Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Trường đại học 'khát' giảng viên

Cập nhật 05/11/2011 - 02:48:18 PM (GMT+7)
Số lượng trường và sinh viên tăng không ngừng nhưng đội ngũ giảng viên lại thiếu trầm trọng. Thực trạng cử nhân dạy cử nhân sẽ khiến ngành giáo dục còn tiếp tục xuống cấp.

Hiện nay chỉ có một số trường đại học công lập thuộc top trên là có nguồn giảng viên chính thức đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy. Còn các trường dân lập, nguồn giảng viên chủ yếu là thỉnh giảng từ các trường công lập "chạy sô" qua.

Chia sẻ vấn đề này, PGS - TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM cho rằng, một trong những điểm yếu kém nhất của nền giáo dục hiện nay là đang bị khủng khoảng về số lượng và chất lượng thầy giáo.

"Chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ thầy giáo, đặc biệt là thầy giáo giỏi. Nhiều năm qua chúng ta đã chú trọng giáo dục, nhưng lại quên đi vai trò quyết định của người thầy. Trường đại học đua nhau mở một cách ồ ạt, sinh viên tăng quá nhiều, trong khi giảng viên lại rất thiếu. Mà không thầy thì đố mày làm nên, vấn đề này là muôn thuở", ông Sen nói.

Là một trong những trường ĐH tư thục có thâm niên, nhưng đến thời điểm này ĐH Văn Lang mới đầu tư phát triển được gần 50% giảng viên chính thức (429/955 giảng viên), còn lại là mời giáo viên từ các trường khác trong thành phố hoặc doanh nghiệp.

Tương tự, tại ĐH Hùng Vương, lượng giảng viên chính thức của trường gần 400 (chiếm hơn 50% đội ngũ giảng viên toàn trường), còn lại là giáo viên thỉnh giảng trả lương theo giờ. Trong đó các ngành kinh tế có lượng giảng viên nhiều nhất do số lượng sinh viên đông hơn. Đại diện nhà trường cho biết, trường đang phải sử dụng một lượng lớn giảng viên là những người đã về hưu để làm công tác giảng dạy.

Thậm chí, để kêu gọi nguồn giảng viên vào trường, cao đẳng Tài chính Hải quan còn đưa ra chính sách ưu đãi như thưởng bằng tiền mặt cho những thạc sĩ, tiến sĩ nếu trúng tuyển. Trên website của trường này đăng tin tuyển dụng tới 32 giảng viên cho nhiều chuyên ngành với yêu cầu từ tốt nghiệp đại học chính quy, cho đến thạc sĩ, tiến sĩ.

Không chỉ thiếu ở số lượng, đội ngũ giảng viên giỏi có trình độ tiến sĩ tại các trường cũng thuộc dạng hiếm, chủ yếu là thạc sĩ và cử nhân. Hiện nay, trong cả nước, giảng viên trường đại học có trình độ tiến sĩ chỉ khoảng 15-16%. Chiến lược phát triển của Bộ GD&ĐT đặt ra tới năm 2020 phải tăng lên 25% trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, theo đại diện của các trường thì con số này rất khó đạt được. "Tôi thấy con số giờ đã ghê gớm lắm rồi, nâng lên cũng không nổi. Giả sử có đạt được 25% giảng viên là tiến sĩ, vậy 75% cán bộ giảng viên còn lại sẽ là gì? Thạc sĩ với cử nhân đi dạy cho cử nhân sao?", PGS - TS Võ Văn Sen đặt vấn đề.

Theo đánh giá của PGS Sen thì tình trạng cử nhân dạy cử nhân mà ông gọi là "cơm chấm cơm" vẫn còn rất phổ biến ở các trường. Vấn đề này chỉ mới chấm dứt được ở một vài đại học lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM. Việt Nam phải giải quyết vấn đề này một cách dứt điểm bằng nhiều giải pháp đột phá, táo bạo và quyết tâm. Nếu không giáo dục còn tiếp tục xuống cấp chứ không chỉ dừng lại như hiện nay.

Tại ĐH dân lập Văn Lang, trong tổng số 955 giảng viên của trường thì có đến 516 người là trình độ cử nhân làm công tác giảng dạy và trợ giảng. Con số này ở ĐH Hùng Vương cũng chiếm hơn 100 người, chủ yếu đảm trách việc giảng dạy ở hệ cao đẳng và thực hành. Trong danh sách cán bộ giảng viên của hầu hết các trường công bố trên website, kể cả công lập và dân lập đều đang phải sử dụng đội ngũ này.

Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu Trưởng ĐH Luật TP HCM Mai Hồng Quỳ cho rằng lực lượng tiến sĩ là then chốt đối với các trường đại học. Tuy nhiên để xây dựng được đội ngũ này thì không phải dễ mà cần có thời gian ít nhất 5 năm. Và các trường cũng phải xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài.

"Mặc dù không sử dụng cử nhân làm giảng viên chính, nhưng nếu cần hỗ trợ cho đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ đang đi học thì cũng cần đến họ. Chúng tôi tuyển cử nhân có bằng khá và giỏi vào đội ngũ giảng viên là để từng bước đào tạo lên thạc sĩ và tiến sĩ", bà Quỳ nói.

Theo các chuyên gia, để phát triển giáo dục đại học hay giáo dục nói chung, Bộ và bản thân các trường phải có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên giỏi.

Ngoài đội ngũ tiến sĩ do Bộ Giáo dục gửi đi đào tạo nước ngoài theo đề án Chính phủ, hiện các trường đại học đều có chiến lược gửi giảng viên đi học dưới dạng hợp tác đào tạo. Tuy nhiên, mối lo mà hầu hết trường gặp phải là điều kiện của mình chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân những người có trình độ cao ở nước ngoài về.

"Mặc dù chúng tôi có cam kết những người được đào tạo ở nước ngoài về phải làm việc cho trường trong thời gian nhất định. Nhưng vẫn có người vì nhiều lý do không tiếp tục làm việc được trong khi chưa có chế tài ràng buộc nên phía trường cũng gặp khó khăn", Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP HCM Huỳnh Thanh Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện 18% cán bộ giảng viên của trường Trường Nông Lâm có trình độ tiến sĩ. Nhà trường chỉ có thể đạt được mục tiêu mà Bộ Giáo dục đề ra đến năm 2020 với điều kiện giảng viên cũ không nghỉ hưu và giảng viên mới không nghỉ việc. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết trường đại học trên cả nước.