Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Một số cách hủy hoại nền đại học

Cập nhật 20/05/2011 - 10:32:11 AM (GMT+7)
Trong lịch sử, hệ thống đại học không phải lúc nào cũng có được những điều kiện thuận lợi để phát triển, mà trái lại, luôn có các thế lực hay chính sách vì cố tình hay vô ý đã và đang hủy hoại nền đại học.

Cắt giảm kinh phí

Không cần đàn áp các học giả hay phá hủy cơ sở vật chất, mà chỉ cần bỏ đói họ, không cung cấp đủ kinh phí cho các đại học hoạt động, thì các đại học cũng sẽ tự khắc xuống cấp, thoái hóa.

Sự bỏ đói dễ nhận thấy nhất, là khi các giáo sư đại học được trả lương cực thấp so với các nghề khác, có khi thấp hơn cả nhân viên quèn ở các hãng tư.

Thời Xô Viết, các nhà khoa học tuy không giàu, nhưng đủ sống và được chăm lo bao cấp nhiều khoản, không phải lo về vật chất, có thể yên tâm giảng dạy nghiên cứu khoa học. Bởi vậy, đó là thời kỳ hoàng kim của khoa học Nga nói chung.

Khi chính quyền Xô Viết sụp đổ, chế độ mới lên thay đã bỏ rơi giáo dục và đại học trong hai thập kỷ 1990-2010, khiến nền giáo dục và nền đại học của Nga xuống cấp trầm trọng về chất lượng, đặc biệt là đại học.

Trong khi kinh tế tư nhân ở Nga “bùng nổ”, giá cả ở Matxcơva trở nên đắt đỏ loại nhất thế giới, và thu nhập trung bình của người dân Matxcơva cũng trở nên thuộc loại khá cao trên thế giới (chủ yếu nhờ vào xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có), thì thu nhập của giảng viên đại học ở Nga chậm thay đổi, không theo kịp sự trượt giá.

Vào thời điểm 2010, lương giáo sư của MGU (đại học danh giá nhất nước Nga) chỉ khoảng 1.000 USD một tháng, trong khi một kỹ sư máy tính xoàng cũng có thể được 2 - 3 nghìn USD/tháng. Hệ quả tất yếu của việc cắt giảm kinh phí là sự chảy máu chất xám.

Nếu như trước 1991, số lượng các nhà khoa học Nga “vượt biên” sang phương Tây còn tương đối hiếm (trừ những người gốc Do Thái đi khỏi Nga về Israel), thì trong suốt giai đoạn 1991 - 2010 các nhà khoa học Nga sang phương Tây và sang cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Những người còn ở lại Nga thì cũng thỉnh thoảng ra nước ngoài kiếm sống, bỏ rơi sinh viên trong nước, hoặc “chân trong chân ngoài”, hay tệ hơn là tham nhũng thoái hóa, bán điểm, làm luận án thuê... Nhiều giáo sư hay tiến sĩ của Nga sẵn sàng viết thuê luận án, bán danh dự để nuôi thân.

 

Các nước Đông Âu như Ba Lan và Hungary, sau khi không còn XHCN và sáp nhập vào với Cộng đồng châu Âu, đã có chính sách tốt hơn trong quá trình chuyển đổi, không bỏ đói đại học một cách tồi tệ như Nga, nên các nhà khoa học ở những nước đó (cũng giỏi không kém ai) phần lớn yên tâm làm việc ở nước mình, không phải “chạy loạn” như các nhà khoa học Nga.

Tình hình ở Pháp tất nhiên không đến nỗi tồi như ở Nga, nhưng cán bộ đại học hay nghiên cứu khoa học Nhà nước của Pháp cũng được trả lương khá thấp so với nhiều nước tiên tiến khác.

Một tiến sĩ trẻ được nhận vào làm nghiên cứu viên CNRS ở Paris (công việc khá “danh giá”) nhưng đi thuê nhà không thuê được, vì với mức lương CNRS như vậy không ai cho thuê.

Theo một thống kê, lương khởi điểm của “maitre de conference” (“giảng viên chính”) ở Pháp bị giảm liên tục trong hơn 20 năm (1986 - 2008) sau khi đã trừ đi lạm phát (tức là lương tăng chậm hơn so với lạm phát). Lương năm 2008 chỉ có sức mua bằng khoảng 85% lương năm 1986, trong khi nền kinh tế đi lên nhiều trong hơn 20 năm đó.

