Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

GS Đào Trọng Thi: 'Đừng nghĩ nhiều quyền là sướng'

Cập nhật 07/11/2011 - 03:12:36 PM (GMT+7)
Khẳng định chậm giao quyền tự chủ cho các đại học là sự trì trệ trong quản lý, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng các trường đừng nghĩ nhiều quyền là sướng.

- Vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học, xóa bỏ cơ chế ‘xin - cho’ nhiều lần được đề cập, nhưng tại sao đến bây giờ mới đưa vào dự Luật giáo dục đại học?

- Đấy là một sự trì trệ trong quản lý. Thực ra chúng ta đã có một số chủ trương là tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản, các Bộ chủ quản trong lĩnh vực giáo dục đại học. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là Bộ GD&ĐT muốn giữ quyền chi phối vào sự quản lý nhà nước đối với các trường đại học. Nhân luật giáo dục đại học lần này chúng tôi nhấn mạnh điều đó. Cũng phải nói đây là cuộc đấu tranh quyết liệt trong nội bộ.

Có nhiều yếu tố khiến cơ quan quản lý nhà nước dè dặt trong trao quyền tự chủ, xóa bỏ cơ chế xin cho. Khi giao quyền tự chủ là giao một hành lang pháp lý chặt chẽ để các trường được hoạt động trong hành lang pháp lý đó, không phải tự chủ muốn làm gì thì làm mà không kiểm soát được.

Thí dụ, trong tuyển sinh, các trường tính toán cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ để định ra chỉ tiêu báo cáo Bộ GD&ĐT duyệt. Có trường nếu theo năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất có khi đáng 200 chỉ tiêu nhưng cứ “xin” 500 chỉ tiêu và đã được Bộ “cho”. Vừa rồi, Quốc hội đi giám sát phát hiện nhiều trường quy mô vượt quá xa năng lực đào tạo, nhưng trường không có lỗi, bởi lỗi là của Bộ Giáo dục. Vì vậy, cơ chế "xin - cho" tạo ra lỗi nhưng không có cơ chế xử lý sai phạm.

Còn nếu cho trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, căn cứ theo quy định số sinh viên trên giảng viên, diện tích đầu sinh viên tương ứng với cơ sở vật chất... khi hậu kiểm xác định trường tuyển không đúng, thì cứ đình chỉ đào tạo tạo, xử lý sai phạm.

Ảnh: Tiến Dũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi. Ảnh: Tiến Dũng.

- Sự trì trệ trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học ảnh hưởng thế nào đến chất lượng đào tạo?

- Chính Bộ GD&ĐT quy định một sinh viên phải đảm bảo bao nhiêu m2 diện tích, bao nhiêu sinh viên thì có một giảng viên… Và trên thực tế khi xác định chỉ tiêu phải dựa vào các tiêu chí này. Nhưng khi giám sát, chúng tôi phát hiện, hầu hết trường đại học trong đó đa số đại học địa phương, trường mới thành lập tuyển vượt 150-200%. Chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… sẽ khiến đầu tư của nhà nước tính theo đầu sinh viên từ 6-8 triệu đồng tụt xuống còn 2-3 triệu đồng cho một sinh viên một năm. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

- Những năm qua Bộ GD&ĐT ồ ạt cho mở trường đại học, cao đẳng khiến năm nay nhiều trường không tuyển được sinh viên và đứng trước nguy cơ đóng cửa. Ông nghĩ sao về việc hạn chế mở trường?

- Chúng ta không đặt vấn đề hạn chế quy mô nhưng chỉ nói quy mô phù hợp với năng lực đào tạo để làm sao với quy mô đó trường đào tạo có chất lượng, không phải chạy theo quy mô và không quan tâm tới chất lượng.

Trong báo cáo giám sát Quốc hội chưa bao giờ nói là giảm quy mô, vì nhu cầu học tập của nhân dân lớn, tranh chấp nhau căng thẳng như vậy để được vào các trường đại học, vậy tại sao lại phải giảm quy mô? Nhưng đáp ứng không phải bằng mọi giá, không thể hy sinh các yêu cầu về chất lượng. Nếu chúng ta có đủ khả năng đầu tư, đủ khả năng về đội ngũ cán bộ thì sẽ mở quy mô tối đa trên cơ sở đảm bảo chất lượng, nhưng đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Tôi không tán thành ý kiến cho rằng chúng ta thừa thầy thiếu thợ mà thực tế chúng ta đang thiếu cả thầy cả thợ. Nếu nói đúng ra phải là thừa thợ kém, thầy kém, thầy kém thì nhiều hơn thợ kém.

- Vậy ông đánh giá gì về con số hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước?

