Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Cải cách giáo dục để giải những bài toán khó

Cập nhật 18/10/2010 - 09:23:20 AM (GMT+7)
Khi góp ý cho các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, nhiều nhà giáo dục và trí thức tâm huyết đã đề nghị triển khai một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng. Ở đây, tôi chỉ đề cập một vài bất cập lớn hiện nay của giáo dục ĐH mà nếu không có cải cách giáo dục, khó có thể giải quyết.

Khả năng đáp ứng nhu cầu học liên thông của người học cũng là một vấn đề của giáo dục đại học. Trong ảnh: đăng ký dự thi liên thông tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Giáo dục ĐH vừa có vai trò đào tạo nhân lực có trình độ cao để phát triển kinh tế - xã hội, vừa là bộ phận quan trọng đóng góp trong việc sáng tạo, bảo tồn và chuyển giao tri thức, các giá trị tinh thần của dân tộc và của nhân loại. Thế nhưng, giáo dục ĐH chúng ta đang gặp mấy bài toán nan giải.

 

Cần khai thác trí tuệ

Cũng như nhiều trí thức và nhà giáo dục tâm huyết khác mà tôi biết, tôi rất hi vọng đề xuất về cải cách giáo dục sẽ được đưa vào văn kiện chính thức của Đại hội Đảng lần thứ XI, chứng tỏ Đảng thật sự lắng nghe ý kiến của dân để hoạch định con đường phát triển đất nước. Sau khi chủ trương về cải cách giáo dục được ghi nhận, cần phải có tổ chức và cơ chế để tập trung trí tuệ của nhiều chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực liên quan khác nhằm thiết kế tốt một cuộc cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, đồng thời vận dụng mọi tổ chức xã hội và phương tiện truyền thông để tạo một sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội trước khi triển khai cải cách.

Phát triển thiên lệch

Hiện nay, quy mô giáo dục ĐH tăng khá nhanh nhưng chất lượng giảm sút nghiêm trọng. Bởi số trường CĐ, ĐH liên tục phát triển trong khi số lượng đội ngũ giáo chức tăng không kịp, chưa kể chất lượng lại giảm (tỉ lệ tiến sĩ trên giảng viên năm 2005 khoảng 14%, đến năm 2010 giảm xuống còn khoảng 10% trong khi chỉ tiêu đề ra là cần đạt 25%. Như vậy chất lượng giảng viên diễn biến ngược với dự kiến của Nhà nước!).

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ĐH nước ta dồn chi phí khá lớn cho vài trường ĐH nhằm đạt được cái gọi là “đẳng cấp thế giới”, hoặc tập trung cho các chương trình đào tạo tiên tiến kiểu ngoại nhập.

Các hoạt động này nếu có tác động tốt cũng chỉ ảnh hưởng đến không quá vài phần trăm số lượng sinh viên. Trong khi bộ phận có thể tác động đến một số lượng rất lớn sinh viên như hệ thống giáo dục mở và từ xa, hoặc có khả năng kết nối giáo dục ĐH với đào tạo nghề ở địa phương hầu như chưa được chú ý đến.

Một hệ thống giáo dục ĐH phát triển thiên lệch như hiện nay là rất không bền vững. Vì sao có tình trạng đó? Theo tôi, một lý do quan trọng là vì không có một cuộc cải cách giáo dục để mọi người có cơ hội suy nghĩ, bàn bạc đi đến đồng thuận chọn các giải pháp hợp lý để thực hiện.

Chất lượng không chính quy thấp

Hiện nay trong giáo dục ĐH nước ta có hệ đào tạo chính quy và không chính quy với tổng số sinh viên không chính quy khoảng 50%. Mọi người đều thừa nhận: cùng ngành đào tạo của một trường ĐH nhưng chất lượng một sinh viên không chính quy tốt nghiệp thấp hơn rất nhiều so với sinh viên chính quy.

Luật giáo dục năm 1998 thấy sự khác nhau đó và buộc phải ghi vào bằng tốt nghiệp loại hình đào tạo để phân biệt hai loại sinh viên này.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật giáo dục năm 2005 bỏ quy định về việc ghi loại hình đào tạo trên văn bằng, tức là buộc trường ĐH phải đảm bảo chất lượng hai loại hình văn bằng như nhau.

Tuy nhiên đến nay rất ít trường có thể cấp một loại bằng, vì không khắc phục được tình trạng chênh lệch quá lớn giữa hai loại hình đào tạo. Không biết đến bao giờ tình trạng hai loại bằng mới chấm dứt, vì nguồn thu mà hệ không chính quy mang lại hiện nay là một “nồi cơm” của mọi trường ĐH để tăng thu nhập cho nhà trường và cho giáo chức vì lương quá thấp.

Nhức nhối về chất lượng rất thấp của khoảng một nửa số lượng sinh viên ĐH nói trên đến nay chưa có giải pháp xử lý thỏa đáng. Làm sao nói đến chất lượng của hệ thống giáo dục ĐH khi một nửa sản phẩm đào tạo vẫn được thả nổi về chất lượng?

Bài toán đó về chất lượng của hệ không chính quy chỉ có thể giải quyết nhờ các giải pháp hợp lý của một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ và sâu sắc.

Chi phí đào tạo không tương xứng

Báo cáo của Quốc hội sau cuộc khảo sát về giáo dục ĐH gần đây có nêu mấy con số: hiện nay chi phí đào tạo trên đầu sinh viên một năm (chi phí đơn vị) ở các trường công khoảng 6 triệu đồng (hơn 300 USD), nhưng nhiều trường chạy theo số lượng tuyển sinh vượt chỉ tiêu nên chi phí này hạ xuống còn khoảng 2,5 triệu đồng (130 USD)!

Chi phí đơn vị quá thấp như vậy thì làm sao nói đến chất lượng?!

Theo kinh nghiệm thế giới, chi phí đơn vị cho đào tạo ĐH đối với các nước mà trình độ phát triển còn thấp như nước ta phải cao hơn GDP trên đầu người một ít (tức phải khoảng 1.200 USD), chất lượng mới chấp nhận được. Vậy nước ta lấy đâu ra tiền để đảm bảo chi phí đơn vị tối thiểu đó? Theo kinh nghiệm quốc tế, phải chia sẻ chi phí giáo dục ĐH từ nhiều nguồn: Nhà nước, sinh viên, cha mẹ sinh viên, xã hội.

Một chính sách học phí đủ cao + hỗ trợ cao được nhiều nước sử dụng để đảm bảo đủ kinh phí đào tạo, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội.

Học phí cao để huy động đóng góp của những người có khả năng đóng góp, vì họ đang đầu tư cho tương lai của chính mình, còn hỗ trợ cao phải đúng địa chỉ, chủ yếu là giúp người nghèo bằng cách cho vay để họ có khả năng trả học phí khi học và sẽ hoàn lại trong tương lai.

Mấy năm qua Chính phủ đã cố gắng đưa ra quỹ tín dụng sinh viên để thực hiện việc hỗ trợ, nhưng chính sách này được thiết kế chưa thấu đáo, không ổn định, gây khó khăn cho một bộ phận sinh viên. Và chính sách hỗ trợ cao của Nhà nước cũng chưa được kết nối với chính sách học phí cao một cách chặt chẽ.

Đây là một vấn đề rất khó xử lý về mặt xã hội, cần có đổi mới tư duy và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt trong bộ phận lập pháp, tức là các đại biểu Quốc hội. Bài toán khó đó không thể giải quyết tốt nếu không có một cuộc cải cách giáo dục.

(Theo GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP Báo Tuổi trẻ Online)