Chính phủ Pháp, vào năm 2010, đang “làm bộ” quan tâm hơn đến khoa học với những cải cách này nọ, nhưng về cơ bản thì cán bộ đại học vẫn bị đối xử tệ. Ngay chính sách tài trợ nghiên cứu của Pháp hiện tại cũng không khuyến khích được mọi người tích cực nghiên cứu hơn.

Nói một cách nôm na, đó là chính sách “20% tốt, 80% dốt” (tiếng Pháp: “20% de bons, 80% de cons”). Có nghĩa, người ta đặt ra một qui định khá máy móc tùy tiện là, chỉ có 20% số giảng viên đại học xin tiền phụ cấp nghiên cứu được xếp hạng “tốt” và được phụ cấp nghiên cứu, thường trong quãng 4 nghìn đến 6 nghìn Euro/năm). Còn lại 80% giáo sư/phó giáo sư, dù có tích cực nghiên cứu cũng không được phụ cấp, và điều này khiến cho nhiều người chán nản bỏ nghiên cứu.

Thế hệ trẻ khi thấy tấm gương bị bỏ đói của các thầy cô giảng viên đại học của mình, thì sẽ không còn ham muốn đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy khoa học. Hệ quả là, đất nước sẽ ì ạch mãi hoặc lụi bại dần về khoa học và công nghệ, dẫn đến kém phát triển về lâu dài.

Điều này không chỉ thấy ở Nga hay ở Việt Nam, mà ngay ở Pháp và một số nước tiên tiến khác cũng đang diễn ra: xã hội không coi trọng khoa học, sinh viên không thích đi theo khoa học, lượng sinh viên đăng ký học các ngành khoa học ngày càng giảm.

Khi các đại học không còn được Chính phủ hay tổ chức từ thiện cung cấp kinh phí, mà chủ yếu dựa vào hợp đồng với các hãng tư nhân vì lợi nhuận cho ngân sách khoa học của mình, thì việc nghiên cứu khoa học bị bóp méo đi, các nghiên cứu có lợi chung cho xã hội bị bỏ rơi, “cha chung không ai khóc”, chỉ có những nghiên cứu đem lại lợi tư được phát triển.

Một xu hướng ở nhiều nước hiện nay là, mỗi khi Chính phủ có khó khăn về tài chính (chẳng hạn do phải vung tiền cứu giới tài chính sau khi giới này đầu cơ làm loạn tài chính và kinh tế thế giới), thì hệ thống đại học là một trong những nơi dễ bị cắt giảm ngân sách nhất.

 

Cắt giảm ngân sách cũng là một cách “bỏ đói” đại học. Dù rằng đại học có là động lực để phát triển kinh tế về lâu dài, và kinh tế trước nay được hưởng rất nhiều từ đại học, và hệ thống đại học không phải nơi gây ra các khó khăn khủng hoảng về kinh tế, nhưng trước mắt chỗ nào cắt được thì họ cứ cắt.

Nhiều nhà chính trị nhìn “không xa quá mũi”, đối với họ, các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu có ảnh hưởng tốt đến xã hội trong những lĩnh vực không đếm ra được ngay thành tiền (như văn hóa, nghệ thuật, tinh thần) chẳng có ý nghĩa gì mấy, và ngân sách cho những chỗ đó càng dễ bị cắt giảm.

Ở Anh, theo BBC ngày 15-10-2010, hệ thống đại học sẽ bị cắt giảm ngân sách đến 4,2 tỷ bảng Anh. Điều này ắt hẳn sẽ làm cho Anh trở nên kém cạnh tranh trên thế giới về chất lượng đại học và khoa học, và làm cho nền kinh tế Anh trì trệ thêm về lâu dài.

Việc cắt giảm kinh phí đại học hiện không chỉ xảy ra ở Anh, mà còn ở các nước khác như Mỹ, Tây Ban Nha..., với lý do “khó khăn kinh tế”. Chẳng hạn, ở Tây Ban Nha, các giảng viên đại học đều bị giảm lương khoảng 6%.

Một điều hơi khó hiểu là, Chính phủ Mỹ một mặt in tiền và tung các gói “kích cầu” khổng lồ nhằm vực kinh tế khỏi suy thoái, nhưng một mặt lại cắt giảm kinh phí cho đại học, mà đại học chính là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Nếu như trong những thập kỷ trước, nước Mỹ thu hút nhiều nhân tài từ các nước khác trên thế giới do đổ nhiều tiền vào đại học, cấp nhiều học bổng cho học sinh nước ngoài..., thì ngày nay, thế mạnh đó của Mỹ đang giảm đi (trong khi thế mạnh của Trung Quốc tăng lên).

