Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Nghịch lý ngành cơ khí - Trải thảm vẫn thiếu người

Cập nhật 10/10/2011 - 09:16:57 AM (GMT+7)
Trong nhiều kỳ thi ĐH - CĐ gần đây có sự đối lập rất lớn giữa hai nhóm ngành kinh tế và cơ khí kỹ thuật. Nếu thí sinh bị “hút” rất nhiều vào những ngành kinh tế bất chấp hệ số chọi và điểm chuẩn cao chót vót thì ở khối ngành kỹ thuật, điểm tuyển hằng năm chỉ ngang mức điểm sàn, song đỏ mắt vẫn không tìm ra người học. Phải chăng ngành cơ khí kỹ thuật đã hết thời?
  • Hạ chuẩn vẫn thiếu

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từ năm 2007 trở về trước, hàng loạt các ngành cơ khí như điện công nghiệp, công nghệ tự động, cơ khí ôtô, chế tạo máy, kỹ thuật nhiệt, điện lạnh, điện tử viễn thông… có điểm chuẩn NV1 từ 18 trở lên, nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, con số này chỉ quẩn quanh ở mức 15-16 điểm. Đó là chưa kể việc các ngành phải liên tục lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh bằng nguồn xét tuyển NV2 với mức điểm tuyển bằng NV1.

 
Năm nay, trường tuyển đến 700 chỉ tiêu NV2, tập trung nhiều ở nhóm ngành cơ khí. Cá biệt ở hai ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Sư phạm kỹ thuật nhiệt, năm nay nhà trường dành đến 70 chỉ tiêu xét tuyển NV2 trên tổng số 80 chỉ tiêu tuyển sinh cả năm học, chiếm tỷ lệ 87,5%.

Tương tự, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM năm nay xét tuyển NV2 ở hầu hết tất cả các ngành, đặc biệt ở khối ngành cơ khí kỹ thuật. Nếu như năm 2008, ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt có 303 hồ sơ đăng ký dự thi thì năm nay chỉ còn 73 hồ sơ. Các ngành còn lại cũng không khá hơn: Cơ khí nông lâm giảm từ 303 hồ sơ năm 2008 xuống còn 129, Công nghệ Kỹ thuật cơ điện tử trượt thê thảm từ 775 xuống còn 271 hồ sơ… Trước tình cảnh các ngành đã hạ điểm chuẩn NV1 xuống còn 13 điểm - ngang mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT - nhưng vẫn “bói” không ra sinh viên, NV2 trở thành nguồn cung quan trọng.

Rõ nét nhất là ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, mặc dù cùng tuyển khối A nhưng trong khi các ngành kinh tế tăng điểm chuẩn NV1 từ 1,5 – 2,5 điểm so với năm 2010 thì hàng loạt các ngành cơ khí kỹ thuật phải hạ điểm chuẩn NV1 mà vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm nay, số lượng chỉ tiêu xét tuyển NV2 của nhiều ngành tăng như Công nghệ nhiệt lạnh 150 chỉ tiêu, Công nghệ Kỹ thuật điện tử 70 chỉ tiêu. Những trường có tiếng trong đào tạo nhóm ngành kỹ thuật còn lại như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kỹ thuật Công nghệ cũng không tránh khỏi tình trạng này.        

  • Đặt hàng vẫn “khát”

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, danh sách những ngành nghề đang “khát” nhân lực hiện nay có hàng loạt các ngành cơ khí – kỹ thuật như điện tử viễn thông, luyện kim, ô tô, chế tạo máy… Song, đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung thấp nhất (chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động). Trong khi đó, nguồn cung lao động dồi dào nhất với 35,7% rơi vào khối ngành kinh tế, tài chính, dù nhu cầu tuyển mới của những ngành này không nhiều. Hiện các khu KCX-KCN trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kỹ sư lành nghề ngành động lực, chế tạo máy, tiện, phay… dù các đơn vị này rao tuyển khá nhiều.

Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp, công ty thường xuyên về trường mở ngày hội việc làm, trao học bổng cho sinh viên chuyên ngành cơ khí. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận được nhiều lời mời hợp đồng xuất khẩu lao động cơ khí ra nước ngoài với số lượng hàng trăm sinh viên. Tuy nhiên, lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không đủ cung cấp cho các đơn vị. Mỗi năm, trường có khoảng 2.500 sinh viên tốt nghiệp nhưng phần đông sinh viên đều đã được “đặt hàng” từ năm thứ ba. Tương tự, ở Khoa Cơ khí công nghệ ĐH Nông lâm TPHCM, có đơn vị đề nghị ký biên bản ghi nhớ với nhà trường trong vòng 3 năm, trong đó nêu rõ điều khoản nhận toàn bộ sinh viên thực tập và tốt nghiệp ra trường sau từng năm. Song tính đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn chưa tuyển được sinh viên nào!

“Để có lao động đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, ngoài việc liên hệ thường xuyên với các trung tâm giới thiệu việc làm, chúng tôi phải tận dụng cả nguồn sinh viên đang thực tập, tranh thủ liên hệ thêm các trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP bởi kỹ sư tốt nghiệp đại học chuyên ngành này hiện nay ít quá, không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vẹn Bình, Giám đốc Công ty Vima (quận 7) than thở. Mặc dù hiện nay, mức lương cho một sinh viên cơ khí mới tốt nghiệp ra trường dao động ở mức 4-5 triệu đồng/tháng, cộng thêm nhiều phụ cấp ưu đãi, cơ hội nâng cao tay nghề nhưng khối ngành này vẫn khó thu hút sinh viên.

ThS. Võ Tuyển, Trưởng khoa Cơ khí ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết: “Ngay từ trong quá trình thực tập, nếu làm tốt, các em đã được trả công 70.000-80.000 đồng/buổi đứng máy. Huống gì sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, lương tháng 5-6 triệu đồng là bình thường”. Quả thật, dù được các doanh nghiệp “trải thảm” với mức thu nhập tương đối khá nhưng ngành cơ khí vẫn không được nhiều sinh viên lựa chọn.

 

Thời điểm những năm 90, Việt Nam bắt đầu rộng cửa thương mại hóa, nhu cầu nhập khẩu và đổi mới công nghệ đặc biệt được chú trọng. Song, cũng vì vội vã chạy theo công nghệ trong khi chưa có sự chuẩn bị hợp lý về mặt nguồn lực khiến việc đầu tư thiếu tính định hướng lâu dài. 

 

Thời điểm những năm 90, Việt Nam bắt đầu rộng cửa thương mại hóa, nhu cầu nhập khẩu và đổi mới công nghệ đặc biệt được chú trọng. Song, cũng vì vội vã chạy theo công nghệ trong khi chưa có sự chuẩn bị hợp lý về mặt nguồn lực khiến việc đầu tư thiếu tính định hướng lâu dài.

TS Nguyễn Như Nam, nguyên Trưởng khoa Cơ khí công nghệ ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, nhận định: “Nhập khẩu công nghệ cao là chuyện nên làm nhưng như thế là xây nhà từ nóc. Đất nước muốn phát triển phải dựa trên hai yếu tố chất xám và công nghệ. Nhập dàn máy tiền tỷ về nhưng không hiểu nguyên lý chế tạo thì kỹ sư của ta chẳng khác gì người thợ”. Nhìn rộng ra các nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã đi lên từ công nghiệp chất xám, nếu có nhập khẩu cũng kèm theo chuyển giao toàn bộ quy trình quản lý và công nghệ. Thay đổi tư duy phát triển kinh tế buộc phải kéo theo việc định hướng lại kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp. Tiếc là chúng ta chưa làm được điều đó.

(Theo SGGP )