Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Sinh Viên STU

Tiếp lửa cho phong trào thanh niên tình nguyện

Cập nhật 28/04/2009 - 02:37:14 PM (GMT+7)
GS, TS. Đặng Cảnh Khanh

Việc nâng cao tinh thần tình nguyện cho thanh niên phải gắn liền với việc xây dựng những chính sách và cơ chế để thanh niên có điều kiện và cơ hội tham gia tích cực vào phong trào tình nguyện. Phải tạo ra môi trường thuận lợi để những người có tinh thần tình nguyện có thể đóng góp tích cực, tự giác và năng động cho sự phát triển của đất nước, trên cơ sở đó xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển lối sống tình nguyện trong cộng đồng

Trước những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế xã hội, trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhiều vấn đề xã hội mới đã và đang xuất hiện, tạo ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng các chuẩn mực và giá trị xã hội mới. Đối diện với những mặt trái của kinh tế thị trường, với những quan hệ lạnh giá theo kiểu “trả tiền ngay không tình không nghĩa”, màu áo xanh bình dị của phong trào thanh niên tình nguyện đang làm ấm lại xã hội. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng kinh tế thị trường không phải chỉ có lợi nhuận của đồng tiền mà còn có cả sự quên mình vì cộng đồng, quên mình vì người khác,

Quên mình vì người khác - một giá trị truyền thống

Con người chỉ vươn dậy, đứng thẳng trên hai chân và trở thành con người thực sự khi được sống bên cạnh những người khác, nói một cách khác, khi không chỉ là con người với tính sinh học mà còn là con người với tính xã hội. Chúng ta không tồn tại bên cạnh nhau theo kiểu bầy đàn sinh vật mà là sống với nhau thành xã hội. Nguyên lý tưởng như giản đơn này lại chính là một trong những đặc trưng cơ bản để phân biệt xã hội loài người với bầy đàn sinh vật. Chỉ có con người mới có khả năng tự nguyện, tự giác lao động, đấu tranh vì hạnh phúc của người khác.

Cuộc đấu tranh trong môi trường sống khắc nghiệt của tự nhiên đã khiến cho con người nguyên thuỷ ngày xưa phải kề vai sát cánh với nhau, giúp đỡ lẫn nhau và hy sinh cho nhau. Khi lao động để sáng tạo ra những sản phẩm có ích cho mình, con người đồng thời sáng tạo những sản phẩm có ích cho xã hội. Khi sáng tạo sản phẩm vì xã hội, con người cũng sáng tạo ra những sản phẩm cho bản thân mình. Mỗi người chỉ có thể thoả mãn những nhu cầu của cá nhân thông qua sự thoả mãn những nhu cầu của xã hội.

Với thời gian, qua những tình huống lao động và đấu tranh sinh tồn như vậy, người ta ngày càng ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đạo lý của sự hợp tác và tình cảm thương yêu đồng loại. Tình nguyện hy sinh những nhu cầu vật chất và tinh thần của cá nhân cho người khác cũng như cho cả cộng đồng đã trở thành một phẩm chất đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất cho cuộc sống xã hội. Nó giúp cho các mối quan hệ xã hội trở nên gắn bó hơn, tổ chức xã hội chặt chẽ hơn, xã hội phát triển bền vững hơn. Cũng qua cái chuẩn mực đạo đức đầu tiên này, con người đã gột rửa những bản năng cá nhân sinh vật của mình, và nhờ vậy mà trải qua hàng ngàn thế hệ, con người đã có điều kiện để vươn lên thật cao lớn so với các tổ tiên động vật của mình.

