Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

“Căng” với quy chế mới

Cập nhật 07/03/2011 - 10:58:32 AM (GMT+7)
Lãnh đạo nhiều trường ĐH nhìn nhận quy chế mới có lợi cho thí sinh nhưng có nhiều thủ tục gây khó cho các trường và ảnh hưởng tâm lý thí sinh
Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố quy định mới: Các trường phải công khai số lượng thí sinh đăng ký hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 và cho phép thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 nhiều lần, đại diện nhiều trường cho rằng quy định này còn nhiều điều chưa hợp lý.
 
Thêm cơ hội cho ngành khó tuyển
 
Ông Phạm Châu Thành, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM, nhận định quy chế mới có lợi cho thí sinh. Cụ thể, việc công khai thông tin trên mạng sẽ giúp thí sinh biết được khả năng cạnh tranh của mình trước khi xét tuyển vào một ngành nào đó. Đặc biệt, việc thí sinh được rút lại hồ sơ sẽ giúp thí sinh bớt lo lắng nếu lỡ gửi hồ sơ vào trường không phù hợp, như vậy độ an toàn cũng sẽ cao hơn.
 
Ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng nhận định việc công khai hồ sơ xét tuyển sẽ giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Những ngành khó tuyển ở các năm trước, năm nay có nhiều khả năng tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cũng cho rằng quy định mới sẽ giúp thí sinh nắm được tiến độ đăng ký các nguyện vọng, từ đó lượng định được khả năng trúng tuyển vào ngành phù hợp.
 
Chưa sát thực tế
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM, quy chế mới yêu cầu công khai số hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 là mới công khai bề nổi vì quy chế này chỉ yêu cầu công khai số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển chứ không công khai điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển.
 
Ông Tùng lấy ví dụ: Nếu chỉ tiêu NV2 của trường là 200, vậy thí sinh nộp hồ sơ thứ 201 sẽ ngần ngại vì cho rằng số lượng hồ sơ như vậy đã đủ chỉ tiêu nên sẽ không dám đăng ký nữa. Nhưng nếu công bố điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển thì thí sinh này sẽ dựa vào số điểm cao hay thấp của những người đã nộp và điểm thi của mình để xem xét khả năng có trúng tuyển hay không. “Như vậy, phải công khai cả điểm thi của thí sinh xét tuyển mới là công khai thực chất và hạn chế hồ sơ ảo”- ông Tùng kết luận.
 
Đại diện nhiều trường cũng cho rằng quy chế mới sẽ buộc các trường phải gánh thêm nhiều việc. Đặc biệt là phải bố trí nhân sự để lọc lựa hồ sơ, giải quyết việc rút - nộp hồ sơ của thí sinh. “Những ngày đầu có thể giải quyết dễ dàng vì số lượng hồ sơ còn ít nhưng đến giờ chót sẽ khó tránh khỏi lộn xộn vì rất nhiều thí sinh theo dõi thông tin trên mạng, chờ đến ngày cuối mới nộp hồ sơ. Số lượng hồ sơ rút ra - nộp vào ồ ạt sẽ khiến các trường lúng túng”- ông An nhận định.
 
Thành lập Ban Chỉ đạo Tuyển sinh ĐH, CĐ
Bộ GD-ĐT ngày 6-3 cho biết Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011.
Ban Chỉ đạo gồm 23 người, do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga làm trưởng ban. Các ủy viên là lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD-ĐT, đại diện Bộ Công an, lãnh đạo các trường ĐH lớn trên toàn quốc. Năm nay, Ban Chỉ đạo chia làm 4 tiểu ban, bao gồm tiểu ban tổ chức thi và xử lý kết quả thi; tiểu ban thanh tra, kiểm tra và giám sát thi; tiểu ban công nghệ thông tin và tiểu ban hậu cần.
Y.Anh
Ông Tùng cũng băn khoăn về việc bộ chưa quy định rõ thí sinh nộp hồ sơ vào trường nhưng mới được vài ngày đã rút lại hồ sơ rồi sau đó có ý định nộp lại thì trường có được nhận không. “Nếu thí sinh có quyền rút ra, nộp vào nhiều lần ngay tại một trường sẽ gây khó khăn, mệt mỏi cho trường trong khâu xử lý hồ sơ”- ông Tùng nói.
 
Thiếu ổn định
 
Ông Tùng phân tích việc cho phép rút hồ sơ sẽ tạo ra sự thiếu ổn định trong công tác xét tuyển cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. Vì nếu trường vừa cập nhật số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành nào đó là 200 bộ nhưng sau đó lại có 50 thí sinh rút hồ sơ, chỉ còn 150 bộ, chắc chắn tâm lý của những thí sinh có hồ sơ còn lại sẽ hoang mang. Theo ông Tùng, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào ngày cuối tăng lên cũng sẽ tạo sự biến động khó lường.
 
Ông An cũng cho rằng quy chế mới có thể sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh tỉnh xa, bởi cứ mải theo dõi thông tin trên mạng, đến ngày cuối mới quyết định gửi hồ sơ vào trường nào, rất có thể nhiều hồ sơ gửi qua đường bưu điện sẽ trễ giờ quy định.
 
Ông Minh cũng nhìn nhận việc thí sinh được phép rút hồ sơ sẽ khiến các trường có đông thí sinh đăng ký xét tuyển bị động. Đặc biệt, công tác kỹ thuật sẽ khó khăn nếu thí sinh ồ ạt rút hồ sơ vào ngày cuối. Theo ông Minh, nên quy định thí sinh chỉ được phép rút hồ sơ trước ngày “kết sổ” 1-2 ngày để các trường có thời gian rà soát trước khi công bố điểm trúng tuyển.
 
Một rắc rối khác liên quan đến giấy chứng nhận kết quả thi cũng khiến đại diện các trường đau đầu. Ông An cho rằng với việc bộ chỉ cấp một giấy chứng nhận kết quả thi cho một nguyện vọng như hiện nay, nếu cứ rút ra, nộp vào thì thí sinh phải tẩy xóa để ghi lại mã ngành, mã trường trên giấy chứng nhận kết quả dùng để xét tuyển. Nếu cứ tẩy xóa nhiều lần, không hiểu giấy chứng nhận kết quả sẽ ra sao.
 

Ông Tùng đề nghị theo nguyên tắc, giấy tờ dùng để xét tuyển không được tẩy xóa. Như vậy, quy chế mới phải được xem xét và thống nhất lại cho hợp lý.

(Theo NLĐ)