Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Thừa trường hay thiếu người học?

Cập nhật 11/10/2010 - 10:36:19 AM (GMT+7)
Thế là mùa tuyển sinh 2010 cũng đã kết thúc khi các trường ĐH cuối cùng xét tuyển NV3 với lèo tèo vài thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển như một phiên chợ chiều.

 

 

Thậm chí lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập còn đánh giá đây là năm tuyển sinh khó khăn nhất kể từ khi áp dụng phương thức “ba chung”, đến trường công lập còn phải vét thí sinh bằng điểm sàn thì lấy đâu ra nguồn tuyển cho trường ngoài công lập?

Điểm sàn, nguồn tuyển hạn chế là nguyên nhân dễ thấy nhất. Nhưng thực tế nhiều trường đại học tuyển sinh khó khăn, vét cả ba đợt cũng chỉ được 50% chỉ tiêu, nhiều ngành học ở cả trường công và trường tư phải đóng cửa... còn do những nguyên nhân khác, quan trọng hơn.

Đó là, từ thực tế nhiều trường đại học không tìm được người vào học đã cho thấy một bức tranh khác về quan hệ cung - cầu trong giáo dục đại học ở VN hiện nay. Cùng với mục tiêu đạt 400 sinh viên/ vạn dân vào năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy những năm qua được duy trì ở mức tăng 10% mỗi năm, chưa kể số lượng chỉ tiêu bổ sung cho các trường mới, ngành mới, chỉ tiêu ngoài ngân sách, liên thông...

Trong khi đó, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT nhiều năm nay đã ổn định, dẫn đến số lượng thí sinh dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thực tế hằng năm cũng không tăng. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện ngày càng nhiều của những cơ sở đào tạo đại học nước ngoài, nhiều chương trình liên kết, hợp tác đào tạo tại VN...

Theo ước tính của nhiều chuyên gia giáo dục, đến thời điểm này mối quan hệ cung - cầu trong giáo dục đại học đã tương đối bão hòa, dẫn đến áp lực cạnh tranh để giành một chỗ trong giảng đường cũng giảm rất nhiều.

Trong khi đó những năm gần đây, con số trường đại học mới được thành lập, nâng cấp đã lên tới hàng trăm. Chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường gia tăng nhanh chóng, ngành mới mở liên tục.

Nằm trong xu hướng mở trường, mở ngành ồ ạt những năm qua, đến nay rất nhiều tỉnh đã có trường đại học với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ nhu cầu của địa phương. Nhưng với những gì các trường đại học tỉnh đã thể hiện, có thể nói giữa mong muốn và thực tiễn là một khoảng cách rất lớn. Hầu hết trường đại học tỉnh, từ các tỉnh phía Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long, luôn rơi vào tình trạng không có nguồn tuyển.

Năm nào điểm trúng tuyển của các trường tỉnh cũng ở mức sát sàn, vét đến NV3 vẫn không đủ chỉ tiêu. Lý do chủ yếu khiến hệ thống đại học tỉnh khó tuyển là vì thí sinh vẫn mang tâm lý ứng thi vào những trường đại học ở các thành phố lớn. Chỉ những thí sinh nào không đi nổi mới chịu học trường nhà. Người học tìm đã khó, tìm người dạy giỏi về trường tỉnh chắc chắn còn khó hơn.

Từ đó, khó mà mong hệ thống trường đại học tỉnh nhanh chóng phát triển hay nâng cao chất lượng đào tạo, người học lại càng thờ ơ... Vì vậy, trường đại học tỉnh đang tồn tại trong một vòng luẩn quẩn, chưa nhìn thấy cả hiệu quả lẫn lối ra.

Chúng ta từng mong chờ giáo dục đại học VN đạt đến mức độ phát triển có thể đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, công việc tuyển sinh đầu vào không phải nặng nề, căng thẳng. Nhưng với tình trạng trường đại học không tuyển được người học như hiện nay lại chẳng phải là một dấu hiệu đáng mừng. Đó chỉ là hệ quả của những bất hợp lý trong chính sách quản lý và phát triển giáo dục đại học đang bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết.

(Theo Tuổi trẻ online)