Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Những “vật cản” ngăn bước em tới trường

Cập nhật 27/10/2011 - 05:12:26 PM (GMT+7)
“Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền” - đó là cách suy nghĩ vẫn còn tồn tại ở một số cha mẹ trong thời đại “kỹ thuật số” này.

 

Đối với họ, lợi ích kinh tế trước mắt quan trọng hơn rất nhiều việc đầu tư cho con học hành. Điều tất yếu xảy ra là trong số những thanh niên Việt Nam không được đi học trung học, có tới gần một nửa bị đói nghèo ngăn bước đến trường.

Đói chữ chẳng bằng đói cơm

Tuy Chính phủ và toàn dân đã dành rất nhiều nỗ lực cho ngành giáo dục, tình trạng trẻ em bỏ học vẫn xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Liên hiệp thanh niên và UNICEF vừa tiến hành nghiên cứu “Nguyên nhân bỏ học của trẻ em Việt Nam”. Qua điều tra về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (SAVY), có tới 24% thanh niên được điều tra đã bỏ học khi chưa đến 15 tuổi, tỉ lệ bỏ học từ lớp 1-5 là 12%, lớp 6-8 là 21%. Theo SAVY, chỉ có 46,3% thanh niên Việt Nam được đi học trung học.

Đói nghèo là nhân tố được nhắc đến nhiều nhất gây ra tình trạng bỏ học ở trẻ em lứa tuổi 11-18. Do khó khăn về kinh tế, cha mẹ không đủ điều kiện chi trả học phí và các khoản chi phí liên quan đến học tập. Chi phí học tập: Sách vở, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục, xây dựng trường... tốn gấp 2,5 lần tiền đóng học phí.

 

Ở các gia đình nghèo, trẻ thường phải làm việc để đóng góp thu nhập cho gia đình, đặc biệt vào các thời kỳ mùa vụ, hoặc giúp đỡ công việc nhà. Tại Mường Tè (Lai Châu), khi cha mẹ phải lựa chọn về chi phí cơ hội giữa việc cho con đi học và để con làm việc ở nhà, những gia đình nghèo chọn cách cho con bỏ học, để tiết kiệm được chi phí ăn uống trẻ phải mang đến trường, đồng thời có thêm nhân lực phụ giúp lao động cho gia đình.

“Khi đến mùa thu hoạch, không học sinh nào đến lớp cả. Nhất là khi nào  hoa quả rừng bán được giá, tất cả học trò của tôi đều di bán hàng hết”, anh Đinh Văn Chuyên, giáo viên Trung học ở xã Ia Mơ Nông, tỉnh Gia Lai cho biết.

Kinh tế của các gia đình nghèo không thể kham nổi những chi phí cho cuộc sống hàng ngày, nói gì đến chi trả cho việc học tập của con cái, vì thế cho con bỏ học là biên pháp tiết kiệm chi tiêu cho gia đình, cắt giảm chi phí cơ hội của việc đến trường. Và con gái thường là đối tượng phải chịu thiệt thòi trong lựa chọn ai phải bỏ học hơn con trai.

Nhận thức chưa đầy đủ của cha mẹ về giá trị của giáo dục cũng được xem như là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ bỏ học của trẻ em. Một thành phần xã hội hiện nay coi giá trị đến từ giáo dục không bằng giá trị của làm ăn kinh tế “văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”. Đồng thời, thực tế nhiều người tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm càng làm cha mẹ và học sinh suy giảm niềm tin vào giáo dục. Họ luôn phân vân giữa việc tiếp tục đầu từ cho con học hay bỏ học sớm để tìm việc làm. Cha mẹ chỉ cần cho con học nhận biết mặt chữ rồi sau đó bắt các em ở nhà phụ giúp lao động.

 Nhàm chán các tiết học

Sẽ là thiếu sót nếu không nói tới một nguyên nhân khác đó là từ phía nhà trường. Chương trình giáo dục không thiết thực, nặng tính hàn lâm, ít phù hợp với sư phát triển tâm lý của trẻ, ít các hoạt động ngoại khóa... khiến trẻ muốn bỏ học.

Chất lượng dạy học và cách giảng dạy của giáo viên tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn và sáng tạo cũng là một trong những nguyên nhân không giữ được học sinh gắn bó với trường.

Em Nguyễn Hiếu (lớp 9, trường PTCS Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho hay: “Theo em, học sinh bỏ học bởi chương trình học ở trường nhàm chán quá. Ví dụ như môn lịch sử. Có quá nhiều nội dung và mốc thời gian phải nhớ, cá thầy cô toàn liệt kê thôi”.

Chính nhà văn Nguyên Ngọc từng thốt lên: “Tôi thấy chương trình hiện nay với trẻ nhỏ thì cứng nhắc, với lớp lớn hơn thì vừa khô khan vừa vô bổ. Tôi nói đùa với bạn bè: Nếu bây giờ tôi còn đi học thì tôi cũng bỏ học!”.

Tình trạng bạo lực xảy ra với học sinh cũng phần nào ảnh hưởng tới việc bỏ học của học sinh. Có tới 22% học sinh trong cuộc điều tra cho biết ở trường học đôi khi giáo viên phạt học sinh bằng các hình thức như tát, đánh, chửi mắng, doạ nạt.

Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào được thực hiện để so sánh tỉ lệ bỏ học ở các trường có tồn tại bạo lực học đường và trường học thân thiện với học sinh. Là nạn nhân của bạo lực tình dục, các em dễ rơi vào trạng thái mất tự tin, trầm cảm, cáu giận, tự vẫn, mang thai ngoài ý muốn, nhiễm HIV và thường trực nỗi sợ hãi tiếp tục trở thành nạn nhân.

Thay đổi nhận thức của phụ huynh về giá trị lâu dài của giáo dục là quan trọng

Theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, “để giảm thiểu số học sinh bỏ học, ngoài việc miễn giảm học phí, giảm thiểu cơ chế chi trả trong giáo dục cho những gia đình nghèo, chính sách, ngành chức năng cần vận động sự tham gia của các tổ chức tại cộng đồng gồm các hội đoàn phụ nữ, thanh niên, dòng họ... trong việc vận động và khuyến khích các gia đình nghèo hoặc gia đình làm nghề cho con đi học, đi học lại khi đã bỏ học, thay đổi nhận thức của phụ huynh về giá trị lâu dài của giáo dục so với giá trị kinh tế trước mắt.

Ngoài ra, các trường học cần áp dụng chương trình và tài liệu giảng dạy phù hợp, áp dụng trực quan hoá trong giảng dạy, tạo môi trường học tập an toàn và thân thiện”.

 

 

 

 

 

 

 

(Theo Giáo dục Online)