Biết bao hình ảnh đẹp đẽ được gợi lên từ những truyền thuyết cổ xưa về thị tộc đầu tiên của tổ tiên chúng ta đã nói lên cái giá trị đạo đức đầu tiên nói trên đã được hình thành và tôn trọng như thế nào. Nói về xã hội Việt Nam thời thượng cổ và các chuẩn mực đạo đức đã làm nên xã hội đó, sử gia Ngô Thì Sĩ đã chép trong Đại Việt sử ký tiền biên (Ngoại kỷ quyển 1 tờ 9b) như sau : “Nước Nam về đời Lạc Hồng vua dân cùng cày, cha con cùng tắm, người và giống vật cùng ở nhà sàn, cấy ruộng Lạc điền theo nước triều lên xuống. Dân sống ở đời bấy giờ cùng nhau vui vẻ chơi đùa ở trong cõi đất không rét không nóng... Có thể gọi là đời thì chí đức, nước thì cực lạc. Vua thì yên vui như phật. Dân thì vẽ mình, làm ăn, không phiền nhiễu gì đến sưu thuế, không việc gì phải canh phòng. Vua dân thân nhau, dẫu vài nghìn năm cũng không thay đổi”(1)

Sự miêu tả của Ngô Thì Sỹ đã nói lên được phần nào một trong những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam xưa và nay, đó là việc duy trì tình cảm nhân ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân trong cộng đồng xã hội. Chính những đặc điểm của lịch sử dựng nước và giữ nước khắc nghiệt, những đòi hỏi phức tạp trong sản xuất lúa nước, sự tranh đấu liên tục, sống còn với nạn ngoại xâm đã không cho phép người Việt Nam sống riêng biệt như những cá nhân và gia đình hoàn toàn đơn lẻ, biệt lập.

Lịch sử nước ta, ở giai đoạn nào cũng ghi chép lại những tai hoạ thiên nhiên ghê gớm đối với con người, không hạn hán mất mùa thì cũng bão lụt, đê vỡ, sâu bệnh tràn lan. Người Việt nam phải sống gắn liền với cộng đồng và việc duy trì mối quan hệ liên kết cộng dồng cũng chính là sự duy trì cuộc sống của bản thân mình. Đức hy sinh vì Tổ quốc, quê hương, sự trung thành với toàn thể cộng đồng luôn được tôn trọng, kế tiếp nhiêu thế hệ người Việt Nam. Tinh thần quên thân vì nghĩa cả, tình nguyện hy sinh lợi ích bản thân vì tập thể cộng đồng đã được nuôi dưỡng một trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thấm vào máu thịt của mỗi cá nhân, tạo thành những quy tắc đạo lý, điều chỉnh mọi hành vi xã hội.

Phá tặc đản hiềm tam tuế vãn

(Phá giặc thì ba tuổi cũng không phải là trẻ)

Câu viết trên của Cao Bá Quát được ghi lại ở đền thờ đức Phù Đổng Thiên Vưong đã nói lên tinh thần và ý chí tình nguyện vì nước của người Việt Nam trong truyền thống.

Nhờ nêu cao được tinh thần tình nguyện, sẵn sàng xả thân vì nước ấy, dân tộc Việt Nam đã duy trì được một sự hài hoà trong các quan hệ xã hội, hạn chế được phần nào sự phát triển của tính vị kỷ để tạo ra một sức mạnh chung cho sự sinh tồn và phát triển của dân tộc mình, xây dựng nên những đặc trưng quý báu và đầy tính nhân đạo của nền văn hiến Việt Nam.

Tình nguyện - nét đẹp của thế hệ thanh niên Hồ chí Minh

Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên ta cũng luôn luôn có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc với tinh thần của những người tình nguyện. Truyền thống tình nguyện, hy sinh những lợi ích nhỏ bé của bản thân để cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc đã làm nên đặc trưng và bản chất anh hùng của thế hệ trẻ mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Với tinh thần “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà chỉ hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”, lớp lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước.