 

 

Vụ nổ giàn khoan dầu trên vịnh Mexico đã gây ra thảm họa sinh thái nghiêm trọng. Công ty British Petroleum thuê các chuyên gia đại học đi điều tra về vụ này, nhưng lại ra điều kiện là các kết quả điều tra được phải nộp lại cho British Petroleum mà không được cho công chúng biết. Khi ăn tiền như vậy, thì đại học không còn giá trị xã hội nữa, mà thành tay sai của công ty tư nhân
Vụ nổ giàn khoan dầu trên vịnh Mexico đã gây ra thảm họa sinh thái nghiêm trọng. Công ty British Petroleum thuê các chuyên gia đại học đi điều tra về vụ này, nhưng lại ra điều kiện là các kết quả điều tra phải nộp lại cho British Petroleum mà không được cho công chúng biết. Khi ăn tiền như vậy, thì đại học không còn giá trị xã hội nữa, mà thành tay sai của công ty tư nhân.

 

 

Thương mại hóa

Hầu hết các đại học lớn quan trọng nhất trên thế giới, dù là Đại học công như Cambridge hay là đại học tư như Princeton, hiện đều là các đại học phi lợi nhuận, còn các đại học vì lợi nhuận chỉ tạo thành một phần nhỏ của hệ thống đại học.

Lý do, các đại học là các tổ chức có ảnh hưởng dương rất lớn đến xã hội (nói theo thuật ngữ kinh tế, là có “positive externality”), làm lợi chung cho toàn xã hội. Chính vì toàn bộ xã hội được ảnh hưởng dương rất lớn từ hệ thống đại học, nên có thể coi đại học là của cải chung của xã hội, và xã hội có trách nhiệm “nuôi” nó. Các đại học tư phi lợi nhuận do các doanh nhân giàu có bỏ tiền tài trợ, cũng là hình thức đóng góp và gây ảnh hưởng đến xã hội của họ.

Các đại học vì lợi nhuận có vai trò nhất định trong xã hội, nhưng không đem lại được lợi công cho xã hội như đại học phi lợi nhuận, mà mục đích chính của chúng là đem lại lợi tư cho chủ sở hữu.

Các đại học vì lợi nhuận sẽ chỉ chú trọng đầu tư vào những gì sinh lời tư nhanh chóng, mà không đầu tư vào những hướng nghiên cứu hay đào tạo có ảnh hưởng tốt lâu dài đến toàn xã hội. Bởi vậy, xã hội muốn được hưởng nhiều thành quả từ hệ thống đại học, thì không thể dựa vào đại học vì lợi nhuận, mà cần dựa vào đại học phi lợi nhuận.

Tuy nhiên, ở một số nước tư bản hiện nay, song song với xu hướng cắt giảm ngân sách Nhà nước cho đại học, đang có một xu hướng khá nguy hiểm là thương mại hóa đại học, dần dần biến chúng thành các “công ty thương mại”.

Khi các đại học không còn được Chính phủ hay tổ chức từ thiện cung cấp kinh phí, mà chủ yếu dựa vào hợp đồng với các hãng tư nhân vì lợi nhuận cho ngân sách khoa học của mình, thì việc nghiên cứu khoa học bị bóp méo, các nghiên cứu có lợi chung cho xã hội bị bỏ rơi, “cha chung không ai khóc”, chỉ có những nghiên cứu đem lại lợi tư được phát triển.

Sự tự do tư tưởng trong nghiên cứu cũng sẽ mất dần đi. Từ “giáo sư” sẽ mất dần đi ý nghĩa “người thầy” cao quí của nó, mà dần dần biến thành nghĩa “người làm công ăn lương cho các ông bà chủ nắm quyền ở đại học”.

Việc đại học hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, để điều chỉnh công việc đào tạo và nghiên cứu cho thích hợp với nhu cầu xã hội, là việc tốt và cần thiết. Việc doanh nghiệp tài trợ cho đại học, đổi lấy sự đảm bảo nguồn nhân lực trí thức và sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, là việc tốt. Nhưng nếu đại học trở nên quá phụ thuộc về kinh tế vào các doanh nghiệp tư, thì lại thành xu hướng nguy hiểm: đấy là xu hướng nô lệ về kinh tế, trở thành tay sai cho các quyền lợi tư, mất đi ảnh hưởng dương đến chung toàn xã hội.

