Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Bất cập trong đào tạo thạc sĩ - Bài 2: Chạy đua bằng cấp!

Cập nhật 12/05/2011 - 09:45:43 AM (GMT+7)
Phong trào đổ xô đi học thạc sĩ đã khiến cho chất lượng đào tạo của bậc học này đang có chiều hướng đi xuống và đáng báo động. Và để giải bài toán chất lượng cho đào tạo thạc sĩ thật không đơn giản…
  • 1 tiến sĩ hướng dẫn 10 luận văn thạc sĩ/năm

Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu nhất của những bất cập trong đào tạo thạc sĩ hiện nay nằm ở yếu tố con người (đội ngũ giảng dạy) và phương tiện (kinh phí, chương trình, cơ sở vật chất và quy chế đào tạo).

 

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban ĐH - Sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM), phân tích: Đào tạo thạc sĩ của VN về cơ bản đã theo kịp các chương trình đào tạo của thế giới, đặc biệt là về mặt học thuật. Tuy nhiên, sự liên thông giữa các bậc chưa rõ nét. Điều này được thể hiện ở chỗ chúng ta chưa thực hiện triệt để đào tạo theo hệ tín chỉ. Trong khi đó, đào tạo hệ tín chỉ được thực hiện tại tất cả các trường ĐH trên thế giới và nó đã minh chứng tính ưu việt trong quản lý của nhà trường, chủ động trong việc chọn lựa môn học, sắp xếp thời gian của các học viên.

Nhìn lại VN, chương trình đào tạo theo hệ tín chỉ lại chưa được áp dụng triệt để ở các trường ĐH. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình đào tạo chưa thể hiện tính liên thông từ cấp ĐH lên cao học và tiến sĩ… nên chưa đẩy mạnh mảng thực tập, thực hành.

Những hạn chế trên đã khiến chương trình đào tạo thạc sĩ của VN chưa được xây dựng theo hướng hiện đại và hòa nhập. Phân tích về chương trình đào tạo, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng: Chương trình đào tạo thạc sĩ có tổng số 50 - 55 tín chỉ. “Phần lên lớp, theo tôi, là nhiều (khoảng 45 tín chỉ trong một năm rưỡi), tương ứng với số tín chỉ bậc ĐH tích lũy trong cùng thời gian. Do đó, cần phải giảm thời lượng tín chỉ thực dạy xuống thấp hơn nữa, còn giảm đến mức độ nào, tùy thuộc vào từng ngành học”.

Ở một hệ đào tạo mang tính nền tảng cho bậc tiến sĩ, nhưng khâu trọng yếu là chương trình lại nặng về “học” hơn “hành” thì ở phương pháp giảng dạy cũng không thể nặng về “hành” được. Tại các trường ĐH VN, phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy dù được vận động đổi mới nhưng nhiều năm qua vẫn giẫm chân tại chỗ. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?

Thực tế, vấn đề giảng viên luôn là bài toán khó do quy mô đào tạo luôn vượt ngoài năng lực hiện có của các cơ sở đào tạo. Hơn nữa, dù người thầy có quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng cơ sở vật chất chưa theo kịp thì cũng chỉ “lực bất tòng tâm”. Chính vì thế, trước thực tế người học quá đông, người dạy ở bậc đào tạo này không còn cách nào khác là chỉ tập trung giảng nhiều lớp, hướng dẫn nhiều luận văn tốt nghiệp. Một PGS phụ trách công tác đào tạo sau ĐH tại một trường ĐH lớn tại TPHCM đưa ra dẫn chứng rất thực tế: Một giảng viên có học vị tiến sĩ có thể hướng dẫn khoảng 10 đề tài thạc sĩ (chưa kể các luận văn ĐH) trong vòng một năm, và như thế có thể khẳng định “không thể có chất lượng cho các đề tài luận văn tốt nghiệp”.

  • Dạy thật và học thật

Yêu cầu đối với chương trình đào tạo thạc sĩ và đối với người học là phải được bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học ở ĐH, hiện đại hóa những kiến thức chuyên ngành, tăng cường kiến thức liên ngành, có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành đào tạo. Như vậy, được nhận tấm bằng thạc sĩ, người học phải có đầy đủ sự tự tin, tinh thần độc lập trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, số người đi học thạc sĩ nhằm lĩnh hội kiến dường như quá ít so với lượng người học vì mảnh bằng.

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ băn khoăn: Chúng ta vẫn đang dạy và học theo quán tính, thầy dạy sao trò nghe vậy. Hệ quả người thầy chỉ luẩn quẩn xoay quanh giáo trình mình có, người học cũng chỉ học những gì thầy dạy trên lớp lẫn trong giáo trình. Để thay đổi được sự “luẩn quẩn” này, nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng phải thay đổi, nâng chất nhiều yếu tố mà trong đó nhất thiết phải có sự liên thông giữa các bậc học. Cụ thể hơn chính là phải hội đủ yếu tố con người lẫn phương tiện cho công tác đào tạo.  

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được đặt ra là chi phí đào tạo với yêu cầu chất lượng. Trong khi chi phí đào tạo quá thấp, kèm với điều kiện cơ sở vật chất ở các trường ĐH của VN còn thiếu và lạc hậu thì chúng ta khó đòi hỏi chất lượng cao được… Đã vậy, không chỉ Bộ GD-ĐT mà nhiều bộ, ngành khác cũng đưa ra nhiều quy định, điều kiện tuyển dụng mà trong đó điều kiện cứng “phải có trình độ thạc sĩ”. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến cuộc chạy đua bằng cấp, bất chất chất lượng.

Minh chứng thêm về quan điểm này, PGS-TS Đỗ Văn Xê cho biết: Rất nhiều người học thạc sĩ nhằm đạt “những tiêu chuẩn” để sắp xếp, bố trí vị trí công tác mà cơ quan, đơn vị đã bổ nhiệm. Theo học vì mục tiêu “giữ ghế” thì nguy cơ bằng thật học giả và lãng phí tiền ngân sách là khó tránh khỏi

(Theo SGGP)