Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Lương thấp bào mòn đạo đức công vụ quốc gia

Cập nhật 17/10/2011 - 09:29:26 AM (GMT+7)
TP - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, lương công chức thấp đang bào mòn đạo đức nền công vụ quốc gia.

Trao đổi với PV Tiền Phong về cải cách tiền lương, ông Thang Văn Phúc cho rằng, không phải chúng ta thiếu tiền để trả lương cao cho cán bộ công chức mà mấu chốt là cơ cấu lại bộ máy, trả lương theo vị trí công việc, đúng với giá trị lao động của người công chức.

Khảo sát của Bộ Nội vụ cho thấy, tiền lương hiện nay không đủ để người cán bộ công chức tái tạo sức lao động, ông suy nghĩ gì trước thực tế này?

Thời gian qua, nhà nước mới điều chỉnh lương tối thiểu, nhưng không đủ bù đắp tiền lương thực tế, chỉ bằng 80%. Cuộc khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy, thu nhập từ tiền lương chỉ đảm bảo 30- 40% nhu cầu của cán bộ công chức. Rõ ràng, mục tiêu đưa tiền lương là nguồn thu nhập chính, động lực chính, đảm bảo người cán bộ công chức nuôi được gia đình và có tích lũy, đã không đạt được.

Thực tế này sẽ dẫn đến những hệ lụy gì, thưa ông?

Khi tiền lương không phản ánh đúng giá trị sức lao động, thì tất yếu người công chức thiếu động lực để tận tâm, tận tụy với công việc. Yêu cầu cải cách hành chính (CCHC) đặt ra hiện nay là chuyển sang nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển. Nhưng tiền lương thấp nên chất lượng công vụ không thể bảo đảm.

Người công chức phải tuân thủ nguyên tắc trong nhà nước pháp quyền, chỉ được làm những điều pháp luật quy định. Nhưng thời gian qua vẫn sinh ra nhiều cản trở, phiền hà, nhũng nhiễu, làm cho uy tín của nền công vụ trong nhân dân bị giảm sút. Đây là điều đáng lo ngại vì liên quan tới lòng tin của người dân đối với bộ máy nhà nước, nền công vụ quốc gia. Không đủ sống từ lương nên công chức phải “chân trong, chân ngoài”.

Nguy hại hơn là một bộ phận công chức lợi dụng vị trí, quan hệ công tác để làm việc bên ngoài, thu lợi cá nhân. Tại sao lương như vậy mà một bộ phận công chức vẫn có xe hơi, nhà lầu, con đi học nước ngoài? Họ lấy tiền ở đâu? Rõ ràng có tình trạng bất chấp quy định để làm giàu cá nhân. Điều này khiến chính sách bị méo mó, đạo đức công vụ bị suy giảm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bị ảnh hưởng.

Ưu tiên công chức hành chính

Thực tế chúng ta đã nhiều lần điều chỉnh lương tối thiểu và vừa đề xuất lên mức 1,05 triệu đồng từ năm 2012?

Việc tăng lương tối thiểu là vẫn trong lộ trình cũ. Tìm cách bù đắp thiếu hụt cho cán bộ công chức không thì rất khó khăn. Lương tối thiểu là để nhà nước bảo vệ những người lao động đơn giản nhất đủ sống. Còn lương công chức mà lại ứng xử như người lao động bình thường thì rất bất hợp lý. Một quyết định, xử lý của công chức ảnh hưởng lớn tới xã hội chứ không phải như lao động bình thường.

 

"Tại sao lương như vậy mà một bộ phận công chức vẫn có xe hơi, nhà lầu, con đi học nước ngoài? Họ lấy tiền ở đâu? Rõ ràng có tình trạng bất chấp quy định để làm giàu cá nhân. Điều này khiến chính sách bị méo mó, đạo đức công vụ bị suy giảm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bị ảnh hưởng." - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

 

Muốn bứt phá phải xem lại quan điểm về tiền lương, có đúng trả lương cho công chức là đầu tư cho phát triển không? Quan điểm mới là lương công chức phải là lương trung bình xã hội chứ không phải tiền lương tối thiểu.

Đây là vấn đề mang tính cách mạng bởi liên quan đến lợi ích quốc gia, nếu chúng ta tiếp tục chậm sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm, nảy sinh tiêu cực. Dẫu ngân sách có hạn hẹp, song vấn đề ở đây là cách sử dụng có hiệu quả, đúng nơi, đúng chỗ.

Ông đã đưa ra 6 giải pháp để tăng lương cho cán bộ công chức, trong đó có yêu cầu xác định lại “công chức hành chính”, ông có thể nói rõ hơn yêu cầu này?

Khi chuẩn bị Nghị quyết T.Ư 5, khóa X về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này. Đó là cần phân loại rõ ai là cán bộ, công chức. Trong đó, công chức hành chính là những người hoạt động trong nền công vụ, trong các cơ quan thực thi công quyền. Còn các loại khác như: cán bộ chính trị, quốc phòng an ninh, đoàn thể… phải tách ra để từng bộ phận có cơ chế, chính sách phù hợp.

Ví như, trong điều kiện chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế thì nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng đất nước là nhiệm vụ trọng tâm, cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, lực lượng vũ trang được phụ cấp 1,8 còn công chức nhà nước chỉ có 1. Chính sách còn chưa thật công bằng.