Một ví dụ gần đây về sự nguy hiểm của việc nô lệ hóa đại học về kinh tế là, khi xảy ra vụ nổ giàn khoan dầu của công ty British Petroleum ở ngoài vịnh Mexico vào tháng 4-2010, dẫn đến một lượng dầu hỏa rất lớn chảy ra biển và tràn vào các bờ biển gây tác hại lớn cho môi trường và cho người dân, thì British Petroleum đã liên tục tìm cách “bịt mặt” công chúng, đưa ra các con số thiệt hại nhỏ hơn nhiều lần thực tế.

Họ thuê chuyên gia đại học đi điều tra về vụ này, nhưng lại ra điều kiện là các kết quả điều tra được phải nộp lại cho British Petroleum mà không được cho công chúng biết. Khi ăn tiền như vậy, đại học không còn giá trị xã hội nữa, mà thành tay sai của công ty tư nhân.

Đại học Luxembourg (mới thành lập từ năm 2003 ở Luxembourg) là đại học công, nhưng là một ví dụ về việc quản lý đại học như công ty thương mại. Trong cái “công ty thương mại” đó, giáo sư chỉ là một nhân viên dưới quyền quản lý của cấp trên trực tiếp, và ngược lại là sếp của mấy cấp dưới trực tiếp (phụ giảng, postdoc), chứ không có được sự tôn trọng như là người thầy và sự tự do như ở những nơi khác.

Từ giáo sư cho đến nghiên cứu sinh ở Luxembourg phải đến phòng làm việc ngồi hàng ngày “từ 9 giờ đến 5 giờ” và mỗi năm được cấp một số ngày phép y hệt nhân viên bàn giấy. Khi nghỉ phép, họ “được phép” dừng hết mọi hoạt động khoa học.

Nhưng kiểu quản lý như vậy hoàn toàn trái ngược với truyền thống của giới khoa học (làm việc không kể giờ giấc, cả khi đi nghỉ hay khi ở nhà vẫn nghĩ về khoa học, không cần “ngày phép” chính thức, nhưng cần tự do).

Kiểu quản lý đó khiến sinh viên thì không có được thói quen làm việc của nhà khoa học mà chỉ thành những nhân viên làm công ăn lương, còn các nhà khoa học giỏi thì ít muốn đến trường Luxembourg làm việc tuy lương ở đó khá cao.

Một biểu hiện của xu hướng thương mại hóa, là khi sinh viên được coi thành “khách hàng”, quan hệ giữa trường đại học và sinh viên không còn là một quan hệ có trách nhiệm xã hội trong đó, mà xuống cấp thành quan hệ thương mại “kẻ mua – người bán”.

Khách hàng là “thượng đế”, nên đại học sẽ ra sức “chiều” sinh viên, đổi “điểm tốt” lấy tiền. Giảng viên thì không dám kỷ luật sinh viên không nghiêm túc hay cho điểm xấu những sinh viên học kém, vì sợ làm “mếch lòng thượng đế”.

Hậu quả là lạm phát văng bằng, chất lượng đào tạo không đảm bảo, học ấm ớ vẫn có đủ các thứ bằng miễn là nộp đủ tiền.

Xu hướng thương mại hóa cũng góp phần tạo rào cản cho những học sinh học giỏi nhưng ít tiền không vào được đại học (kể cả đại học công), trong khi con nhà giàu học dốt thì được nhận học. Hệ quả là vừa lãng phí đầu tư công và lãng phí tiềm năng xã hội, vừa làm tăng phân biệt giàu nghèo.

Một biểu hiện nữa của xu thế thương mại hóa, là việc bỏ quá nhiều tiền cho các trò có tính quảng cáo, ví dụ như trò thi đấu thể thao.

Theo ông trưởng khoa toán ở Đại học California Berkeley (một đại học công hàng đầu của Mỹ) cách đây không lâu, Berkeley hiện chi đến 25% ngân sách của trường cho các trò thể thao không liên quan gì đến khoa học, và người được trả lương cao nhất đại học Berkeley (trên 1 triệu USD/năm) không phải nhà khoa học danh tiếng lừng lẫy nào, mà là ông huấn luyện đội tuyến bóng bầu duc (American football) nghiệp dư của trường!

Tại sao trong khi tiền cho khoa học thì thiếu, mà trường công lại chi quá nhiều tiền cho thể thao?

Ban giám hiệu giải thích là, việc đó cần thiết để gây thanh thế cho đại học và nhận được tài trợ của các nhà hảo tâm.

Khi xã hội và các nhà hảo tâm nhớ đến các đại học vì thành tích “tiêu khiển tốt”, thay vì các đóng góp về đào tạo và nghiên cứu, thì giá trị đích thực của đại học đã bị giảm đi.

(Theo Tiền Phong)