Trong những năm gần đây, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp TN Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam đã nêu quyết tâm phát động, làm hình thành và phát triển mạnh mẽ phong trào thanh niên tình nguyện. Khí thế tình nguyện đã được khơi dậy mạnh mẽ. Thanh niên tình nguyện đã xung phong đảm nhận một số công trình, phần vịêc khó khăn, tham gia phát triển kinh tế-xã hội có hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên Hiệp Thanh niên đã nhiều lần tổ chức gặp mặt biểu dương thanh niên tình nguyện. Phong trào thanh niên tình nguyện đã thực sự có được những chuyển biến tích cực, khẳng định được sức sống mãnh liệt của nó trong những điều kiện mới. Nội dung hoạt động của phong trào rất đa dạng, phong phú với trên 20 loại hình TNTN tham gia phát triển kinh tế- xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng. Phong trào mở rộng quy mô, cấp độ tổ chức và thời gian hoạt động.

Những hoạt động tình nguyện sôi nổi và hào hứng của các tầng lớp thanh niên trong Năm thanh niên đã thực sự làm sống dậy ngọn đuốc sáng và không khí hào hùng của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”.

Chính những yếu tố mới mẻ trong sự phát triển của phong trào thanh niên tình nguyện hiện nay đã đòi hỏi chúng ta cần phải có sự phân tích, trao đổi để làm sáng tỏ thêm cả về cơ sở lý luận và ý nghĩa thực tiễn của phong trào này, nhằm có được các chính sách, cơ chế và giải pháp thiết thực, khơi dậy và phát huy được sức mạnh của thanh niên trong những điều kiện cách mạng mới.

Chúng ta cần phải làm gì để phát huy và nâng cao được tinh thần tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá hiện nay? Cần phải xử lý như thế nào mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi của thanh niên tình nguyện trong những điều kiện của cơ chế thị trường để vừa động viên được tính tình nguyện của thanh niên vừa đảm bảo được những quyền lợi thiết thực cho họ? Vị trí và vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên trong việc phát động, tổ chức và xây dựng các hình thức và mô hình tình nguyện trong thanh niên như thế nào? v.v…Đó là những điều đòi hỏi chúng ta phải có được sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Hãy tiếp lửa cho phong trào thanh niên tình nguyện

Về bản chất, thật khó có thể tìm được tiếng nói chung giữa hệ giá trị của cơ chế thị trường thuần tuý vốn được ghi dấu bằng những đặc trưng của lợi nhuận, bằng những sự cạnh tranh quyết liệt mà theo sự phân tích của Mác thì đã nhấn chìm mọi giá trị đạo đức xã hội xuống “lớp băng lạnh giá của sự tính toán vị kỷ”, với hệ giá trị của sự tình nguyện hy sinh quên mình vì những người khác vốn là bản chất của xã hội mang tính cộng đồng cao- xã hội xã hội chủ nghĩa.

Bởi vậy, về nguyên tắc, nói đến việc thực thi tính tình nguyện trong những điều kiện của cơ chế thị trường, chúng ta luôn phải quán triệt quan điểm là đất nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó chính là phải tuân thủ bắt buộc những định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa. Chính sự định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa đã tạo cơ sở và nguồn động lực cần thiết cho sự nảy sinh và phát triển của tinh thần tình nguyện trong các cá nhân và cộng đồng xã hội. Hệ giá trị nhân đạo của lý tưởng xã hội chủ nghĩa là ngọn lửa nóng làm tan đi mọi lớp giá băng vị kỷ của sự tính toán thiệt hơn theo cơ chế kinh tế thị trườngthuần tuý. Bởi vậy, trong chừng mực mà những nguyên tắc của sự định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa còn được tôn trọng và phát triển, chừng đó, tính tình nguyện vẫn còn có được miếng đất tốt lành để bám rễ và xanh tuơi lên mãi.

Với ý nghĩa trên, chúng ta chỉ có thể nâng cao tính tình nguyện trong hoạt động sống của thanh niên trong điều kiện không ngừng nuôi dưỡng ở họ, giáo dục cho họ, một mặt là các giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc, mặt khác là lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phải làm cho các thế hệ thanh niên kế tiếp nhau nhận thức được rằng, trong những điều kiện của nền kinh tế thị trường, của cải vật chất là quan trọng nhưng không phải đã là tất cả hạnh phú; lợi nhuận kinh tế là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển nhưng còn cần phải vượt lên trên những giá trị của lợi nhuận, đem những giá trị đó phục vụ cho hạnh phúc của con người.