Ngoài ra, đang có tới 12 loại phụ cấp khác nhau, nhưng đều chưa thỏa đáng. Từ cấp huyện trở lên, nếu tính riêng công chức hành chính nhà nước trực tiếp phục vụ dân chỉ là 250 nghìn người. Trong khi, tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là 2,5 triệu người.

Vậy theo ông cần ưu tiên loại công chức nào?

Công chức hành chính phải được ưu tiên số một. Họ chính là người thực thi công vụ, xây dựng và chuyển chính sách, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống; thanh tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động này trong thực tế để đảm bảo đúng chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hiện nay chỉ có một số ngành nghề công chức hành chính được phụ cấp như kiểm sát, thanh tra, kiểm toán… còn lại là không có.

“Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”

Muốn cải thiện tiền lương thì phải tinh gọn bộ máy, cán bộ nhưng mục tiêu này không đạt được trong những năm qua, thưa ông?

Đúng vậy. Bây giờ cần một thái độ quyết liệt trong cơ cấu lại bộ máy từ trung ương tới chính quyền các cấp theo hướng gọn nhẹ, đa ngành, đa lĩnh vực. Nhà nước phải làm đúng việc của mình, là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải đi điều hành cụ thể một sự vụ, mà có người nói là làm “tạp vụ” quá nhiều.

Nhà nước kiểm soát việc thực thi chứ không phải “cầm tay chỉ việc”, không phải cứ trống chỗ nào là đẻ ra tổ chức quản lý chỗ đó. Bài học của Khoán 10 trong nông nghiệp cho thấy, có thêm bộ máy, chính sách hỗ trợ đâu mà từ thiếu gạo chỉ hai ba năm sau chúng ta đủ ăn, xuất khẩu gạo. Một quyết định đúng tự nó đã có sức mạnh vào cuộc sống.

Muốn tinh gọn bộ máy phải xem lại chức năng của nhà nước, các cơ quan nhà nước. Đó chính là tư tưởng “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. Trước hết, phải xác định lại cơ cấu công chức hiện nay. Nhân dân không trả tiền nuôi một bộ máy không thật sự đem lại hiệu quả. Chúng ta sẵn sàng trả nhiều tiền để bộ máy đó đem lại hiệu quả phát triển, làm cho nền công vụ tốt lên.

Vậy trong điều kiện hiện nay, cơ chế trả lương theo vị trí công việc có thực hiện được?

Đây chính là lõi của Luật Cán bộ công chức, chuyển từ làm việc theo chức danh công chức sang công chức thực thi công vụ ở từng vị trí và trả lương theo vị trí. Muốn vậy, phải cơ cấu lại đội ngũ công chức. Trong một tổ chức, cấp nào cần chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính… chứ không phải ở dưới huyện cũng có chuyên viên cao cấp. Khi rõ cơ cấu thì từng vị trí có yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh.

Xóa “xin-cho” chỉ tiêu công chức

Thực tế việc không rõ nhu cầu chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính hiện nay cũng dẫn đến cơ chế xin - cho chỉ tiêu và tiêu cực trong thi cử?

Đây là một thực tế! Vì chúng ta thiếu cơ sở để quyết định, cơ quan này cần bao nhiêu chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính. Còn hiện nay chỉ tiêu theo phong trào, cứ thi là được. Đáng ra cơ quan đó chỉ cần 1 chuyên viên cao cấp thì lại bố trí 3-4. Vị trí chỉ cần chuyên viên thường thì lại bố trí chuyên viên cao cấp. Việc này cơ quan tổ chức cán bộ cần làm, xác định chuẩn từng vị trí.

Tiến tới, không phải thi công chức như nhau mà là thi công chức theo từng vị trí công vụ. Các nền công vụ đều thi vào vị trí, cụ thể thi làm chuyên viên của một bộ, ngành nào đang trống. Chứ không thể thi ào ào theo đợt, đầu vào đại trà.

Nhưng hiện nay Bộ Nội vụ có thể quyết định chỉ tiêu chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính cho một tổ chức, đơn vị?

Đấy chính là cái dở. Đáng ra phải cùng làm với các ngành khác, xác định thành cơ cấu chuẩn, rồi tổ chức thi tuyển theo vị trí. Có thi tuyển cạnh tranh mới chọn người tài vào từng vị trí. Cái này chúng ta đưa ra từ năm 2001 nhưng triển khai không đáp ứng được yêu cầu, rất chậm.

Vậy theo ông nên bắt đầu thi tuyển theo vị trí công việc từ đâu?

Các bộ, ngành có thể làm được. CCHC phải làm từ trên xuống, chứ không thể làm từ dưới lên. Từ luật phải có các nghị định, đặt ra yêu cầu đánh giá lại cơ cấu công chức, hình thành một cơ cấu hợp lý được phê duyệt. Những người lãnh đạo sau này cứ theo thế mà làm, muốn thay đổi cơ cấu là phải có giải trình. Người lãnh đạo có thể ra đi nhưng toàn bộ nền hành chính vẫn vận hành.

Ở các nước rất rõ ràng, nền hành chính mặc dù phụ thuộc chính trị nhưng nó độc lập tương đối với chính trị ở tính liên tục và ổn định của nó. Chúng ta nhiều khi hơi tùy tiện trong vấn đề này do nhận thức không đúng về bản chất của tổ chức hành chính.

Cảm ơn ông.

(Theo Tiền Phong)