Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Cần làm rõ lợi nhuận - phi lợi nhuận trong dự thảo Luật GDĐH

Cập nhật 06/10/2011 - 09:16:17 AM (GMT+7)
(Dân trí) - Sáng 5/10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khu vực phía Bắc tổ chức hội thảo góp ý về Dự thảo Luật giáo dục đại học lần thứ 5. Theo đó, nhiều đại biểu yêu cầu dự thảo luật làm rõ lợi nhuận - phi lợi nhuận.

Khó khuyến khích được đại học phi lợi nhuận
 
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đều yêu cầu làm rõ quy định về thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học (GDĐH) là khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; cấp kinh phí đối với cơ sở GDĐH tư thục khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng; ưu tiên thành lập các cơ sở GDĐH tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định. Cấm lợi dụng các hoạt động GDĐH vì mục đích vụ lợi.

TS. Lê Viết Khuyến - Hiệp hội trường ĐH, CĐ Ngoài công lập cho biết: “Cùng một quy định nhưng lại ghi không rõ ràng vừa khuyến khích không vì mục đích lợi nhuận lại cấm lợi dụng các hoạt động GDĐH vì mục đích vụ lợi”.

Ông Khuyến nêu rõ những bất cập của Luật giáo dục như Điều 20 Luật Giáo dục: “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước không chấp nhận loại hình cơ sở giáo dục vì lợi nhuận. Hay như Điều 66 quy định: “thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn” dẫn đến cách hiểu là cả hai loại hình dân lập và tư thục đều có chia lợi nhuận, tức là đều mang thuộc tính vì lợi nhuận. Ở đây có cái gì chưa ổn. Điều 67 lại khẳng định: “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn”. Nội dung như vậy cho phép hiểu trưởng tư thục thuộc hình thức vì lợi nhuận.

GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, cho rằng: “Trường tư thục vụ lợi hay không vụ lợi. Nếu nói như thế này thì không định hướng được vụ lợi. Dự thảo không nói rõ được phi lợi nhuận như thế nào mà thực chất hiện nay các trường ngoài công lập đang chạy theo lợi nhuận. Bởi vì hầu hết các trường không được vay vốn, cấp đất xây dựng trường phải đi vay ngoài. Vậy nhà nước làm sao mà khuyến khích phi lợi nhuận được”.
“Nhà nước cần có đặc ân, đặc lợi nào đó với các trường ngoài công lập thì mới nói được phi lợi nhuận” - ông Nghị cho hay.
 
Cần có quy định chặt chẽ về lợi nhuận hay phi lợi nhuận của các trường tư thục. Ông Lê Trường Tùng, hiệu trưởng ĐH FPT, đề nghị: “Trường vì lợi nhuận thì phải nộp thuế, không vì lợi nhuận không nộp thuế”.
 
Ông Lê Khắc Đóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng: “Trường tư thục không nên nói tránh vụ lợi. Để khuyến khích không vụ lợi thì cần có chính sách, cấp đất, tránh thuế… Nhà nước cần hỗ trợ cho các trường đại học tư thục phát triển. Nhà nước đào tạo giảng viên cho các trường tư thục...”.

Triệt tiêu tệ nạn “xin - cho”

Dự thảo 5 của Luật GDĐH quy định cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường CĐ, trường ĐH, Học viện; Đại học, đại học quốc gia; Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

Theo quy định này, nhiều đại biểu không đồng tình, bà Trần Thị Hà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình đề nghị: “Luật nên chỉ quy định gọi là trường đại học chứ không nên quy định gọi tên khác. Giảm bớt được sự phản đối của mọi người”.

Lãnh đạo Trường ĐH Chu Văn An cho rằng: “Cần quy định rõ hệ thống GDĐH thì mới làm Luật giáo dục được. Cần định nghĩa thế nào là trường đại học. Nên đưa GDĐH ngoài công lập vào luật để hoạt động hiệu quả hơn”.

“Hiện nay chúng ta đang rối loạn về hệ thống đại học, bởi vì có có quá nhiều loại hình trường đại học, thậm chí đại học trong đại học, văn bản nêu ra còn khá mập mờ. Đề nghị nghiên cứu kỹ lại luật giáo dục của các nước khác. Luật GDĐH cần định hướng cho sự hình thành một hệ thống GDĐH phân tầng và đáp ứng nhu cầu xã hội. Đối với các trường công phải tính có hiệu quả, chứ không thể mở tràn lan vì có đầu tư nhà nước” - TS Lê Viết Khuyến đề nghị.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: “Dự thảo Luật GDĐH tối thiểu phải đạt được các yêu cầu: Phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống GDĐH phân tầng thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong Luật giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống này còn mờ về triết lý, manh mún, thiếu gắn kết, chắp vá về cơ cấu, hạn chế về năng lực hội nhập và rất kém hiệu quả. Phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ hợp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH..., đặc biệt, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin - cho” đang phổ biến hiện nay trong quản lý GDĐH. Nguồn gốc của tệ nạn này chính là cơ chế quản lý một chiều: Nhà nước - Nhà trường, trong đó Nhà nước vừa đưa ra chính sách, vừa làm luôn nhiệm vụ giám sát.
Theo ông Quân, cơ chế này nên thay bằng cơ chế quản lý 3 chiều: Nhà nước - Nhà trường - Xã hội. Trong cơ chế như vậy, Nhà nước có trách nhiệm đặt ra những quy định tối thiểu, thể hiện qua một hệ thống các “chuẩn GDĐH quốc gia” để bảo đảm chất lượng hoạt động của các trường đại học.


Trong báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Giáo dục đại học, Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng đề nghị: Cần quy định rõ về cơ sở giáo dục “phi lợi nhuận” và cơ sở giáo dục “có lợi nhuận hợp lý” như yêu cầu tại Nghị quyết 50/2010/QH 12 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với GDĐH. Trong đó đặc biệt làm rõ vấn đề tài sản được chia và tài sản không được chia, để từ đó xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp, khuyến khích các cơ sở GDĐH phi lợi nhuận cũng như định hướng, điều chỉnh hoạt động của các cơ sở GDĐH “vì lợi nhuận hợp lý” nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục, bảo vệ quyền lợi người học nói riêng và của xã hội nói chung.

(Theo Dân Trí)