đến việc khác. Hàng xóm láng giềng thương chị em Hương nên thi thoảng cũng có người cấy giúp và gặt giúp.

Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai Hương là vậy nhưng kết quả học tập của Hương không hề giảm sút. Em vẫn ham học và kết quả học tập rất cao. Ước mơ của Hương được trở thành cô giáo

Học lớp 8 “cõng” theo bà ngoại và 3 em nhỏ

Trường hợp của em Trần Cà Bay (ở khóm Mỹ Thới, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng thật đáng thương. Mới học lớp 8 nhưng Cà Bay đã phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh để nuôi 3 em nhỏ, trong đó có một em mắc chứng tâm thần và bà ngoại 79 tuổi.

Ba mẹ Cà Bay bỏ đi lúc Cà Bay mới 10 tuổi. Cà Bay vừa nói vừa rưng rưng nước mắt “Lúc đó, cha mẹ đi mà em cứ tưởng là đi làm thuê như thường ngày nhưng rồi không thấy trở về nữa. 3 đứa em thì còn nhỏ nên không biết gì, chỉ mình em và bà ngoại biết. Hoàn cảnh gia đình em thì nghèo lắm, sống chủ yếu là làm thuê, làm mướn thôi. Cha mẹ bỏ đi rồi thì bà ngoại lại phải nai lưng ra kiếm tiền để nuôi 4 chúng em vừa ăn vừa học”.

Năm em 12 tuổi, CÀ Bay từng có ý định bỏ học nhưng bà ngoại nhất định không đồng ý. Vừa đi học, Cà Bay vừa cố gắng kiếm tiền để nuôi em, đỡ đần bà. Sức khỏe của bà ngoại ngày càng yếu nên gánh nặng gia đình càng đè nặng lên đôi vai của cậu học trò nghèo.
 
Bất cứ ai có công việc gì làm mướn em đều làm nấy, miễn kiếm được tiền mua gạo và tiền cho các em đi học. Mỗi ngày Cà bay cũng chỉ kiếm được từ 20 - 30 nghìn đồng. Mùa hè đến, có những ngày Cà Bay phải đạp xe sang tận các tỉnh Long An, Tiền Giang để đi phơi lúa mướn, phụ hồ, dành dụm tiền gửi về cho ngoại nuôi các em.

Thầy Ngô Văn Pul - Tổng phụ trách đội trường THCS thị trấn Mỹ Thọ cho biết: “Việc học thì em Cà Bay rất siêng năng, dù phải vất vả kiếm sống nhưng học lực của em luôn đạt khá. Nhìn em ngược xuôi kiếm tiền, chúng tôi thấy xót lắm. Nhưng nhà trường thì chỉ có thể tạo mọi điều kiện cho em học tập chứ không giúp được nhiều”.

Cà bay và bà ngoại của em

15 tuổi vừa đánh giày vừa nuôi mẹ bạo bệnh

Mới đây, bạn đọc lại không thể cầm nổi nước mắt trước câu chuyện của cậu bé Nguyễn Văn Thỏa, học sinh lớp 9 (thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) phải long đong mưu sinh kiếm tiền để nuôi bà mẹ bị bạo bệnh.

Hàng ngày, mỗi giờ tan trường, Thỏa lại vội vàng bắt xe khách đi 50km vào thành phố Đồng Hới để đánh giày.

Thỏa đang chăm sóc mẹ bị bệnh

Mẹ Thỏa là bà Nguyễn Thị Mãnh mắc phải căn bệnh co rút thần kinh quái ác từ nhỏ. Bệnh càng trở nặng khi bà sinh ra em. Đôi chân co quắp, teo tóp rồi cứ thế tê liệt dần. Hai năm trở lại đây, bà vĩnh viễn không thể đi đứng trên đôi chân của mình. Những ngày hiếm hoi bớt đau nhức, bà gắng gượng trở dậy làm nghề đan lát để kiếm ít tiền phụ con học hành. Nhưng khi bà đau ốm thì mọi gánh nặng lại đè lên đôi vai của cậu bé 15 tuổi này.

Số tiền nhỏ nhặt em kiếm được từ việc đánh giày là khoản thu nhập chính của gia đình. Mỗi ngày em cũng chỉ kiếm được 40 nghìn đồng từ việc đánh giầy nhưng đó lại là số tiền chi trả phí sinh hoạt chính trong gia đình em.

Hàng ngày em trở về nhà khi trời tối sẫm. Bữa cơm đạm bạc chỉ có rau của hai mẹ con em được bắt đầu từ 9 giờ đêm. Đối với Thỏa, ước mơ lớn nhất của em là “mong chi mẹ đừng ốm đau thêm nữa”.

"Em chỉ mong mẹ đừng ra đi nữa"

Dù đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng em đã phải gánh vác toàn bộ việc gia đình. Đó là trường hợp của em  Đỗ Thị Hiền, thôn Phúc Lý, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), học sinh lớp 11C8, trường THPT Tĩnh Gia 4.

Bố của Hiền đã qua đời vì bệnh ung thư, em trai của Hiền đang được gửi tại làng trẻ SOS, mẹ của em đang bị bệnh hạch ca biến chứng giai đoạn cuối.

Bố mất từ năm Hiền 13 tuổi, mẹ em vì thương nhớ bố mà bệnh càng nặng thêm. Từ đó cho đến nay hàng ngày em vừa cắp sách đến trường, vừa chăm lo cho gia đình. Mỗi buổi sáng thức dậy, em lo bữa sáng cho mẹ rồi đạp xe gần 7km để tới trường đi học. Học về em lại đi chợ lo cơm nước cho mẹ.

Hiền tâm sự: “Ngoài những việc đồng áng, em còn muốn đi làm thêm kiếm tiền mua thuốc cho mẹ lắm, nhưng ở đây không ai thuê làm gì cả”. Mỗi lần vào bệnh viện truyền hóa chất, mẹ Hiền phải mất 2 triệu viện phí. Tài sản trong nhà là con bò đã bán rồi nên Hiền phải loay hoay vay tiền chữa bệnh cho mẹ. Cứ nghĩ đến bệnh mẹ ngày càng nặng, em trai ở làng SOS mỗi năm chỉ được về nhà vào ngày giỗ bố và ngày Tết, nước mắt Hiền lại rơi.

Hiền chia sẻ “cứ mẹ em nằm viện thì không có tiền trả, mà đưa mẹ em về thì em lại sợ…”.

(Báo Giáo Dục Việt Nam)