Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Chất lượng nguồn lao động là vấn đề đáng lo ngại

Cập nhật 02/10/2011 - 05:05:17 PM (GMT+7)
(Dân trí) - Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, chỉ có khoảng 40% sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành, đúng trình độ; 60% còn lại phải làm trái ngành hoặc thấp hơn trình độ đào tạo.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm thì nguyên nhân tình trạng trên là do sinh viên chạy đua theo phong trào, học ngành “hot” dẫn đến cảnh ngành cần người làm lại ít người học, ngành nhiều người học lại ít chỗ làm. Khi ra trường, sự mất cân đối này dẫn đến việc những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật này phải làm những công việc trái ngành.

Nhân viên điều hành nhiều hệ thống sản xuất tại Việt Nam phải cử đi đào tạo tại nước ngoài hoặc thuê nhân viên kỹ thuật nước ngoài (ảnh minh họa)

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” diễn ra ở TPHCM ngày 24/9, các nhà khoa học giáo dục cũng đồng tình với quan điểm chất lượng nguồn lao động đang là vấn đề đáng lo ngại của nước ta, chính chất lượng của nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Trong tham luận của mình, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: “Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á. Không có trường dạy nghề nào tại Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia và khu vực. Một số doanh nghiệp Việt Nam thậm chí thuê lao động có kỹ năng từ nước ngoài”.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hưng, Phó giám đốc Đại học Huế cũng cho rằng: “Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước có vai trò không nhỏ của đội ngũ trí thức, của nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ các cơ sở đại học, cao đẳng trong toàn quốc. Tuy vậy, chất lượng và khả năng đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu xã hội đang còn nhiếu ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau”.

Theo ông, để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thì chúng ta cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực bậc cao. Các giải pháp cần làm ngay là đa dạng hoá loại hình đào tạo, gắn kết đào tạo với thực tiễn, kết hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo...

PGS.TS Trần Đình Thiên lo ngại: “Trong tương lai, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, mức lương sẽ tăng lên. Lợi thế do lao động rẻ không còn nữa và các nhà lắp ráp, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ chuyển sang các nước khác có chi phí sản xuất thấp hơn. Bởi vậy, có thể nói rằng, một trong những thách thức lớn nhất và cấp bách nhất mà Việt Nam đang phải đương đầu đó là thúc đẩy sự phát triển một lực lượng lao động lành nghề hơn”.

Ông khẳng định: “Chỉ với lực lượng lao động lành nghề thì Việt Nam mới có thể đạt được những thành tựu về công nghệ tiên tiến và năng suất lao động; trên cơ sở đó, tăng trưởng kinh tế được duy trì và mức sống dân cư được cải thiện”.

(Theo Dân Trí)