- Tất nhiên không nhiều nếu so với nhu cầu học tập của người dân, nhưng trong bối cảnh khi số lượng giảng viên hạn chế, khả năng đầu tư hạn chế... thì số lượng này là nhiều. Đội ngũ giảng viên không phải một ngày tăng lên được. Nếu đào tạo phải 5 năm sau mới có và mất mười mấy hai mươi năm mới có được giảng viên giỏi. Nếu có tiền thì có thể xây được nhiều trường nhưng giảng viên thì phải có thời gian.

GS Đào Trọng Thi cho rằng giao quyền tự chủ không có nghĩa là mở đầu vào, có khi còn khép hơn. Tự chủ xác định chỉ tiêu nhưng phải theo điều kiện. Trường này nếu đội ngũ giảng viên chỉ đáng 300 chỉ tiêu, nhưng nhận hàng nghìn chỉ tiêu... là vi phạm.

Chúng ta muốn cho thế thệ trẻ, tương lai của đất nước, được đào tạo tốt nhưng không căn cứ vào năng lực cứ mở rộng quy mô mà đào tạo ra thì đó chẳng phải là đại học bởi có bằng đại học nhưng không thực chất. Những kỹ sư, cử nhân với trình độ năng lực như vậy liệu có tốt cho phát triển kinh tế xã hội hay kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội? Nhà quản lý cần có năng lực trình độ nhưng lại có bằng dởm liệu có lợi hay có hại cho công tác quản lý?

Hiện nay, chúng ta thấy rằng xã hội đã có dấu hiệu hình thành cơ chế sàng lọc tự nhiên. Vừa rồi người học quay lưng với trường. Bao nhiêu người rất thích vào đại học nhưng không theo học và nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Rõ ràng tranh chấp để vào đại học nhưng lại nhất định không vào học trường chất lượng kém. Đây là dấu hiệu tốt, nếu trường nào không chịu thay đổi chiến lược phát triển, cứ chạy theo số lượng mà không quan tâm chất lượng thì sẽ bị đào thải tự nhiên, bị người học quay lưng lại. Chúng ta cứ mang giải pháp hành chính ra cấm chưa chắc đã hiệu quả.

- Theo ông bao giờ chúng ta tính tới mở đầu vào thắt chặt đầu ra trong tuyến sinh đại học, cao đẳng như nhiều nước đang thực hiện?

- Chúng ta cũng tiến tới điều này nhưng cần có lộ trình. Nếu giờ làm như một số nước, mở toang đại học, sàng lọc trong quá trình, thì đây là quy trình tốt nhưng mang lại sự tốn kém cho xã hội và người dân. Người dân chưa quen với việc tự chịu trách nhiệm tương lai của mình như thế. Cứ cho người học vào sau một năm loại dần đi, người dân thiệt hại tốn kém.

Trước đây chúng ta cũng học hai giai đoạn, sàng lọc qua giai đoạn đại cương, rồi mới vào học chuyên ngành. Sau khi học 2 năm sàng lọc một loạt sinh viên ra khỏi trường, các em không biết đi về đâu và xã hội cũng không chấp nhận điều này.

Người dân cần quen với tự chịu trách nhiệm với mình, từ đó tự cân nhắc. Ở một số nước, khi học sinh tốt nghiệp phổ thông, sau khi kiểm tra đánh giá năng lực, các em được nhận kết quả và được tư vấn chỉ thế nên học đến đấy thôi, còn quyền quyết định học hay không là do bản thân em ấy lựa chọn và tự chịu trách nhiệm. Điều đó có nghĩa, nhà nước tư vấn thông tin, cung cấp để học sinh tham khảo, tự chịu trách nhiệm chứ không phải như ở nước ta hiện nay.

- Kinh nghiệm tự chủ tự chịu trách nhiệm khi ông còn làm ở ĐH Quốc gia Hà Nội là gì?

- Trước đây khi còn là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nhiều người nói trường có nhiều quyền tự chủ thế, nhưng tôi phải nói luôn là nên sợ quyền tự chủ đó vì mình phải chịu trách nhiệm và sẽ không ai chịu thay. Đừng nghĩ nhiều quyền là sướng, có nhiều quyền là khổ vì có trách nhiệm lớn. Hiểu như vậy mới xứng đáng được giao quyền tự chủ. Và vì thế mới nói giao quyền tự chủ tương xứng năng lực quản lý, năng lực tự chịu trách nhiệm. Nhiều người cứ tưởng cứ giao quyền tự chủ xong là cứ tác oai tác quái gì cũng được.

Khi tự chủ, nếu làm sai có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn trước kia làm sai thì do đã xin phép bộ nên không bị gì, còn giờ làm sai thì đứng trước pháp luật thôi. Người quản lý nên sợ quyền tự chủ bởi sẽ có nhiều khó khăn. Nếu cho tự chủ, không biết đội ngũ quản lý nhà trường dính vào vòng pháp luật đến mức nào, và không phải chỉ có một ông hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn như hiện nay.

(Theo Dân Trí)