Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Sinh viên ngán học vì… máy chiếu

Cập nhật 24/12/2010 - 09:41:31 AM (GMT+7)
Vài năm gần đây, các trường đại học đều trang bị hệ thống máy chiếu hiện đại, giúp giảng viên và sinh viên đỡ vất vả trong giảng dạy và học tập. Thế nhưng, ở không ít trường, sinh viên chán học nhiều hơn, cũng chính vì... máy chiếu.

Mất nửa tiết học

Ở một số trường, do cơ sở vật chất thuê mướn nên nhà trường không gắn máy chiếu cố định lên tường. Mỗi buổi học, sinh viên xuống phòng Quản trị thiết bị mang máy chiếu lên phòng học. Bạn Phương Loan (năm thứ 3, ngành Tiếng Anh, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho biết: “Mình học tại cơ sở 28 - 30, Ngô Quyền, phường 6, quận 5, TP.HCM. Mỗi buổi học, lớp mình thay phiên nhau đi lấy máy chiếu, micro. Nhiều hôm, mình phải ôm máy chiếu, micro gửi ở Văn phòng Khoa. Mỗi lần nhận máy chiếu, mình phải đặt giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên, rất bất tiện. Khi nhận máy chiếu lên, thầy cô phải tạm dừng giảng bài để tụi mình lắp máy”. Lớp Loan hầu hết là con gái, lại không rành công nghệ nên không ít lần, phải loay hoay gần 10 phút máy mới ráp xong.

Nhiều bạn sinh viên ở cơ sở 2, Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngán ngẩm với việc học cùng máy chiếu. N. T. (năm thứ 2, khoa Ngữ văn) cho biết: “Dây cắm máy chiếu ở phòng học bị lỏng. Tụi mình phải phân công một bạn đứng thuyết trình, một bạn đứng giữ phích cắm. Có khi thẻ USB của ai bị virus, vừa cắm vào máy tính đã bị đơ, chuột cũng không di chuyển được. Vì thế, lại phải tắt máy khởi động lại mất gần nửa tiết học”. Không ít lần, sinh viên trường ĐH Văn Hiến mang máy tính lên chỉ để… nhìn. Máy chiếu có hạn mà số lớp lại đông nên lớp nào lấy chậm thì gặp phải máy chiếu không hoạt động được, đành mang lên lớp để cho có rồi cả thầy và trò học “chay”.

 Từ đọc - chép sang… nhìn - chép

Nhiều sinh viên cho rằng, các thầy cô sử dụng máy chiếu để giảng dạy đã giúp sinh viên tiếp thu bài tốt hơn. Nhưng không ít giảng viên quá lạm dụng máy chiếu, đọc nguyên giáo án đã soạn sẵn ở nhà cho sinh viên chép. Bạn D. K. (khoa Ngữ văn, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) kể: “Có một số thầy cô mang laptop đến lớp gắn vào máy chiếu rồi ngồi trên bàn cầm micro đọc cho sinh viên chép. Cô đọc tới đâu, tụi mình chép bài đến đó. Có bạn không nghe cô đọc mà cứ nhìn trên màn hình máy chiếu, chữ chạy đến đâu các bạn chép đến đó”.

Không chỉ vậy, nhiều thầy cô còn lạm dụng hiệu ứng Word, Power Point trong soạn giáo án. Mỗi lần chuyển sang trang mới, chữ từ trên bay xuống, dưới bay lên, phải qua trái… khiến sinh viên hoa cả mắt. Kiều Na (năm thứ 3, khoa Địa lý, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) cho biết: “Có bạn chỉ lo tập trung nhìn trên màn hình máy chiếu mà không tập trung nghe giảng nên về nhà xem lại bài chẳng hiểu gì hết!”.

Tốt, nhưng không nên lạm dụng
Vấn đề trên được ThS Nguyễn Thạc San, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TPHCM, nhìn nhận: “Việc sử dụng máy chiếu trong giảng đường là cần thiết nhưng không nên quá lạm dụng. Năm trước, có lãnh đạo một trường đại học yêu cầu tất cả giảng viên phải soạn giáo án điện tử. Nhiều giảng viên có thâm niên xin miễn dùng giáo án điện tử vì kinh nghiệm giảng dạy nhiều, không thích cầm giáo án đọc nhưng Hiệu trưởng nhất định không chịu. Kết quả là năm sau, chất lượng giáo dục của trường đó đi xuống thê thảm”.
Là người có gần 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, Giảng viên chính, ThS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng bộ môn Địa lý kinh tế, Trường ĐH Vinh, cho rằng: “Chương trình khung của giáo dục đại học từ 30 năm trước đến nay vẫn giống nhau. Nhà trường lại yêu cầu giảng viên giảng dạy bằng giáo án điện tử. Như thế, chỉ cần một giảng viên trong khoa soạn rồi copy cho nhau là xong. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ thay đổi phương pháp từ đọc - chép sang nhìn - chép mà phải cần một “cuộc cách mạng” về nội dung môn học”.
Thầy Trần Quốc Khánh, giảng viên khoa Cảnh sát giao thông, Ttrường ĐH Cảnh sát nhân dân, nhận xét: “Tôi là giảng viên trẻ nhưng cũng không ủng hộ việc giảng viên quá phụ thuộc vào cái máy chiếu. Giáo án điện tử chỉ thật sự phát huy tác dụng với một số bộ môn đòi hỏi hình vẽ nhiều. Ví dụ, vẽ một cái pittông mất nửa tiết học. Giảng viên có thể ngồi vẽ ở nhà rồi chiếu lên minh họa cho sinh viên hiểu. Còn các môn học khác, đòi hỏi lập luận và tư duy mà giảng viên cứ nhìn vào máy vi tính đọc cho sinh viên chép thì rất khó chấp nhận. Chúng tôi vẫn hay nói đùa, giảng viên giảng bài như đi hát karaoke. Chữ chạy đến đâu thì “hát” đến đó.
Nhiều hôm trường bị mất điện, thầy phải cho lớp nghỉ vì không… thuộc giáo án”.

Đứng ở góc độ quản lý, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, chia sẻ: “Một hôm, tôi bỏ chút ít thời gian để dạo qua các lớp, xem tình hình dạy và học như thế nào. Đứng ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ trường hiện đại vì thầy cô dùng laptop, máy chiếu giảng dạy. Nhưng có vào bên trong, quan sát kỹ và lắng nghe mới biết thực chất ra sao. Tôi nghĩ, để nâng cao chất lượng đào tạo, chúng ta không nên chỉ nhìn vào máy móc thiết bị, mà nên tăng điểm đánh giá quá trình học tập lên 50% điểm của môn học, triển khai việc để cho sinh viên trợ giảng. Sinh viên năm thứ 3 có thể phụ giảng viên  giảng cho sinh viên năm thứ nhất, các bạn năm thứ 4 trợ giảng cho các lớp  năm thứ 2”.

 

(Theo Dân Trí)