Việc nâng cao nhận thức về tính tình nguyện cho thanh niên cũng không thể chỉ dừng lại ở các hình thức tuyên truyền, giáo dục lý thuyết, sách vở mà phải bằng những hành động thực tế. Chúng ta không nên kêu gọi thanh niên tham gia tích cực vào phong trào tình nguyện đồng thời với việc đề cao các giá trị tiêu dùng vật chất cá nhân, đặt song hành giữa những khẩu hiệu về tinh thần tình nguyện bên cạnh những quảng cáo về việc tiêu thụ những sản phẩm xa hoa đắt tiền cùng trong một chương trình truyền thông.

Chúng ta cũng không thể động viên thanh niên hy sinh quyền lợi của bản thân để tham gia tích cực vào phong trào tình nguyện, trong một môi trường mà mọi người đều chỉ lao vào làm giàu cho bản thân, bất chấp mọi đạo lý; khi mà những người động viên thanh niên tình nguyện thì lại đang tập trung thu vén cho bản thân, hoặc khi mà xã hội còn tràn ngập những hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa được giải quyết. Về phương diện này, chúng ta hoàn toàn đồng cảm với suy nghĩ của những thanh niên có tâm huyết nhưng chưa thật say mê với phong trào tình nguyện, bởi lẽ không một người tình nguyện nào lại muốn hy sinh bản thân mình cho những gì không xứng đáng, thậm chí cho những kẻ còn không ngần ngại lạm dụng sự hy sinh đó.

Việc nâng cao tinh thần tình nguyện cho thanh niên phải gắn liền với việc xây dựng những chính sách và cơ chế để thanh niên có điều kiện và cơ hội tham gia tích cực vào phong trào tình nguyện. Phải tạo ra môi trường thuận lợi để những người có tinh thần tình nguyện có thể đóng góp tích cực, tự giác và năng động cho sự phát triển của đất nước, trên cơ sở đó xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển lối sống tình nguyện trong cộng đồng, biến tinh thần tình nguyện trở thành một chuẩn mực văn hoá mới trong quan hệ ứng xử giữa người vớí người. Ở đây, vai trò của Nhà nước, các đoàn thể, cộng đồng là hết sức quan trọng. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên phải vừa là nơi bồi dưỡng giáo dục tinh thần tình nguyện cho thanh niên vừa là nơi đi tiên phong và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả phong trào tình nguyện.

Phong trào tình nguyện trong những điều kiện của cơ chế thị trường cũng luôn đòi hỏi Nhà nước và các đoàn thể phải có những sự quan tâm tương xứng, không thể chỉ yêu cầu thanh niên một sự tình nguyện, hy sinh các quyền lợi bản thân một cách giản đơn thuần tuý. Mặc dù trong rất nhiều trường hợp, những thanh niên tình nguyện đã không hề đặt ra các đòi hỏi quyền lợi vật chất và tinh thần quá cao cho bản thân họ. Nhưng, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có thể lợi dụng sự hy sinh quyền lợi của họ. Phải có những chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với những đóng góp tích cực và có hiệu quả của thanh nien tình nguyện.

Về phương diện này, theo chúng tôi, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhất là Đoàn thanh niên cũng cần phải trân trọng và đối xử với những thanh niên tình nguyện bằng tinh thần tình nguyện, tức là không phân vân, do dự và sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi tốt nhất cho họ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.

Chúng ta cần phải tiếp lửa để ngọn lửa tình nguyện trong thanh niên bùng cháy mãi, lan toả sang mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, góp phần sưởi ấm lại các quan hệ xã hội đang bị cơ chế thị trường làm cho lạnh giá./.

———————

(1) Ngô Thì Sĩ, Đại việt sử ký tiền biên, Nxb Khai trí, Sài Gòn 1968, tr.175

Theo Tạp chí Ban Tuyên giáo TW